ClockThứ Tư, 27/07/2011 20:36

Cây xăng "rót nước" ra đường

TTH - Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng hạ tầng đô thị, lấy Huế làm hạt nhân mở rộng đô thị vệ tinh về Thuận An ra Tứ Hạ, Phong Điền... Trong xây dựng hạ tầng đô thị, hệ thống giao thông được xem là điểm nhấn làm cho phố xá, cửa ngõ vào thành phố có diện mạo văn minh. Mục tiêu là như vậy thế nhưng thực trạng đường sá ở Thừa Thiên Huế như hiện nay quả là điều chưa ngang tầm với vị thế của một tỉnh giàu tiềm năng du lịch. Quốc lộ 1A đi qua Thừa Thiên Huế, đường tránh phía Tây Huế, hệ thống đường đến các điểm tham quan du lịch, nhiều nơi còn quá lởm chởm đá. Báo chí phản ảnh khá nhiều về thực trạng xuống cấp của đường bộ qua địa bàn Thừa Thiên Huế. Mới đây, tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ IV, nhiều ý kiến nêu lên thực trạng xuống cấp của hệ thống giao thông, đáng chú ý là Quốc lộ 1A đoạn qua Thừa Thiên Huế.

Ai cũng kêu ca đường sao lắm ổ gà, ổ voi, sửa chữa chắp vá? nắng thì bụi mù, mưa thì đường đầy nước. Mật độ phương tiện giao thông ngày càng tăng, thực trạng đường sá như vậy thì chuyện đường xuống cấp là lẽ thường tình. Nhiều câu hỏi được đặt ra tại sao hệ thống giao thông của Thừa Thiên Huế chất lượng lại kém đến vậy? Hỏi thì hỏi vậy thôi chứ ai cũng có thể trả lời được với nhiều nguyên nhân như năng lực thi công kém, trách nhiệm giám sát yếu, thiết kế có vấn đề... Thôi thì chuyện thi công, giám sát, thiết kế là chuyện chuyên môn còn phải bàn thảo kỹ và thảo luận dài dài. Chuyện mà chúng tôi muốn báo động ngay về nguyên nhân làm cho hệ thống giao thông qua địa bàn Thừa Thiên Huế sớm xuống cấp đó chính là mạng lưới cây xăng trên tuyến Quốc lộ 1A. Có thể nói từ Phong Điền đến Phú Lộc, cây xăng mọc lên khá dày. Cây xăng là công trình xây dựng phục vụ việc bán xăng, diezel, nhiều điểm bán xăng có thêm dịch vụ rửa xe, thay dầu... Đó là biểu hiện tốt. Điều đáng bàn ở đây là hầu hết các cây xăng đều có mặt bằng xây dựng cao hơn mặt đường. Ở cái vùng đất nhiều nắng lắm mưa này, hễ đến mùa là nước tràn ra cả mặt đường. Nước chảy đá mòn, huống gì nước xói qua đường lại thêm xe siêu trường siêu trọng thường xuyên băng qua làm sao đường có thể chịu nổi. Ai cũng hiểu nước là kẻ thù của đường. Đường ngập nước thì nền yếu. Đường bị băm thành ổ gà, ổ voi thì nước dễ thẩm thấu vào nền đường. Đoạn đường tránh phía Tây Huế là hình ảnh chứng minh có tính thuyết phục cao về sự xuống cấp do nước cứ tràn lên đường trong mùa mưa.

Tháng 6 vừa rồi, chúng tôi có chuyến công tác vào các tỉnh, thành Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Qua đường tránh vào các tỉnh thành xe cứ bon bon trên đường. Đường rộng, phẳng lì không ổ gà ổ voi như đường ở ta. Tôi đặc biệt quan sát mạng lưới cây xăng của người ta. Đúng là phải học tập. Cây xăng được thiết kế bài bản. Mặt bằng thấp hoặc ngang mặt đường. Trước mặt đấu nối với Quốc lộ 1A là một hệ thống thoát nước. Dù mưa gió bão bùng gì nước từ công trình cây xăng cũng không thể đổ ra mặt đường. Thiết kế một cây xăng trên đoạn Quốc lộ 1A như vậy trước hết đó là ý thức trách nhiệm của chủ cây xăng. Sau đó là công tác quản lý có trách nhiệm của ngành công thương, giao thông và xây dựng...

Còn ở ta sau khi đấu, mua, được cấp đất xong, việc xây dựng như thế nào là quyền của chủ cây xăng. Xây cao, xây thấp chẳng ai để ý làm gì. Còn việc xây dựng hệ thống thoát nước không để nước tràn ra mặt đường, tội gì họ làm, có ai kiểm tra, có ai buộc làm đâu mà “ra tay” cho tốn tiền! Chuyện giản đơn ấy giống như chuyện tội gì mà xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho tốn phí, xả nó ra sông, ra suối, ra ruộng đồng là xong. Chuyện ô nhiễm môi trường của các nhà máy, xí nghiệp... là điều hiển hiện trên công luận. Đi từ Phong Điền về Phú Lộc thấy các cây xăng thuộc Công ty Xăng dầu và một số cây xăng qua địa bàn Hương Trà có thiết kế xây dựng với mặt bằng thấp hơn mặt đường. Số cây xăng dọc tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua đường tránh Huế và địa bàn huyện Phú Lộc thì cứ cao vống lên, chẳng cần xây dựng hệ thống thoát nước. Cứ vậy cây xăng rót nước ra tuyến đường…

Xây dựng cây xăng tùy tiện là chuyện cần xem xét lại. Nếu không thì có duy tu, bảo dưỡng mấy đường cũng phải chóng hư hỏng mà thôi. Trách nhiệm bảo dưỡng, duy tu đường sá không chỉ là việc của ngành giao thông mà là trách nhiệm của cộng đồng. Bên làm, bên phá thì dù công trình nào đi chăng nữa cũng sẽ chóng hỏng, cho dù bên phá vô tâm, không chủ ý thì đó là trách nhiệm là tư duy quản lý của người có trách nhiệm...

Cha chung không ai khóc. Đó là câu cửa miệng mà ông cha ta răn dạy về tinh thần trách nhiệm của con người. Thờ ơ, vô trách nhiệm trước một sự việc, hình ảnh mà chúng ta nhận biết đó là điều phản cảm sẽ là có lỗi với cuộc sống, công tác của người cán bộ. Xem công việc của ngành nào ngành đó lo là tư duy cục bộ, tư duy vô cảm. Phối hợp công tác, liên kết trách nhiệm là yêu cầu đặt ra trong công tác quản lý thời hiện đại.

Chiến Hữu
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top