ClockThứ Sáu, 20/08/2021 21:13

Cha mẹ là “Phật sinh thành”

TTH.VN - Vu lan tháng 7 là mùa báo hiếu, xuất phát từ sự tích ngài Mục Kiền Liên nhờ Phật tổ bày cho phương pháp mà đã cứu được mẹ của mình là bà Thanh Đề đang phải thọ nghiệp dưới hỏa ngục.

Phật tử trong một Đại lễ Vu lan tại chùa Ba La Mật -Huế (Sự kiện diễn ra lúc dịch COVID-19 chưa bùng phát)

Rồi theo thời gian, chẳng hiểu sao về sau này, trong suy nghĩ của nhiều người Vu lan lại nghiêng nặng thành ngày “xá tội vong nhân”. Cũng bởi suy nghĩ như thế nên đến dịp này thấy người ta bày biện cúng kiến tưng bừng, vàng mã đốt, rải vô tội vạ. Nam thanh nữ tú í ới rủ nhau đi chùa lễ phật ăn chay, xem như đó là một dịp để "picnic" vui chơi, còn cái ý nghĩa báo hiếu cha mẹ thì dường như hơi nhòa nhạt.

Tôi có một người bạn là một phật tử thuần thành. Nhưng rằm tháng Bảy ít khi thấy anh đi chùa như bạn bè cùng lứa. Hỏi, anh chỉ cười cười, bảo ngày ấy ở nhà với bố mẹ, chăm cái cây, quét cái nhà, kiếm món gì ngon ngon cho bố mẹ ăn, nhìn ông bà cười vui là OK. Vu lan đó chứ còn Vu lan đâu nữa. Anh nói tưng tửng, vẻ hơi gàn gàn nhưng ngẫm lại thì quả là… chết lý. Vu lan- mùa hiếu hạnh, mùa báo hiếu. Vậy ai còn cha còn mẹ, cả năm có thể tất bật với công việc, với cơm áo gạo tiền, thì chí ít đến ngày ấy hãy giành thời gian gần gũi, chăm nom cha mẹ để cha mẹ được ấm áp, hạnh phúc. Những ai không may đã không còn cha mẹ, thì ngày ấy hãy dâng lên hương hồn các vị nén hương thơm rồi lắng lòng mà ngẫm, xem mình đã sống, đã học, đã làm việc xứng đáng với mong muốn của các bậc sinh thành hay chưa? Chỉ cần như vậy thôi, Vu lan đã ý nghĩa lắm rồi, lòng thành đó đã được phật thánh chứng rồi, đâu nhất thiết phải rộn ràng cúng bái, tưng bừng vàng mã, hoặc kéo nhau đến chùa (thậm chí không khéo có người còn băn khoăn năm nay không đi chùa được vì cô vít cô vi).

Một lần đến vãng cảnh chùa, được sư trú trì cũng là chỗ thân quen pha trà tiếp chuyện. Chuyện đông chuyện tây, bất giác tôi buột miệng kể cho sư suy nghĩ của bạn tôi về Vu lan. Ông lắng nghe, rồi gật gù tâm đắc. Anh này chưa tu nhưng xem chừng đã đắc đạo- Sư cười vui, rồi bảo: "Cứ thành tâm mà thực hành hiếu kính với cha mẹ đi, đó mới thực là Vu lan ý nghĩa nhất. Còn không, đợi khi cha mẹ khuất núi lại mời thầy hoặc lên chùa dâng sớ cầu siêu, đó chỉ là hình thức huyễn hoặc. Mà Vu lan cũng không chỉ có một ngày, mà là suốt đời suốt kiếp. Cha mẹ tại thế hay đã qua đời thì đạo làm con cái đều phải luôn biết hiếu kính. Phụng dưỡng cha mẹ, thờ tự nghiêm trang, sống thiện lành, có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng để các bậc sinh thành không buồn, không thất vọng. Đó là Vu lan đẹp nhất…

Thiền sư Nhất Hạnh (áo nâu, giữa), người được xem đã khơi gợi và khai sinh mỹ tục "Bông hồng cài áo" trong mùa Vu lan

Bất chợt lại nhớ một đoạn trong sách Đại Nam thực lục (ĐNTL- Quốc sử quán triều Nguyễn), sách ví cha mẹ là “phật sinh thành” và đã viết rất hay, đại ý: “Những kẻ thờ cha mẹ chẳng ra gì, thì hằng ngày ăn chay niệm phật cũng vô ích; bỏ cha mẹ là phật sinh thành, mà đi cầu phật vô hình xa ngoài muôn dặm, để mong phước, lẽ nào lại được?”. Quả là rất chí lý! Nhân đây cũng muốn chia sẻ thêm với bạn đọc, cứ ngỡ xưa là cổ hũ, là mông muội mê tín, nhưng khi đọc ĐNTL mới giật thột thấy mình nhầm to. Hóa ra người xưa không hề cổ hũ mông muội tí nào, ngược lại có khi “phong hóa” đời trước còn tiến bộ, văn minh hơn cả bây giờ. Nhân Vu lan tháng Bảy, chỉ xin đề cập chuyện thờ thần thờ phật, đền chùa cúng tế trong ĐNTL như một sự đơn cử:

“…Việc thờ thần thờ phật. Trước phải xem việc dân rồi mới đến việc thần. Sách Kinh nói: “Cúng tế nhàm là bất kính”. Sách Truyện nói: “Kính quỷ thần mà nên ở xa”. Lại nói: “Nếu không phải ma của mình mà tế thì là siểm nịnh”. Đó đều là nói việc thờ cúng quỷ thần tất phải có đạo. Gần đây có nhiều kẻ siểm nịnh thần kỳ, thành hoàng miếu vũ thì cửa ngăn nóc chồng, chạm xà vẽ cột, tế khí nghi trượng thì trang sức vàng bạc, màn tàn cờ quạt thì thêu thùa văn vẻ, tế xuân tế thu, vào đám hát xướng, nhiều thì vài mươi ngày đêm, ít thì tám chín ngày đêm, chèo tuồng hát hỏng, thướng lèo vô số, ăn uống xa hoa, tiêu không tiếc của. Ngoài ra lại đua thuyền múa rối, đủ mọi thứ trò, lại kén lấy trai tơ gái trẻ, đánh cờ đánh bài, tiếng là thờ thần, thực để thỏa dục. Rồi lại bắt đóng góp, hao của tốn tiền. Từ nay về sau, các vị thần công đức nên tế bằng trâu bò thì phải làm đơn xin quan phủ huyện, xét đáng mới cho. Còn như miếu vũ nếu có trùng tu và làm mới thì chỉ cho làm một gian nội từ và ba gian trung đường, hai cột nghi môn không được chạm khắc sơn vẽ. Miếu sở không được gọi lấn là điện; đồ tế khí nghi trượng không được sơn son thếp vàng; màn tàn cờ quạt chỉ dùng vải lụa nhuộm mùi, không được thêu văn vẻ. Hằng năm tế tự, vào đám hát xướng, chỉ cho một ngày đêm, thưởng lèo không được quá phí. Khi tế cho dùng chuông trống làm lễ, tế xong thì thôi. Còn bao nhiêu trò vè khác thì đều cấm cả. Đến như việc thờ phật thì sách Truyện nói : “Say mê dị đoan, chỉ hại mà thôi”. Lại nói: “Có tội với trời thì cầu đảo vào đâu được”. Người có thờ phật là cốt để Phước báo. Sách nhà phật nói : “Có duyên phật độ, không duyên phật chẳng độ”.... Như thế thì người có duyên cần gì phải phật độ, mà người không duyên thì phật độ làm sao được ? … Gần đây có kẻ sùng phụng đạo phật, xây dựng chùa chiền quá cao, lầu gác rất là tráng lệ, đúc chuông tô tượng rất đỗi trang hoàng, cùng là làm chay, chạy đàn, mở hội, phí tổn về cúng phật nuôi sư không thể chép hết, để cầu Phước báo viển vông, đến nỗi tiêu hao máu mỡ. Vậy từ nay về sau, chùa quán có đổ nát mới được tu bổ, còn làm chùa mới và tô tượng đúc chuông, đàn chay hội chùa, hết thảy đều cấm. Sư sãi có kẻ chân tu thì lý trưởng sở tại phải khai rõ tính danh quán chỉ, đem nộp ở quan trấn để biết rõ số.” Đơn cử như vậy thôi, tự bạn đọc chắc cũng cảm nhận được bây giờ so với ngày xưa thế nào.

Bài, ảnh: Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Màu áo lam thương yêu

Cũng đã hàng chục năm nay, tôi có thói quen buổi tối đêm Rằm tháng 7 Âm lịch chở con đi một vòng dạo quanh một số ngôi chùa lớn ở Huế.

Màu áo lam thương yêu
Trang nghiêm Đại lễ Vu lan - Phật lịch 2567, Dương lịch 2023

Ngày 29/8, tại Tổ đình Từ Đàm (01 Sư Liễu Quán, phường Trường An, thành phố Huế) Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh tổ chức Đại lễ Vu lan - Phật lịch 2567, Dương lịch 2023. Đến dự buổi lễ có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; lãnh đạo UBMTTQ Việt Nam tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành và đông đảo bà con phật tử.

Trang nghiêm Đại lễ Vu lan - Phật lịch 2567, Dương lịch 2023
Vu lan, vang vọng một tiếng chuông chùa

Nhà tôi ở xóm Chùa (Thủy Phương, Hương Thủy). Đơn giản trong xóm có ngôi chùa làng nổi tiếng - Linh Sơn cổ tự. Cái tên Chùa còn được đặt cho ngọn đồi nằm phía sau (độn Chùa), đám ruộng và giếng nước ở phía trước (ruộng Chùa, giếng Chùa). Chưa nói, còn nữa trai xóm Chùa, gái xóm Chùa đầy tự hào.

Vu lan, vang vọng một tiếng chuông chùa
Khuyến khích tổ chức lễ Vu lan trực tuyến

Theo Ban Tôn giáo thành phố Hà Nội, lễ Vu lan hằng năm là một trong những ngày lễ quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhằm báo hiếu, tri ân cha mẹ sinh thành, qua đó thể hiện tinh thần từ bi hỷ xả của giáo lý Phật giáo trong việc yêu thương muôn loài.

Khuyến khích tổ chức lễ Vu lan trực tuyến
Đảm bảo phòng, chống dịch mùa Vu lan

Theo thông tin từ Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) tỉnh, mùa Vu lan năm nay được tổ chức theo hướng phát huy tinh thần phòng, chống dịch và phát tâm ủng hộ Quỹ vắc- xin, hỗ trợ nhu yếu phẩm cho khu cách ly và hoàn cảnh khó khăn.

Đảm bảo phòng, chống dịch mùa Vu lan

TIN MỚI

Return to top