ClockChủ Nhật, 18/11/2018 16:17

Chăm chút cho “nữ hoàng”

TTH - Hoa lan từ lâu được xem là “nữ hoàng” trong các loài hoa, tượng trưng cho vẻ đẹp quý phái. Điều đó đồng nghĩa với giá trị hoa lan thường cao hơn so với nhiều loài hoa khác nên cần được bảo tồn và nhân giống...

Khách tham quan vườn lan của Công ty Tiền Phong

Nhiều loài quý, hiếm

Vườn Quốc gia Bạch Mã (VQGBM) là nơi giao thoa, chuyển tiếp giữa 2 luồng khí hậu Bắc-Nam, hội tụ nhiều loài động, thực vật quý, hiếm; được đánh giá cao về sự đa dạng của các loài lan rừng với nhiều kiểu sinh cảnh khác nhau. Họ lan orchidaceae có số lượng 193 loài, trong đó có 12 loài quý, hiếm, có giá trị kinh tế như kim tuyến (Anoectochilus roxburghii), vệ hài đài trắng (Paphiopedilum appletonianum)… đang bị người dân săn lùng để bán nên ngày càng cạn kiệt và suy thoái trong môi trường tự nhiên.

“Cách đây 3 năm chúng tôi đã sưu tầm, thu thập 30 loài lan, mỗi loài 5 cá thể đem về nuôi trồng tại vườn lan của đơn vị, trong đó có 15 loài được sưu tập tại rừng và 15 loài thu thập tại các hộ dân địa phương và các cơ sở nuôi trồng, buôn bán lan. Qua 3 năm trồng và chăm sóc ở nhà vườn, hiện nay số cây lan còn lại 142/150 cây. Các cá thể đều sinh trưởng, phát triển tốt và hầu hết ra hoa đúng mùa. Riêng đợt 2 năm 2018, chúng tôi tiếp tục thu thập thêm 10 loài lan, mỗi loài 10 cá thể. Các loài được chọn đều có giá trị, cho hoa đẹp. Do thời gian đầu được đem về trồng ở nhà lưới nên lan đang trong quá trình ra rễ và thích nghi dần với môi trường mới”, ông Nguyễn Vũ Linh, Phó Giám đốc VQGBM chia sẻ.

Bà Lê Thị Thúy Nga, phụ trách vườn hoa lan thuộc Công ty TNHH NNMTV Lâm nghiệp Tiền Phong (Công ty Tiền Phong) tỏ ra khá hài lòng việc nuôi cấy mô, nhân giống các loại hoa lan tại đơn vị đang đi đúng hướng. Công ty đang chăm sóc 20 ngàn cây lan hồ điệp, trong đó 12 ngàn cây đang xử lý ra hoa; trồng và chăm sóc 50 ngàn cây giống các loại, như trầm, giả hạc, mokara, dendro…; 10.000 cây lan nhập từ nơi khác để làm vườn giống và thử nghiệm quy trình chăm sóc.

Từ những bước đi ban đầu trong lĩnh vực sản xuất hoa, Công ty Tiền Phong đã đạt được những kết quả nhất định. Trước đây, việc điều tiết để hoa lan nở phụ thuộc hoàn toàn vào điều kiện thời tiết, tỷ lệ cây ra hoa thấp, không đồng đều. Phương pháp này chỉ xử lý cho cây ra hoa 1 vụ/năm, không thể cho ra hoa quanh năm nên không đáp ứng nhu cầu thị trường. Chất lượng hoa cũng kém hơn như cành ngắn, cong queo, hoa nhỏ, dễ nhiễm nấm bệnh và virus. Với việc ứng dụng công nghệ nhà lưới hiện đại trong việc nuôi trồng, chăm sóc, công ty đã đầu tư hệ thống làm lạnh, xử lý ra hoa tại chỗ, chủ động được nhiệt độ, ánh sáng và tạo được điều kiện tốt nhất cho hoa phát triển quanh năm.

Tuy đạt được những kết quả ban đầu nhưng theo đánh giá của PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Liên, Viện Công nghệ Sinh học-Đại học Huế, nguồn giống sản xuất trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn ít, chưa phong phú về chủng loại, chất lượng còn thấp, chưa có khả năng cạnh tranh với các nơi uy tín. Sản xuất lai tạo giống lan mới bằng phương pháp nuôi cấy mô chưa được nghiên cứu và thực hiện nhiều. Phần lớn các phòng cấy mô chỉ cấy chuyền các giống nhập từ nước ngoài ở dạng chồi/phôi, các nhà vườn phần lớn vẫn nhập hoa từ các nơi khác về như Đà Lạt, TP. Hồ Chí Minh, thậm chí nhập từ Thái lan, Đài Loan... nên giá thành sản phẩm cao.

Đa số người trồng hoa lan trên địa bàn tỉnh với qui mô hộ gia đình từ vài trăm m2 đến vài ngàn m2. Do qui mô nhỏ lẻ và nguồn giống phân tán nhập từ nhiều nguồn khác nhau dẫn đến chất lượng hoa lan không đồng đều, số lượng không đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hoa lan Phú Mậu

Bảo tồn, nhân giống

Ông Nguyễn Vũ Linh, Phó Giám đốc VQGBM cho rằng, các loài lan rừng ở vườn nói riêng cũng như ở ngoài tự nhiên nói chung đang ngày càng bị khai thác cạn kiệt bởi thú chơi lan của người dân và giá trị của chúng. Vì vậy cần tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và nghiêm cấm tuyệt đối người dân vào rừng khai thác lan. VQGBM đang phối hợp với các đơn vị để nhân giống, nuôi trồng, phát triển các loài lan rừng có giá trị. Bên cạnh việc phát triển, nuôi trồng ở nhà, lan cần có sự hợp tác với các đơn vị có điều kiện như Công ty Tiền Phong để nhân giống, phát triển một số loài lan có giá trị bằng phương pháp nuôi cấy mô hiện đại nhằm phát triển và phục hồi lại chúng ở ngoài tự nhiên.

VQGBM tiếp tục sưu tập thêm một số loài lan khác trong thời gian tới, nhất là các loài địa lan nhằm bảo tồn, phát triển; bên cạnh đó sưu tập, nuôi trồng thêm một số loài lan rừng không có trong danh mục của vườn nhưng xuất hiện ở những vùng lân cận là những loài cho hoa đẹp, có giá trị kinh tế. Vườn tiếp tục lựa chọn các loài hoa đẹp, có giá trị để nhân giống, nuôi trồng, phát triển lan tại nhà sưu tập nhằm làm nơi tham quan học tập và tiến tới làm mặt hàng lưu niệm để bán cho du khách; xây dựng một số dự án để nhân nuôi và phát triển các loài lan đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Ông Cái Văn Thám, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh nêu những lợi thế đối với các đơn vị, ban ngành trong việc triển khai bảo tồn và phát triển các loài hoa lan. Đó là tỉnh đã có chủ trương, chính sách và sự quan tâm đầu tư ứng dụng khoa học, kỹ thuật, các giải pháp công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có hoa lan; kêu gọi, khuyến khích các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Riêng đối với hoa lan, thông qua các đề tài nghiên cứu khoa học, các ban ngành đã chuyển giao kỹ thuật trồng hoa cúc, hoa lan cho người dân. Tại một số địa phương, cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà kính nhà lưới, nuôi cấy tế bào, giao thông và cấp thoát nước, tưới phun mưa… được đầu tư nâng cấp, xây mới. Điển hình là các nhà màng trồng các loại hoa lan có giá trị cao như đại hồ điệp, mokara, cattleya, nghinh xuân… ở Công ty Tiền Phong, hộ ông Hoàng ở phường Hương Sơ (TP. Huế), cơ sở nuôi cấy mô nhân giống lan tại Thủy Phù (TX. Hương Thủy)… Trong các nhà vườn ở TP. Huế, các vùng phụ cận cũng đang có phong trào trồng các loại lan rừng, lan nuôi cấy mô được du nhập từ các nơi khác về.

Ông Tôn Thất Ái Tín, Giám đốc Công ty Tiền Phong đề xuất, để mô hình trồng hoa lan được bảo tồn và ngày càng phát triển đáp ứng nhu cầu thị trường, cần tăng cường nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng công nghệ cao gắn với mức đầu tư kinh phí phù hợp. Nhà nước đã có chủ trương, chính sách hỗ trợ mô hình nông nghiệp công nghệ cao, cụ thể các dự án, cơ sở sản xuất có quy mô từ 500m2 trở lên (đối với trồng trọt) được hỗ trợ 50% chi phí nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở để đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà bạt, lắp đặt các thiết bị chuyên dùng như hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương, xử lý nước cấp, nước thải...

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cho đến bao giờ?!!

Bỏ rác đúng nơi đúng chỗ là chuyện đương nhiên và cực kỳ đơn giản, nhất là trong bối cảnh xã hội ngày càng văn minh,,,

Cho đến bao giờ
“Nữ hoàng” vào vụ tết

Độ này, các loài lan quý như đại hồ điệp, nghinh xuân, giả hạc… đang đua nhau khoe sắc, chuẩn bị phục vụ thị trường tết cổ truyền.

“Nữ hoàng” vào vụ tết

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top