ClockThứ Tư, 17/02/2016 05:47

Chấm dứt tình trạng sa đà

TTH - Đây là một trong những yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.

Theo đó, các bộ, cơ quan, địa phương quán triệt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính, kỷ luật lao động; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu giao dịch của nhân dân; không tổ chức du xuân, liên hoan sa đà, lãng phí, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Lãnh đạo các bộ, cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công. Cán bộ, công chức không đi lễ hội trong giờ hành chính, không sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ.

Trên thực tế, kỳ nghỉ tết 9 ngày vừa qua có lẽ cũng đã là quá đủ đối với nhu cầu của người dân. Chính vì thế, một tinh thần vào việc tích cực, khẩn trương là điều cần thiết không chỉ đối với các doanh nghiệp, nhà máy, công trường... mà còn cần thiết đối với các công sở. Lâu nay, chúng ta vẫn thường đề cập và hướng đến một tác phong và môi trường làm việc hiện đại, tuy nhiên, việc xây dựng và vận hành nó tưởng như dễ mà lại không dễ chút nào. Điều này xuất phát từ ý thức của cán bộ công chức, thói quen đủng đỉnh từ phương thức sản xuất của một nền nông nghiệp cũ và sự trì trệ trong đổi mới chính bản thân mỗi người. Và tất nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là vai trò điều hành của người quản lý.

Thế nên, dù không mấy ngạc nhiên, nhưng nhiều người đã nói rằng, họ cảm thấy không ổn trước không khí và tinh thần làm việc những ngày đầu năm ở một vài nơi, khi mà những dư vị sau tết, với những câu chuyện kéo dài, với kẹo mứt hạt dưa... vẫn được bày biện lên mặt bàn làm việc và không ít người vẫn cùng nhau lên kế hoạch tranh thủ ghé nhà này, nhà kia, đi chỗ này chỗ nọ, nhất là những nơi đang hoặc sắp diễn ra các lễ hội khác nhau. Đây cũng là tình trạng khá phổ biến trên diện rộng chứ không chỉ khu trú trong một địa phương, một cơ quan công sở nào. Sẽ không có gì để phàn nàn nếu những việc ấy được thực hiện ngoài giờ hành chính. Nhưng theo thói thường, tính tranh thủ có lẽ là một đặc tính cố hữu, được vận dụng và thực hiện một cách tối đa nhất có thể. Tôi cũng nhận được không ít những thông tin dạng thì thầm về việc sếp cơ quan này, trưởng phòng chỗ kia làm gì mà “găng” quá, mới tết xong mà! Có lẽ đó là những người không nhìn thấy công việc của mình, không nhìn thấy những ô việc còn để trống, những văn bản cần được thực hiện, những tờ trình cần được đặt lên bàn những người có thẩm quyền. Hoặc có thể vì cơ quan nào đó quá đông người, nên ai cũng nghĩ đó không phải là việc của mình. Hệ quả có thể không thấy ngay, nhưng hệ lụy rõ ràng sẽ đến từ những thói quen không chịu thay đổi là một sức ỳ trĩu nặng trong sự vận hành của bộ máy công chức.

Dù có người cho rằng, yên tâm đi, chỉ là sau tết mới thế thôi, tôi cũng như nhiều người khác vẫn mong muốn, tình trạng sa đà này sẽ được chấm dứt, không chỉ trong dịp tết mà bất cứ mùa lễ hội nào. Chí ít thì Thủ tướng Chính phủ sẽ không còn phải chỉ đạo bằng công điện về điều này nữa khi mỗi công nhân viên chức đủ lòng tự trọng để vận hành công việc của chính mình.

Nguyễn An Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top