ClockChủ Nhật, 20/08/2017 08:11

Chậm mà không chậm

TTH - Câu chuyện “Thành phố không tiếng còi” trên Thừa Thiên Huế Cuối tuần (ra ngày 29/7 vừa qua) đã thu hút sự quan tâm và bàn luận của người ở Huế lẫn người xa Huế. Trong cuộc luận bàn, nhiều ý kiến cho rằng muốn hạn chế bấm còi thì phải chạy xe chậm lại, vì chạy nhanh thì không thể không bấm còi. Muốn yên tĩnh thì phải chậm rãi. Mà yên tĩnh và chậm rãi là tính cách của người Huế, cũng là đặc tính vốn dĩ của đô thị Huế. Vì vậy, Huế là thành phố rất thuận lợi để xây dựng lối sống văn minh này.

“Thành phố không tiếng còi”Thành phố không tiếng còi

Đô thị Huế cũng cần phải phát triển, phải luôn luôn mới, nhưng không đánh mất "bài thơ đô thị" tuyệt tác của mình. Ảnh: Phan Thành

Cũng có người đồng ý như thế, nhưng không tán thành với lập luận của bài báo: “Huế sẽ không phát triển nếu không giữ được sự yên tĩnh, chậm rãi đó; vì như thế, Huế không còn là Huế nữa”. Ý kiến này thắc mắc cần chậm ở chỗ nào và nhanh ở chỗ nào, chậm như thế nào và nhanh như thế nào... Vì vậy, chúng tôi muốn bàn tiếp câu chuyện chậm và nhanh của Huế. Đó là câu chuyện dài về xây dựng đô thị Huế, và cũng là câu chuyện bức bách về làm ăn phát triển của Huế.

Mười lăm năm trước, một kiến trúc sư (KTS) Hà Nội đến Huế cũng đã băn khoăn: “Nếu xây dựng Huế trở thành một thành phố sôi động, náo nhiệt - sẽ đánh mất Huế. Nhưng cứ giữ mãi sự êm đềm và tĩnh lặng - Huế sẽ không phát triển”. Đó là phát biểu của KTS Hoàng Minh Thái (Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội) tại hội thảo Xác lập diện mạo kiến trúc đô thị đặc trưng cho Huế do Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức vào tháng 3/2002.

Cũng tại cuộc hội thảo đó, hầu hết các chuyên gia hàng đầu của kiến trúc Việt Nam đều xác định “thơ mộng” là nét đặc trưng của đô thị Huế. Các KTS đều nhắc lại lời đúc kết quá hay của một người Nga - KTS Mudrin: “Trên thế giới này có biết bao thành phố khác nhau: thành phố công nhân, thành phố khoa học, thành phố cảng, thành phố khổng lồ và siêu khổng lồ. Nhưng thật hiếm có một thành phố thơ. Vậy mà ở Việt Nam có một thành phố như thế. Đó là Huế”. Thành phố thơ đó đã được ông Tổng Giám đốc UNESCO - Amadou Mahta M’Bow - đúc kết bằng một câu trở thành như khuôn mẫu: “Huế - kiệt tác thơ kiến trúc đô thị”.

Cũng như mọi đô thị khác ở Việt Nam, Huế cũng cần phải phát triển, phải mở rộng, phải chỉnh trang, phải xây mới, nhưng làm thế nào để thành phố khang trang hơn, hiện đại hơn, mà vẫn là “bài thơ đô thị” tuyệt tác? KTS Nguyễn Trực Luyện - bấy giờ là Chủ tịch Hội KTS Việt Nam - đã đưa ra câu trả lời, đó là cách giải quyết mối quan hệ giữa thiên nhiên - con người - kiến trúc bằng một tỷ lệ hài hòa. Ông lưu ý đến phong thái thâm trầm và kín đáo, sự ý tứ và tôn trọng lẫn nhau trong cách cư xử của người Huế, và khuyến cáo: “Nếu chúng ta làm mất nó, nếu chúng ta chạy theo nhà cao - đường rộng, chạy theo các loại kiến trúc chỉ có vẻ bên ngoài đã thấy xuất hiện lác đác trên các đường phố Huế, thì Huế sẽ không còn là Huế nữa”.

Tựu chung, các chuyên gia kiến thiết đô thị đều xác lập diện mạo của Huế phải là một thành phố thơ mộng, với một phong cách thư thái của cư dân, trong không gian yên tĩnh, không tiếng còi xe, không khói bụi. Đó là giá trị đặc sắc và riêng biệt của Huế. Giá trị đó càng trở nên quí hiếm giữa bối cảnh môi trường tự nhiên lẫn xã hội ngày càng suy thoái bởi ống khói công nghiệp và lối sống tốc độ của chủ nghĩa tiêu dùng, hưởng thụ thực dụng. Mới đây, chúng tôi còn nghe người ta nhắc đến khái niệm Slow City - thành phố sống chậm. Thành phố đó phải chăng chính là Huế? Nhiều du khách đến từ các đô thị sầm uất như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội đều nói rằng họ rất thích nhịp sống chậm rãi của Huế. “Sống chậm với Huế - một ý tưởng thật hay để tạo ra sản phẩm hấp dẫn cho du lịch Huế.

“Ít có đô thị nào được như Huế, trong đêm khuya có thể nghe tiếng lá trở mình, có thể nghe hơi thở của cỏ...” - nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc đã viết về sự yên tĩnh diệu vợi của Huế. Tất nhiên, nói Huế yên tĩnh, không có nghĩa là Huế không chấp nhận sự sôi động. Nói  người Huế chậm rãi, không có nghĩa là người Huế không nhanh.

Ai đã đến chơi Festival Huế, sẽ thấy một Huế hội hè say mê, náo nhiệt. Một Huế mở cửa suốt ngày để triển lãm, trưng bày và thức suốt đêm ca hát nhảy múa với nghệ sĩ năm châu và du khách thập phương. Lễ hội thì phải tràn ngập âm thanh, sắc màu. Từ thuở nào đến giờ, Huế có từ chối sự sôi nổi, náo nhiệt ấy đâu. Thậm chí, khi Huế náo nhiệt với Festival, đã có người cho rằng Huế không còn là Huế. Tôi không thấy Huế bị mất đi sự yên tĩnh, thư thái của mình bởi sự náo nhiệt của lễ hội. Vì, đó chỉ là sự náo nhiệt ở một vài nơi, trong một vài ngày. Chỉ cần lễ hội bế mạc thì sự yên tĩnh muôn thuở của Huế hiện ra ngay.

Người Huế chậm rãi, nhưng không phải là họ không nhanh nhạy với thời cuộc, với cái mới. Chỉ có điều, họ thể hiện sự nhanh nhạy và sôi nổi theo cách của Huế, từ tốn và chậm rãi.

UNESCO còn có một cách gọi về Huế rất thú vị: “Huế luôn luôn mới”. Thoạt nghe nhiều người đã thắc mắc Huế phải luôn cổ kính mới đúng là Huế chứ. Nói vậy là không hiểu Huế rồi. Huế luôn luôn mới, là mới trong tư duy, trong sức sống để bảo tồn cái cổ kính của di sản nhân loại. Đối diện với đô thị di sản cổ kính thâm nghiêm ở bờ bắc sông Hương là một đô thị mới ở bờ nam sông Hương, và bây giờ còn có thêm đô thị hiện đại An Vân Dương, Phú Bài, và xa hơn là Chân Mây - Lăng Cô.

Du khách ấn tượng về câu nói đùa, với Huế khi vào quán chờ lâu thì luôn nhận được câu trả lời: “Dạ, xin chờ một chút”. Câu trả lời đó bao hàm cả sự chậm rãi của tính cách Huế lẫn sự chậm chạp cố hữu của Huế. Tương tự như thế, mặt trái của sự kín đáo là thiếu cởi mở, mặt trái của ý tứ là thiếu tự nhiên, sự hoài cổ đi liền với thủ cựu, sự thư thái thì dễ dẫn đến thiếu năng động, sự êm đềm và tĩnh lặng cũng là trở lực của phát triển...

Suy cho cùng, sự đối nghịch của các cặp phạm trù luôn là lẽ tất nhiên. Vì vậy, việc của người lãnh đạo và quản lý xã hội là biết cách điều khiển một cách tài tình các cặp phạm trù đó, để Huế phát triển mà không đánh mất mình. Huế phải hiện đại, phải mới lạ, nhưng Huế vẫn là Huế cổ kính, thơ mộng. Huế phải tăng tốc và tăng tốc hơn nữa để phát triển, nhưng phát triển một cách bền vững, như một câu hối thúc nghe chừng phù hợp với Huế: "Hãy nhanh lên một cách từ từ".

Minh Tự

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn

Sáng 6/4, lãnh đạo huyện Phú Lộc thông tin, bằng nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, huyện Phú Lộc đang triển khai xây dựng dự án (DA) tuyến đường đô thị mới La Sơn (Lộc Sơn) với kinh phí gần 152 tỷ đồng. DA giao trách nhiệm cho BQL Đầu tư Xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư.

Đầu tư gần 152 tỷ đồng xây dựng tuyến đường đô thị mới La Sơn
“Năng lượng” mới

Cuối tuần này sẽ diễn ra hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch đô thị chung Thừa Thiên Huế đến năm 2045, định hướng đến năm 2065. Đây được xem là dấu mốc trong hành trình xây dựng Thừa Thiên Huế khởi đầu một giai đoạn phát triển bền vững với chiến lược đánh thức nguồn “năng lượng” mới.

“Năng lượng” mới
“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế

Nhà máy xử lý nước thải tại TP. Huế được ví như là “lá phổi xanh” giữa lòng Cố đô, bởi không chỉ đang giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt của người dân mà còn là “điểm xanh”, bởi phủ đầy cây xanh, không khí trong lành.

“Lá phổi xanh” giữa đô thị Huế
Return to top