ClockThứ Năm, 01/10/2020 14:22

Chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi

TTH - Năm 2020, chủ đề của Ngày Quốc tế người cao tuổi (1/10) hướng đến thông điệp toàn dân thay đổi hành vi, cùng chung tay chăm sóc người cao tuổi cả về đời sống thể chất và tinh thần.

Chăm sóc sức khỏe người cao tuổiLương hưu cho người cao tuổi

Bác sĩ trẻ Bệnh viện Trung ương Huế thăm khám sức khỏe cho người cao tuổi

“Kính lão đắc thọ”, “kính trên nhường dưới”… là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp được lưu truyền và bồi đắp qua bao thế hệ người dân Việt Nam. Trong gia đình người Việt, người già có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa gia đình và dạy bảo con cháu. Với con cháu, việc chăm sóc người cao tuổi trong nhà là bổn phận và nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi thành viên.

Chúng tôi đã may mắn đi qua một phần tuổi thơ vô cùng ý nghĩa khi được sống với đủ đầy tình yêu thương của cả ông bà nội và ngoại. Trước khi hai người ông ra đi vì bệnh tật, hầu như mọi việc quan trọng của mỗi gia đình nhỏ trong đại gia đình lớn của chúng tôi, đều được quyết định theo định hướng của hai “cây cao bóng cả” ấy. Một trong những “dấu vết” sinh động nhất là tên gọi của các anh chị em. Anh chị em chúng tôi tuy là con của mỗi gia đình nhỏ riêng lẻ, nhưng đều do ông bà nội thống nhất việc đặt tên. Những ông bố bà mẹ, dù là người trực tiếp sinh con nhưng chỉ đề xuất tên để ông bà nội chọn. Nếu là cháu gái, ông bà sẽ chọn đặt những tên có ý nghĩa và không trùng với họ hàng gần trong gia phả. Nếu là cháu trai, ngoài 2 yếu tố trên, còn thêm ý nghĩa kết nối anh em và thể hiện thông điệp nào đó của gia đình. Vậy nên, anh em trai cháu nội, ngoài việc mang cả họ và chữ lót như ông nội, bác, chú, mỗi đứa còn được nội sắp xếp và gửi gắm thông điệp của gia đình qua những cái tên theo thứ tự năm sinh: Trung – Tâm – Hiệp – Lực – Đoàn – Kết – Thành – Đạt…

Nơi chúng tôi sinh ra và lớn lên, nhiều gia đình đặt tên con cháu như thế và đó cũng là một nét văn hóa truyền thống làng rất đẹp. Không những thế, phong tục tập quán địa phương còn lưu giữ được nhiều thói quen sinh hoạt thường ngày thể hiện sự coi trọng và quan tâm đến người cao tuổi. Đó là những chuẩn mực hiếu thuận của con cháu đối với cha mẹ, ông bà; là những sân chơi bổ ích, nhẹ nhàng dành cho người cao tuổi trong làng, xã; là hoạt động thường niên được chính quyền xã duy trì là tổ chức mừng thọ tập trung vào dịp đầu xuân mới cho người từ 60 tuổi trở lên...

Nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho người cao tuổi bằng những chính sách cụ thể và thiết thực. Nhà nước và cộng đồng cùng chung tay hỗ trợ, chăm sóc sức khỏe và thực hiện các chính sách an sinh xã hội để chăm sóc đời sống cho người cao tuổi; tạo điều kiện thuận lợi để người cao tuổi tham gia các hoạt động giải trí, văn hóa, sống vui, sống khỏe, sống có ích và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm các chuẩn mực đạo đức với người cao tuổi.

Đời sống ngày càng phát triển, số con trong mỗi gia đình ít hơn nhiều so với các thế hệ trước và con cái cũng dễ dàng thoát ly khỏi các vùng nông thôn khó khăn nên mô hình “tam/tứ đại đồng đường” không còn phổ biến trong các gia đình Việt như nhiều năm trước. Nhưng như vậy không có nghĩa là mỗi người, mỗi gia đình coi nhẹ trách nhiệm chăm sóc, yêu thương và lễ phép với người cao tuổi trong gia đình. Ông bà, cha mẹ không ai muốn trở thành gánh nặng của con cháu, nhưng con cháu không vì thế mà thờ ơ, vô tâm và vô trách nhiệm với chính cha mẹ, ông bà mình.

Thực tế cho thấy, sự kính trọng và quan tâm của người thân không những giúp người cao tuổi không cô đơn, mặc cảm với tuổi già, mà còn chính là thước đo, là chuẩn mực để giáo dưỡng tình yêu thương gia đình, sự tôn kính người lớn trong mỗi đứa trẻ trong gia đình. Do đó, bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, mỗi gia đình cần phát huy tốt hơn nữa vai trò con cháu trong việc chăm sóc, hỗ trợ người cao tuổi trong nhà. Chỉ khi người cao tuổi trong gia đình được khỏe mạnh, vui vẻ, gần gũi với con cháu thì nề nếp gia phong và những truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ mới có “phù sa” để bám rễ và lan tỏa.

Ngày 14/12/1990, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã bỏ phiếu tán thành việc lấy ngày 1 tháng 10 hàng năm làm Ngày Quốc tế người cao tuổi. Ngày Quốc tế người cao tuổi là một ngày hành động quốc tế do Liên Hiệp Quốc đặt ra nhằm tuyên truyền cổ động cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ các người cao tuổi trong mọi nước thành viên. Trong thông báo của Liên Hợp quốc về quyết định này đã ghi rõ: “Bằng việc đề ra Ngày Quốc tế người cao tuổi, Liên Hợp quốc mong muốn mọi người nhận thức rõ hơn thực tế về người cao tuổi, thấy rõ khả năng to lớn của họ đóng góp vào sự phát triển cộng đồng xã hội. Đồng thời lưu ý mọi người trên thế giới về một hiện tượng rất mới mẻ, đó là già hoá dân số và trong tương lai không xa về kỷ nguyên của người cao tuổi”.

Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nhật Bản: Người cao tuổi sống một mình sẽ chiếm 20% tổng số hộ gia đình vào năm 2050

Một nghiên cứu mới của Viện Nghiên cứu An sinh xã hội và Dân số quốc gia Nhật Bản cho biết, đến năm 2050, 10,8 triệu người cao tuổi ở nước này sẽ sống một mình, chiếm 20,6% tổng số hộ gia đình, đánh dấu sự gia tăng kể từ năm 2020, khi chỉ 7,37 triệu người già - tương đương 13,2% tổng số hộ gia đình, sống một mình.

Nhật Bản Người cao tuổi sống một mình sẽ chiếm 20 tổng số hộ gia đình vào năm 2050
Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”

TIN MỚI

Return to top