ClockThứ Tư, 11/07/2018 16:00

Chăm sóc sức khỏe người dân trên hồ sơ điện tử

TTH - Chủ tịch UBND tỉnh vừa ký quyết định thành lập Ban điều hành và Tổ giúp việc triển khai tạo lập và quản lý hồ sơ điện tử sức khỏe toàn dân (HSĐTSKTD), tiến tới triển khai xây dựng hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân.

Nắng nóng ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sốngKhi người dân chọn trạm y tếÔ nhiễm nhựa đe dọa mạng sống con ngườiNgày hội sức khỏe cho học sinh

TS Nguyễn Nam Hùng – Giám đốc Sở Y tế, Trưởng ban điều hành triển khai tạo lập và quản lý HSĐTSKTD

TS Nguyễn Nam Hùng – Giám đốc Sở Y tế, Trưởng ban điều hành đã có những trao đổi với chúng tôi xung quanh vấn đề này.

Vậy người dân và ngành y tế được lợi gì từ việc lập hồ sơ này?

Lập và quản lý HSĐTSKTD giúp người dân quản lý được thông tin cá nhân thuận tiện, đầy đủ, có thể tra cứu và theo dõi sức khỏe của bản thân thông qua cổng chăm sóc sức khỏe. Riêng với ngành y tế, dễ dàng quản lý được thông tin người bệnh, từ đó nắm bắt tình hình sức khỏe tại địa phương, kiểm soát tình hình dịch bệnh, tiêm chủng, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, hỗ trợ báo cáo thống kê điện tử thay thế sổ sách tay, đưa ra các chính sách và quyết định chính xác, kết nối được với bệnh nhân thông qua các thông tin liên lạc...

Khi nào thì bắt đầu triển khai, thưa ông?

Sau nhiều buổi họp với lãnh đạo tỉnh cùng các đơn vị liên quan, Sở Y tế đã có công văn gửi Bộ Y tế về việc đề xuất được cung cấp, truy xuất dữ liệu để phục vụ tạo lập và quản lý HSĐTSKTD. Cụ thể, cho phép lấy cơ sở dữ liệu về người dân, hộ gia đình tham gia BHYT bao gồm thông tin về định danh cá nhân, kết nối truy xuất và sử dụng cơ sở dữ liệu (CSDL) tiêm chủng, CSDL bệnh lây nhiễm và CSDL bệnh không lây nhiễm trên hệ thống của Bộ Y tế quản lý, kết nối liên thông hồ sơ sức khỏe của tỉnh vào hệ thống quản lý HSĐTSKTD của Bộ Y tế.

Sở đã triển khai thí điểm việc tạo lập và quản lý HSĐTSKTD căn cứ vào thực tế khảo sát, chọn triển khai 72/152 (đạt 47,3%)Trạm Y tế xã/phường/thị trấn trên địa bàn tỉnh. Quá trình triển khai bước đầu sở luôn tổ chức kiểm tra, giám sát và yêu cầu các đơn vị báo cáo tiến độ, những khó khăn, vướng mắc và kết quả thực hiện để biết, chỉ đạo và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Hồ sơ điện tử của cá nhân khi số hóa chứa những thông tin gì, thưa ông?

 

Tiến đến mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử của tỉnh

Tất cả dựa theo quyết định của Bộ Y tế về mẫu hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân bao gồm các thông tin cá nhân sẽ được số hóa gồm: Thông tin hành chính (thông tin chung, thông tin thẻ BHYT, thông tin quan hệ gia đình, thông tin liên hệ); thông tin tiền sử và các yếu tố sức khỏe liên quan (tình trạng lúc sinh, yếu tố nguy cơ đối với sức khỏe các nhân, tiền sử bệnh tật dị ứng, tiền sử bệnh tật dị ứng, khuyết tật, tiền sử phẫu thuật, tiền sử gia đình, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình); thông tin tiêm chủng (tiêm chủng cơ bản cho trẻ em, tiêm chủng ngoài chương trình TCMR, tiêm củng vắc-xin uốn ván (phụ nữ có thai); thông tin khám lâm sàng và cận lâm sàng (bệnh sử, thăm khám lâm sàng, kết quả cận lâm sàng, chẩn đoán/kết luận, tư vấn và bác sĩ khám).

Ông có thể cho biết, việc lập hồ sơ sức khỏe cá nhân sẽ đem lại những tác động tích cực nào cho cộng đồng?

Việc này bảo đảm mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe và thống nhất lưu trữ trong hệ thống quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử của tỉnh nói riêng và toàn quốc nói chung. Với người dân, khi cần khám chữa bệnh có thể truy xuất thông tin thông suốt trong hệ thống y tế, các thông tin về sức khỏe người bệnh được cung cấp cho thầy thuốc nhanh chóng, chính xác, tạo thuận lợi cho việc chẩn đoán và điều trị người bệnh, giúp họ được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phối hợp, phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm, hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí của mỗi người dân cho việc khám, chữa bệnh.

Với ngành y tế, qua hồ sơ quản lý sức khỏe giúp theo dõi, giám sát và phát hiện sớm để giải quyết sớm tại tuyến y tế cơ sở khám, chữa bệnh ban đầu, hạn chế biến chứng và diễn biến bệnh tật nặng, giúp giảm quá tải tuyến trên. Mặt khác, khi thông tin về sức khỏe của người bệnh được thông suốt các tuyến sẽ giúp việc chẩn đoán chính xác, phối hợp điều trị thống nhất, hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. Việc tổng hợp, phân tích dữ liệu thông tin quản lý sức khỏe giúp việc hoạch định chính sách đối với ngành y tế cũng tốt hơn vì có những bằng chứng về thực tiễn.

Ngoài ra, với quỹ BHYT, khi việc chẩn đoán, điều trị bệnh sớm sẽ đơn giản hơn, nhờ đó hạn chế việc sử dụng kỹ thuật cao, do vậy giảm chi phí BHYT. Đồng thời, khi thông tin người bệnh thông suốt, việc quản lý chi phí bảo hiểm dễ dàng hơn, hạn chế việc gian lận.

Thưa ông, lượng bác sĩ tại cơ sở trên địa bàn tỉnh so với quy mô dân số có đáp ứng đủ điều kiện thực hiện hồ sơ quản lý sức khỏe? Được biết, việc lập hồ sơ lần đầu sẽ do trạm y tế cơ sở đảm nhận, vậy có quá sức với họ không?

Có thể khẳng định, việc thực hiện khởi tạo và quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử không nhất thiết bắt buộc bác sĩ mới thực hiện, mà việc khởi tạo và quản lý thì các chức danh khác cũng có thể làm được. Tuy nhiên, để triển khai thành công thì sở xác định nhân lực là yếu tố quan trọng và đã có bước chuẩn bị từ những năm trước và đã đảm bảo. Nhìn lại một số chỉ số của ngành năm 2017 để thấy rõ việc quản lý thông tin tại tuyến y tế cơ sở là khá chủ động và đầy đủ.

Do đó, khi triển khai để giảm tải công việc và thực hiện nhanh, có tính kế thừa, chính xác lượng thông tin khi thiết lập hồ sơ sức khỏe của người dân, chúng tôi đã chỉ đạo kết nối và chia sẽ dữ liệu của các hệ thống phần mềm đã triển khai đồng bộ trước đó như: CSDL KCB, CDSL tiêm chủng, CSDL bệnh lây nhiễm; CSDL dân cư để lập thành hồ sơ sức khỏe.

Người dân cho rằng việc quản lý, khai thác thông tin có thể ảnh hưởng đến quyền riêng tư, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Đây là một trong những việc được tính đến trước tiên khi lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Trong quá trình triển khai sở đã chỉ đạo các đơn vị phải đảm bảo quyền được giữ bí mật, tính riêng tư của bệnh nhân và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin đúng theo quy định hiện hành.

Với lượng thông tin dữ liệu hiện nay, sẽ có giải pháp khai thác hiệu quả phục vụ công tác quản lý, như: có thể sẽ quản lý được mô hình bệnh tật của tại tỉnh; có thể biết được kết quả của các hoạt động can thiệp y tế, can thiêp giảm tác hại (ví dụ tỷ lệ hút/ bỏ thuốc lá...) từ đó ngành y tế và các ngành liên quan có cơ sở đưa ra các giải pháp, chiến lược can thiệp. Nó gần như là một kênh dữ liệu điều tra quốc gia với các chỉ số tin cậy về tình trạng sức khỏe người dân. Người dân sẽ có mã riêng, có tài khoản riêng. Hệ thống sẽ lưu giữ thông tin, kiểm soát ngày giờ đăng nhập. Thông tin lưu trong hồ sơ được đảm bảo quyền riêng tư, tương tự như với bệnh án điều trị mà các bệnh viện đang thực hiện, khi có yêu cầu của người bệnh và người nhà của bệnh nhân được ủy quyền mới được xem hồ sơ sức khỏe.

Xin cảm ơn ông!

PHAN THÀNH (thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

TIN MỚI

Return to top