ClockThứ Hai, 27/03/2017 14:10

Chậm thả nuôi vụ thủy sản mới: Nguy cơ dịch bệnh

TTH - Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường khiến tiến độ thả giống vụ nuôi trồng thủy sản (NTTS) năm 2017 tại nhiều địa phương bị chậm so với khung lịch thời vụ.

Người dân xã Quảng Công (Quảng Điền) cải tạo ao hồ cho vụ nuôi tôm mới

Thời điểm này, nhiều năm trước, trên địa bàn huyện Phú Vang đã thả nuôi thủy sản vụ mới được hơn 20 ngày. Nhưng năm nay, phần lớn diện tích ao hồ của các địa phương đến cuối tháng 2 (âm lịch) vẫn còn bỏ trống. Nhiều hộ dân đã cải tạo ao hồ nhưng chưa thể thả giống do nguồn nước chưa đáp ứng các điều kiện về môi trường.

 Ông Đặng Ngọc Phước ở xã Phú Xuân (Phú Vang) tỏ ra lo lắng trước vụ NTTS mới gặp nhiều khó khăn về thời tiết: “Đời sống của gia đình tôi cũng như nhiều hộ ở địa phương chủ yếu nhờ NTTS. Đầu năm thường là thời điểm thích hợp, gặp thời tiết thuận lợi nên thủy sản ít dịch bệnh. Năm nay, thời tiết phức tạp, độ PH, độ mặn quá thấp, không đủ điều kiện thả nuôi. Đây chính là lý do vụ nuôi này bị chậm so với thời vụ, người dân rất nóng lòng”.

  Ông Đặng Hữu Hùng-một người nuôi tôm giải thích nguyên nhân độ mặn và PH thấp do mưa lũ bất thường, kéo dài đến đầu năm sau khiến độ mặn, PH rất thấp. Nếu thả nuôi thủy sản lúc này sẽ bị dịch bệnh và chết. Tôi cũng như nhiều hộ dân đã cải tạo ao hồ, nhưng đang chờ độ mặn, PH đảm bảo mới thả nuôi. Nhưng với điều kiện thời tiết như thế này thì không biết khi nào mới xuống giống được”.

 Ông Hồ Đình Tiễn, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân thông tin, toàn xã có khoảng 800 hộ NTTS với diện tích khoảng 500 ha. Trước đây chủ yếu nuôi bán công nghiệp, những năm đầu hiệu quả cao. Khi diện tích phát triển đại trà thì thường xuyên dịch bệnh, thua lỗ. Mấy năm gần đây, xã vận động bà con chuyển sang nuôi xen ghép các đối tượng tôm-cua-cá nên hạn chế dịch bệnh, có lãi. Tuy niên, tình hình khí hậu biến đổi thất thường làmngười dân chưa hết vui thì lại lo lắng, sợ trước tình hình biến đổi khi hậu, thời tiết diễn biến phức tạp khiến tiến độ thả nuôi bị chậm so với yêu cầu.

Người dân Phú Xuân chuẩn bị ao hồ cho vụ nuôi 2017

 Nhiều năm trước, đến đầu tháng 2 (âm lịch), toàn bộ diện tích NTTS nuôi trồng thủy sản của xã Phú Xuân đã hoàn thành việc thả giống nuôi vụ mới. Nhưng đến thời điểm này mới chỉ vài chục hộ thả nuôi, song bà con cũng thấp thỏm, lo dịch bệnh. Chính quyền địa phương cử cán bộ kiểm tra, nắm bắt tình hình, vận động người dân thường xuyên theo dõi, khi các yếu tố môi trường đảm bảo thì khẩn trương xuống giống.

 Chính quyền địa phương, cán bộ khuyến nông khuyến cáo người dân tuân thủ quy định các yếu tố môi trường, kỹ thuật, chăm sóc thủy sản trong điều kiện tốt nhất nhằm đảm bảo sinh trưởng tốt, rút ngắn tối đa khung lịch thời vụ. Nếu thời vụ kéo dài sang mùa nắng nóng (mùa hè) thì nguy cơ tôm bị dịch bệnh, chết rất cao; hoặc chậm phát triển, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm.

 Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Phú Vang, ông Đoàn Thao cho biết, NTTS được xác định là “mũi nhọn” trong phát triển kinh tế của huyện Phú Vang. Diện tích NTTS hằng năm trên địa bàn huyện khoảng 2.250-2.300 ha với 2.530 hộ tham gia nuôi trồng. Nhiều năm thời tiết thuận lợi, ít dịch bệnh, doanh thu từ nuôi tôm toàn huyện Phú Vang đạt 150-180 tỷ đồng.

Theo kế hoạch,  vụ NTTS năm 2017, toàn huyện Phú Vang thả nuôi khoảng 2.300 ha, trong đó chuyên tôm hơn 200 ha, còn lại nuôi xen ghép. Đến thời điểm này, toàn huyện mới thả nuôi khoảng 500 ha, tập trung ở các xã: Phú Xuân, Phú Đa, Phú An, Phú Mỹ... Ông Đoàn Thao cho rằng, việc thả nuôi chậm so với lịch thời vụ báo hiệu một vụ mùa rất khó khăn. Ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân theo dõi sát sao diễn biến thời tiết để thả giống kịp thời; đồng thời hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật nhằm rút ngắn thời gian sinh trưởng trong khả năng có thể, đảm bảo vụ mùa thắng lợi; hoặc hạn chế rủi ro, thiệt hại đến mức thấp nhất vụ nuôi NTTS năm 2017.

Không riêng Phú Vang, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh cũng lâm vào cảnh tương tự. Ông Mai Văn Xĩ, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc cho biết, tình trạng ngọt hóa, độ PH cao khiến nhiều diện tích tại các xã Lộc Bình, Vinh Hưng, Lộc Điền, thị trấn Lăng Cô... đến nay vẫn chưa thể thả giống. Một số vụ trước, do người dân nôn nóng đã thả nuôi thủy sản trong điều kiện bị ngọt hóa, độ PH thấp nên tôm chết hàng loạt. Hoặc sau khi thả nuôi vài tháng thì tình trạng ngọt hóa đột ngột, kèm theo nắng nóng khiến bùng phát dịch bệnh. Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân không nên nôn nóng thả nuôi trong thời điểm này; khi nguồn nước điều hòa, đảm bảo các yếu tố môi trường mới thả nuôi.

 Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đình Đức cho biết, theo kế hoạch, NTTS năm 2017, toàn tỉnh thả nuôi 7.300 ha thủy sản, trong đó nuôi xen ghép các đối tượng 4.220 ha trên vùng đầm phá, còn lại nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát, đầm phá và các loại thủy sản nước ngọt. Đến nay, phần lớn diện tích nuôi tôm trên cát đều thả nuôi, đang phát triển tốt, còn diện tích NTTS đầm phá mới thả khoảng một nửa.

Nguyên nhân chính khiến nhiều địa phương chậm thả nuôi là do độ PH và độ mặn thấp. Ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương yêu cầu người dân cải tạo ao hồ chờ sẵn, khi điều kiện môi trường đảm bảo thì khẩn trương thả nuôi. Sau khi thả nuôi cần thường xuyên theo dõi, chăm sóc, đảm bảo thủy sản phát triển tốt nhằm rút ngắn tối đa thời gian sinh trưởng. Đối với tôm cần thu hoạch trước thời điểm nắng nóng (tháng 6-7) nhằm tránh thiệt hại do dịch bệnh.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm

Các biện pháp phòng, chống được triển khai đồng bộ, có hiệu quả nên đến thời điểm này, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm (GSGC) chưa xảy ra. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm, tái bùng phát dịch bệnh GSGC.

Ứng phó nguy cơ dịch bệnh gia súc, gia cầm
Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, môi trường diễn biến phức tạp thì việc thay đổi tư duy sản xuất, đa dạng hóa đối tượng nuôi thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là điều gần như tất yếu.

Đa dạng thủy sản nuôi thích ứng biến đổi khí hậu
Một công đôi việc

Thời tiết đang chuyển mùa với nóng, lạnh, nồm ẩm đan xen nên nguy cơ mắc bệnh và lây lan dịch bệnh trên vật nuôi là rất cao. Theo thông tin mới nhất, dịch cúm gia cầm H5N1 đang xuất hiện tại một số tỉnh thành phía Bắc và phía Nam; cùng với một số dịch bệnh khác trên đàn vật nuôi vẫn đang tiềm ẩn.

Một công đôi việc

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top