ClockThứ Năm, 19/09/2019 13:45

“Chẩn bệnh” cho dương cầm

TTH - Người chơi đàn piano không nhiều, người sửa đàn lại càng hiếm, và đó cũng là nghề ít người biết đến. Với thầy Dương Tiến Cang, gần 20 năm theo nghiệp “chẩn bệnh” cho đàn piano thì được sửa đàn cho người chơi, trở thành “tri âm” của những cây đàn là niềm hạnh phúc lớn.

Âm nhạc học đường: Thỏa đam mê, nuôi dưỡng tài năngBa thế hệ saxo

Thầy Dương Tiến Cang đã có gần 20 năm gắn bó với nghề sửa đàn piano

Đôi tay thầy Cang thanh thoát trên những phím đàn, đôi tai tập trung tối đa để nghe những nốt “tích tịch tình tang”, qua đó “chẩn đoán” xem đàn có hư hỏng gì không. Thầy tiếp tục mở nắp đàn, tỉ mỉ xem xét các bộ phận bên trong, chỉnh sửa. Ngót nghét gần 20 năm thầy Cang làm việc đó mỗi ngày, từ hồi còn là cậu thanh niên theo học nghề cho đến bây giờ, khi đã trở thành một người sửa đàn có tiếng trong giới chơi đàn piano ở Huế và các địa bàn lân cận.

Từ những năm 2000, khi thị trường piano ở Huế chưa thịnh hành, số người chơi loại nhạc cụ này chỉ đếm trên đầu ngón tay thì thầy Cang đã có niềm say mê với cách vận hành của loại đàn này. Vốn xuất thân là chàng sinh viên sư phạm nhạc, Trường ĐH Nghệ thuật (nay thuộc về Học viện Âm nhạc Huế), sau đó trở thành giáo viên dạy nhạc tại Trường tiểu học Phú Bình (TP. Huế), thầy Cang được làm quen và hiểu biết về đàn piano từ khá sớm. Thầy tâm sự rằng, đã rất choáng ngợp và khâm phục trước một cỗ máy cơ đồ sộ được làm bởi sắt, gang, đồng, nhôm… và vô số chất liệu khác.

Cách vận hành của đàn piano khá kỳ diệu, khi tay tác động một lực đè phím đàn xuống, thì bên trong trục đứng sẽ được đẩy lên khiến búa gõ vào dây dàn. Cùng thời điểm này thì bộ phận phím chặn âm sẽ được nâng lên khỏi dây đàn để dây đàn có thể rung tạo ra âm thanh. “Piano là một trong những nhạc cụ có âm thanh hoàn chỉnh nhất, đem đến cho con người khả năng cảm thụ âm nhạc cao nhất”, thầy Cang bày tỏ. Và từ sự yêu thích âm điệu, cảm phục sự kỳ diệu kia, thầy đã bắt đầu học hỏi, “tầm sư học đạo” để có thể sửa chữa được đàn piano.

Thầy Cang cho biết, ở Việt Nam không có trường hay nơi dạy sửa đàn chính quy, muốn theo nghề sửa đàn cần phải tìm được một người thầy giỏi và tận tâm, đồng thời, người học cũng phải có ý chí khổ luyện cao. Sửa đàn là tổng hợp của nhiều nghề, phải biết, hiểu các bộ cơ, bởi nó tạo thành một vòng tuần hoàn. Yêu cầu đầu tiên để sửa được đàn là người thợ phải có cái tai âm nhạc thật chuẩn xác, chỉ cần bấm qua vài phím là biết được nốt sai, nốt đúng. Ngoài ra, người thợ cần phải có nguồn kiến thức cơ bản, sự quan sát tinh tế để xử lý lỗi ở bộ máy của đàn một cách chính xác nhất. Đây là công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ một cách tuyệt đối, bởi chỉ một sơ suất nhỏ trong quá trình sửa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến âm thanh của phím đàn.

Khách của thầy Cang trải dài từ Quảng Bình đến Đà Nẵng. Để sửa chữa một cây đàn, thầy mất từ 2 - 4 ngày và để bảo dưỡng đàn thì cần khoảng nửa ngày. Đặc thù của nghề là người đi theo đàn, nghĩa là đàn ở đâu, thầy Cang sẽ đến đó sửa. Vậy là, có những khi vừa bắt máy nghe điện thoại, thầy đã lên xe đi ngoại tỉnh để sửa đàn cho khách. Thầy Cang chia sẻ: “Cùng với những hỏng hóc do lâu ngày không sử dụng hay do tác động bên ngoài như chuột cắn, nước ngập thì thời tiết nóng ẩm ở miền Trung cũng là tác nhân gây ra sự co giãn những bộ khung gỗ. Một nguyên nhân nữa là thói quen sử dụng khiến dây đàn có thể bị chùng, không phát ra được âm thanh mong muốn”.

Thầy Cang kể lại lần sửa đàn đáng nhớ nhất của mình, khi đó, thầy sang tận nơi kiểm tra cây đàn, bấm phím đàn không kêu, bên ngoài lấm lem bùn đất, khi mở nắp đàn thì nước trào ra. Có thể nói gần như “vô phương cứu chữa”. Tuy vậy, biết được tình cảm yêu mến của chủ nhân cây đàn, thầy Cang cố gắng thử sửa xem có khả năng tiếp tục sử dụng hay không. Vậy là trong hai ngày gần như quên ăn quên ngủ, thầy mở đàn ra, tháo rời từng chi tiết, mày mò vừa sấy, vừa sửa chữa, thay mới rồi lại miệt mài lắp ráp từng bộ phần nhỏ. Kết quả cuối cùng chiếc đàn đã được khôi phục gần như mới. Thấy được nụ cười hạnh phúc của người chơi đàn, thầy vô cùng mãn nguyện và càng có niềm tin yêu với nghề.

Chị Nguyễn Thị Mỹ Lộc, Giám đốc Công ty TNHH MTV Việt Thanh, chuyên phân phối các loại nhạc cụ, là đối tác mà thầy Cang thường nhận sửa chữa và bảo dưỡng đàn piano, nhận xét: “Đàn piano là sản phẩm đặc thù, không nhiều người hiểu biết và biết sâu về nó, việc bảo quản cũng như sửa chữa cần một người có tay nghề và tâm huyết. Anh Cang là người năng nổ, ham học hỏi, đã có kinh nghiệm nhiều năm sửa đàn. Nhiều khách hàng rất yên tâm và hài lòng khi được anh sửa đàn giúp”.

Âm thanh thánh thót của đàn piano vang lên, lại một cây đàn nữa được thầy Cang sửa thành công, thầy cười: “Tôi phải đi nơi khác sửa đàn tiếp đây”. Hành trình của thầy lại bắt đầu, làm quen, "bắt bệnh" và "chữa bệnh" cho những “người bạn” dương cầm.

Bài, ảnh: Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top