ClockThứ Hai, 11/01/2016 14:49

Chẩn bệnh cho vật nuôi

TTH - Đến tận nhà để chăm sóc, điều trị cho đàn gia súc khi có dịch bệnh, “bác sĩ” thú y tại phường, xã là bạn đồng hành của nhà nông.

Không lúc nào hết việc

Tốt nghiệp chuyên ngành thú y Trường trung học Nông nghiệp Đông Hà (Quảng Trị), năm 2002 anh Trần Văn Đức (sinh 1978, quê Hà Tĩnh) về công tác tại Trạm Thú y phường Thủy Châu, thị xã Hương Thủy cho tới bây giờ.

“Bác sĩ” Đức thăm bệnh cho vật nuôi

Theo anh Đức, tháng 10, 11, 12 thường là cao điểm của dịch bệnh ở trâu bò, lợn. Những bệnh gia súc thường gặp phải như thương hàn, tụ huyết trùng, ecoli ở lợn; lở mồm long móng ở trâu, bò… Tháng 5, 6 hay xảy ra dịch bệnh ở gà, vịt… Để hạn chế dịch bệnh, người chăn nuôi cần phải chích ngừa đúng thời điểm, làm vệ sinh chuồng trại thường xuyên.

Khó khăn lắm chúng tôi mới gặp được anh, chưa kịp bắt đầu câu chuyện thì chuông điện thoại anh reo liên tục. Không để bà con phải đợi lâu, chúng tôi theo chân anh tới những hộ gia đình có gia súc bị bệnh. Cầm một bảng dài danh sách gia đình có vật nuôi bị bệnh, anh cẩn thận đánh dấu những hộ nào đã tới khám, gia súc bị bệnh gì, điều trị bao nhiêu ngày, hộ nào còn chưa khám. Với kinh nghiệm làm nghề hơn chục năm, chỉ nhìn sơ các triệu chứng là anh Đức có thể biết được gia súc, gia cầm mắc bệnh gì. Riêng địa bàn phường Thủy Châu có trên 50% hộ gia đình chăn nuôi theo quy mô hộ gia đình, gia trại, ngoài ra còn có nhiều trang trại lớn. Đây lại là giao mùa, cao điểm của dịch bệnh ở gia súc nên ngày nào anh cũng phải đi từ sáng tới khuya mới về. “Khi có việc, bất kể ngày đêm, bà con chỉ cần gọi điện thoại là phải tức tốc có mặt. Tuy là trị bệnh cho heo, bò, gà… cũng không thể chậm trễ. Với nông dân, vật nuôi chính là tài sản lớn. Vì vậy, đã là một bác sĩ thú y thì phải có trách nhiệm trước hết là với cái nghề của mình và hơn hết là trách nhiệm với những người tin tưởng vào tay nghề của mình”, anh chia sẻ. Tới mỗi nhà, chỉ kịp hỏi về triệu chứng của gia súc, chẩn đoán bệnh, tiêm thuốc xong, anh lại vội vã lên xe đi nhà khác cho kịp.

Tuy đã nằm lòng những bệnh mà gia súc, gia cầm thường mắc phải nhưng mỗi lần thăm bệnh anh đều cẩn thận tìm hiểu triệu chứng, sau đó mới đưa ra phương án điều trị. Theo anh Đức, ngoài sự tận tâm cần phải trau dồi tìm hiểu kiến thức, kỹ năng, nâng cao tay nghề. Không ít lần gặp phải những ca bệnh khó, tìm mọi phương pháp để điều trị nhưng cũng đành bất lực. Mỗi lần như vậy nghe tiếng thở dài, tiếc nuối của người nông dân anh càng quyết tâm gắn bó với nghề, mong rằng có thể cố gắng hết sức giúp bà con yên tâm hơn để chăn nuôi.

Ông Võ Đông, “bác sĩ” thú y xã Phú Lương (Phú Vang) cho hay: “Làm nghề này không kể tết nhất, lễ lược, cứ khi nào bà con kêu là tức tốc có mặt. Nhiều lúc vừa trị bệnh cho vật nuôi nhà này vừa nghe kể triệu chứng, bày cách sơ cứu cho vật nuôi nhà khác qua điện thoại.  Ngoài trị bệnh cũng cần đảm bảo công tác phòng dịch ở vật nuôi cho bà con nhưng hiện mỗi xã, phường chỉ có một đến hai “bác sĩ” thú y nên làm chẳng lúc nào hết việc. Tuy công việc vất vả nhưng “bác sĩ” thú y ở các địa phương chỉ được hưởng trợ cấp 1,5 triệu đồng tháng đối với thú y trưởng, 750 ngàn đồng/tháng đối với thú y viên nên các bác sĩ thú y sau khi ra trường thường đi làm cho các công ty, doanh nghiệp... chứ ít ai về làm việc tại các địa phương”.

Tiến sĩ Trần Quang Vui, Phó trưởng khoa Chăn nuôi thú y Trường đại học Nông lâm Huế cho biết: Hiện khoa có 750 sinh viên theo học ngành bác sĩ thú y. Trong khoảng ba năm trở lại đây số lượng sinh viên năm sau đều tăng gấp rưỡi so với năm trước. Đây cũng là ngành học có số lượng sinh viên đông nhất của trường. Ngoài lòng yêu nghề thì sinh viên theo học cũng do nắm bắt được cơ chế thị trường, nhu cầu lớn về nhân lực trong ngành chăn nuôi thú y.

Hầu hết 100% sinh viên ra trường đều có việc làm liên quan đến chuyên ngành. Hằng năm, khoảng tháng 4-6, các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến trường để phỏng vấn tuyển dụng.

“Suốt 13 năm làm nghề, vui buồn có cả, cũng không ít lần dở khóc dở cười. Nhiều lúc gặp vật nuôi bệnh quá nặng, tiêm xong là chết, nhưng gia chủ cứ nghĩ mình tiêm nhầm thuốc, giải thích mãi mới ậm ừ cho qua, nhưng lần sau vật nuôi bị bệnh vẫn gọi về điều trị vì tin tưởng tay nghề của mình. Hay những lần đỡ đẻ cho heo, bò… “mẹ tròn con vuông”, thấy bà con cười mãn nguyện mình cũng vui lây”, anh Đức bộc bạch.

“Bác sĩ” liên xã

Không chỉ thăm khám bệnh cho vật nuôi trên địa bàn phường, anh Đức thường xuyên được bà con các phường, xã lân cận, thậm chí là nhiều trang trại ở Phú Vang, Phú Lộc mời về chữa bệnh cho gia súc, gia cầm. 

Mệ Hòa (ở phường Phú Bài) cho biết: “Không chỉ gia đình mệ mà hầu hết bà con trong xóm có nuôi heo, nuôi bò… đều có số điện thoại của anh Đức, gọi lúc nào anh có mặt lúc đó. Có lứa heo bệnh cả đàn, tiền thuốc nhiều quá anh tiêm nợ và không lấy tiền công”. “Không những tới chữa bệnh cho heo, anh Đức thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm cho bà con về cách chăm sóc, phát hiện vật nuôi bị bệnh để chữa trị kịp thời”, anh Hiệp, một hộ nuôi heo (ở phường Thủy Châu) chia sẻ.

Vốn là một người nuôi heo trang trại, ông Nguyễn Chuẩn (Thủy Bằng, Hương Thủy) theo học lớp trung cấp thú y để chăm sóc cho đàn heo của gia đình. Được tiếng chữa bệnh cho gia súc mát tay, ông dần được bà con trong xã tin tưởng mời về “bốc thuốc trị bệnh” cho đàn heo, đàn bò của mình. Vậy là không biết từ lúc nào ông kiêm luôn “bác sĩ” thú y của cả xã. “Nhiều hộ gia đình ở tận Phú Lộc, A Lưới không biết nghe thông tin từ đâu điện thoại nhờ về phối giống lợn, bò. Bà con tin tưởng thì mình cũng chẳng ngại xa xôi. Làm nghề này thường xuyên tiếp xúc với mầm bệnh, sau khi khám chữa bệnh xong phải sát trùng, làm vệ sinh cá nhân tránh lây lan mầm bệnh từ chuồng này qua chuồng khác là điều rất cần thiết. Mặc dù điều kiện, môi trường làm việc không được sạch sẽ, nhưng cũng là người chăn nuôi hiểu được nỗi lòng của bà con mỗi khi vật nuôi không may bị bệnh, chết nên mình không thể làm ngơ”, ông Chuẩn tâm sự.

Bài, ảnh: Trần Thanh Thảo
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Thủ tướng làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương

Chiều tối 6/4, làm việc tại Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác tham quan cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ điều trị tại Bệnh viện Quốc tế Trung ương Huế; thăm, tặng quà hai ca ghép tạng xuyên Việt mới đây đang được theo dõi sau phẫu thuật.

Thủ tướng làm việc với Bệnh viện Trung ương Huế, khảo sát dự án đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương
Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số

Đó là một trong những nội dung thu hút nhiều thảo luận tại Hội nghị “Khoa học cố đô mở rộng về Chuyển đổi số trong y học” diễn ra chiều 28/3. Hoạt động được Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Bệnh viện Trung ương Huế tổ chức.

Vai trò thầy thuốc trẻ trong chuyển đổi số
Return to top