ClockThứ Bảy, 29/03/2014 05:47

Chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả hoạt động CCN An Hòa

TTH - Phát triển Cụm công nghiệp An Hòa (Cụm công nghiệp) nhằm di dời các cơ sở, doanh nghiệp vừa và nhỏ gây ô nhiễm nằm rải rác trong khu dân cư được xem là hướng đi hợp lý. Song, qua quá trình hoạt động đã phát sinh nhiều vấn đề cần được giải quyết dứt điểm.

 

Hạ tầng giao thông chưa đồng bộ
Từ năm 2001, Cụm công nghiệp An Hòa chính thức đi vào hoạt động. Hiện đã có 40 doanh nghiệp đăng ký đầu tư sản xuất tại đây; trong đó, có 28 dự án đi vào hoạt động, góp phần giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 2.600 lao động. Điều vướng mắc dễ nhận thấy là mạng lưới hạ tầng giao thông dẫn vào Cụm công nghiệp chưa đồng bộ. Ông Trần Ngọc Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dệt may Thiên An Phát bức xúc: “Doanh nghiệp chúng tôi hiện gia công các mặt hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Khổ nhất là mỗi lần xuất, nhập hàng, các đối tác cứ phàn nàn bởi xe container khá khó khăn khi chở hàng ra vào Cụm công nghiệp tại nút giao thông từ đường Nguyễn Văn Linh rẽ vào. Với hơn 1.000 lao động làm việc, mức lương bình quân không cao lắm, từ 2,5 đến 3 triệu đồng, nhiều hôm thấy công nhân đi ngược chiều bị công an xử phạt cũng tội.”
Nhiều doanh nghiệp mong muốn sớm ban hành quy chế, điều lệ quản lý tại Cụm công nghiệp.
Hằng ngày, lưu lượng người và phương tiện vào ra Cụm công nghiệp khá nhiều. Không riêng doanh nghiệp Thiên An Phát, các đơn vị thường xuyên xuất, nhập hàng số lượng lớn như: Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại dịch vụ Duy Trí, Công ty cổ phần May xuất khẩu Huế, Công ty TNHH Thương mại Vận tải San Hiền... cũng chịu chung tình cảnh này mỗi khi ký hợp đông xuất nhập hàng. Chỉ tính riêng Công ty TNHH Thương mại Vận tải San Hiền đã có đến 70 đầu xe tải chuyên dùng chở bia. Chưa kể những lúc Trung tâm Phát triển cụm Công nghiệp thành phố (Trung tâm PT CCN) hợp đồng các đơn vị thi công san lấp mặt bằng mở rộng Cụm công nghiệp, thì lưu lượng xe tăng lên đáng kể.
Để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, việc chỉnh sửa mở rộng nút giao thông dẫn vào Cụm công nghiệp là điều cần thiết. Được biết, vấn đề này đã được phường An Hòa đề cập nhiều lần trong các cuộc họp với lãnh đạo tỉnh và thành phố. Năm 2008, phường cũng đã phối hợp với Ban quản lý cụm Công nghiệp – làng nghề Hương Sơ (nay là Trung tâm Phát triển Cụm công nghiệp thành phố) có buổi làm việc với đại diện Phòng Quản lý giao thông – Sở Giao thông Vận tải, song theo lý giải đơn vị này hiện trạng bề rộng nút hẹp, nếu mở nút giao thông tại đây rất dễ gây xung đột giao thông với đường kiệt đối diện Cụm Công nghiệp vào khu dân cư. Bức xúc của hầu hết các doanh nghiệp đến nay vẫn còn bỏ ngõ.
 
Sớm khắc phục tồn tại trong quản lý
Dù đã đi vào hoạt động hơn 10 năm, nhưng cái khó nhất hiện nay là quy chế, điều lệ quản lý vẫn chưa được ban hành. Để kịp thời chấn chỉnh, đưa cụm Công nghiệp đi vào hoạt động một cách hiệu quả; mới đây lãnh đạo thành phố Huế đã có buổi làm việc với Trung tâm PT CCN và các đơn vị liên quan. Theo đó, thành phố cho phép Trung tâm PT CCN hợp đồng với đơn vị tư vấn rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh quy chế hoạt động, quy chế quản lý, khẩn trương lập phương án xây dựng bể xử lý nước thải của Cụm công nghiệp để xin nguồn vốn hỗ trợ thực hiện. Bổ sung thêm 01 nhân sự làm công tác bảo vệ, góp phần bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông tại Cụm.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành phố giao đồng chí Phó Chủ tịch UBND chủ trì Hội đồng tiến hành xử lý các vướng mắc, tồn tại cũ liên quan đến hợp đồng thuê đất, giải quyết dứt điểm công nợ tiền thuê đất. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Thành cho biết: “Về giá thuê đất, thống nhất giữ nguyên đơn giá cho thuê đất mà UBND thành phố đã ban hành tại quyết định 207 ngày 15/02/2012 về quy định đơn giá cho thuê đất đã có hạ tầng, tiền sử dụng sử dụng hạ tầng trong Cụm Công nghiệp. Yêu cầu Trung tâm PT CCN giải trình rõ các cơ sở xây dựng đơn giá cho thuê đất để các doanh nghiệp hiểu và chấp hành. Nghiên cứu bố trí quỹ đất (kể cả quỹ đất thu hồi của doanh nghiệp) thực hiện sớm dự án xây dựng nhà xưởng để di chuyển các cơ sở gây ô nhiễm trong nội thành đến Cụm Công nghiệp. Lập phương án trồng cây xanh trình UBND thành phố xem xét; đồng thời phát động, kêu gọi các doanh nghiệp cùng tham gia để phương án trồng cây xanh triển khai có hiệu quả. Kêu gọi doanh nghiệp bỏ vốn ra để đầu tư hạ tầng, sau đó khấu trừ vào tiền thuê đất. Phân công cán bộ nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp nhằm phát hiện và kiến nghị giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh.”
Với những giải pháp này, hy vọng những vấn đề tồn tại trong hoạt động, quản lý tại Cụm Công nghiệp An Hòa sẽ sớm được giải quyết.
Bài, ảnh: Phong Thư
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Những kỳ vọng từ ngành công nghiệp

Từ năm 2024, công nghiệp Thừa Thiên Huế kỳ vọng tạo được nhiều điểm nhấn, nhất là tỉnh khi ưu tiên phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, có hàm lượng công nghệ cao.

Những kỳ vọng từ ngành công nghiệp
Đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định dịp tết

Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng điện khá lớn nên Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế (PC Thừa Thiên Huế) chỉ đạo các phòng ban, đơn vị trực thuộc thực hiện đảm bảo cấp điện ổn định, an toàn phục vụ các hoạt động chính trị, xã hội, sản xuất, kinh doanh cũng như nhu cầu sinh hoạt, vui chơi của nhân dân trên địa bàn.

Đảm bảo cung ứng điện an toàn, ổn định dịp tết
Hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp An Hòa

Là cụm công nghiệp (CCN) duy nhất đóng trên địa bàn TP. Huế, CCN An Hòa không ngừng đầu tư hoàn thiện hạ tầng nhằm thu hút các doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, đồng thời tạo mặt bằng để di dời các cơ sở sản xuất trong nội thị vào xây dựng nhà xưởng góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong khu dân cư.

Hoàn thiện hạ tầng, thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp An Hòa
Return to top