ClockThứ Sáu, 08/11/2019 06:00

Chấn chỉnh những bất cập trong quản lý đất lâm nghiệp ở xã Hồng Trung

TTH - Ông Hồ Văn Nghiêm, trú xã Hồng Trung (A Lưới) có đơn đến Báo Thừa Thiên Huế phản ánh, đất trồng rừng sản xuất thuộc dự án 661 đã được cấp quyền sử dụng đất cho gia đình ông nhưng bị nguyên cán bộ địa chính xã chiếm đoạt; đồng thời, đề nghị làm rõ trách nhiệm đối với các hộ cán bộ bất chấp quy định của chính quyền địa phương ngang nhiên vào canh tác trên đất rừng 661 khi chưa được bàn giao trên thực địa...

Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừngTăng cường công tác quản lý nhà nước về đất lâm nghiệpNgười dân cần có đất sản xuất rừng trồng

Đất rừng 661 của ông Hồ Văn Nghiêm bị người khác chiếm dụng canh tác trồng rừng

Chưa xác định được ranh giới

Ông Hồ Văn Nghiêm cho biết, năm 2002, gia đình ông và hàng chục hộ ở thôn Lê Triêng 1, xã Hồng Trung tiến hành nhận khoán trồng và chăm sóc cây rừng thuộc dự án rừng 661 do Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới (BQLRPHAL) triển khai.

Tháng 2/2005, UBND huyện A Lưới đã lập thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) đối với diện tích đất rừng 661 này cho các hộ dân trên địa bàn, trong đó gia đình ông được cấp với diện tích gần 5ha.

Đến năm 2015, sau khi thu hoạch xong toàn bộ rừng 661, BQLRPHAL bàn giao diện tích đất rừng này cho xã Hồng Trung phân lại cho dân theo giấy chứng nhận các hộ đã được cấp để bà con sản xuất. Tuy nhiên, tại thời điểm này, UBND xã Hồng Trung đã có văn bản yêu cầu tạm dừng việc canh tác trên diện tích đất này cho đến khi ngành chức năng bàn giao trên thực địa cho bà con. Do đó, hộ ông Nghiêm chấp hành chưa vào canh tác trồng rừng.

Sự việc diễn ra từ tháng 10/2019, diện tích đất rừng 661 của ông Nghiêm đã bị ông Hồ Xuân Lưi (nguyên cán bộ địa chính xã, hiện là nhân viên chi trả chế độ chính sách của xã Hồng Trung) vào lấn chiếm trồng rừng trên toàn bộ diện tích đã được cấp cho ông Nghiêm. Mặc dù ông Nghiêm đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị đến UBND xã, các ban, ngành liên quan nhưng vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng…

Được biết, năm 2002, Dự án trồng rừng sản xuất (rừng 661) của BQLRPHAL được triển khai tại xã Hồng Trung, trên diện tích 306,5ha, nguồn gốc đất do UBND xã Hồng Trung quản lý.

Theo hồ sơ lưu trữ và báo cáo của BQLRPHAL, năm 2005, UBND huyện chỉ đạo Hạt Kiểm lâm huyện thực hiện kẻ vẽ, trích sao, lập hồ sơ cấp giấy CNQSDĐ trên cơ sở bản thiết kế trồng rừng của BQLRPHAL cho các hộ tham gia trồng rừng 661. Sau đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường thẩm định trình UBND huyện quyết định cấp giấy và bàn giao giấy CNQSDĐ cho người dân ở Hồng Trung. Tuy nhiên, việc tiến hành bàn giao đất trên thực địa không được tiến hành vì lý do trên diện tích được cấp đang còn rừng trồng do BQLRPHAL đầu tư trồng từ trước. Sau khi BQLRPHAL khai thác xong rừng, giao lại cho dân thì các hộ mới được sử dụng đất đã thể hiện trên giấy CNQSDĐ.

Đến năm 2015, BQLRPHAL khai thác xong diện tích rừng 661, đã tiến hành bàn giao diện tích đất nói trên cho UBND xã Hồng Trung để giao cho người dân đã được cấp giấy CNQSDĐ trước đây sử dụng. Thế nhưng, khi bàn giao, do thời gian dài và việc cấp giấy chứng nhận trước đây chỉ dựa trên bản thiết kế trồng rừng, không được đo đạc cụ thể và không tiến hành giao nhận ngoài thực địa đối với từng thửa đất được cấp. Vì vậy, trên thực tế không xác định được ranh giới, vị trí, diện tích các thửa đất đã được cấp trên giấy chứng nhận cho người dân. Tình trạng này dẫn đến hiện tượng chồng chéo, lấn chiếm trong vùng diện tích đất rừng 661 ở xã.

Theo ông Hồ Xuân Tam, cán bộ Địa chính xã Hồng Trung, hiện trạng trên diện tích đất rừng 661 này hiện nay số hộ đang sử dụng là 120 hộ (trong đó 51 hộ có giấy CNQSDĐ, 69 hộ lấn chiếm). Đồng thời, có 49 hộ có giấy CNQSDĐ nhưng chưa sử dụng, nhiều hộ trong số này hiện vẫn chưa biết thửa đất của mình ở vị trí nào.

Sau khi kiểm tra, rà soát cụ thể giữa giấy chứng nhận của các hộ dân với bản đồ bàn giao của BQLRPHAL, kết quả có 44 hộ có thửa đất chỉ trùng tiểu khu, khoảnh, lô, còn hình thể, diện tích không trùng với biên bản bàn giao của BQLRPHAL. Tổng diện tích đất của 44 hộ này là 149,8ha trong tổng số 306,5ha bàn giao.

Cần đẩy nhanh việc đo đạc, xác định vị trí

Chủ tịch UBND xã Hồng Trung Lê Văn Chanh cho biết, từ năm 2015, sau khi nhận bàn giao đất rừng 661 từ BQLRPHAL, UBND xã đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu tất cả các hộ có diện tích được cấp giấy chứng nhận thuộc dự án 661 tạm dừng việc canh tác trên diện tích đất này, để các ban ngành chức năng huyện tiến hành đo đạc, điều chỉnh, xác định lại vị trí nhằm bàn giao trên thực địa theo đúng hiện trạng. Tuy nhiên, nhiều hộ vẫn tiến hành canh tác trồng rừng, trong đó có cả những hộ cán bộ, đảng viên của thôn, xã…

Theo ông Lê Văn Chanh, đối với trường hợp đơn của ông Hồ Văn Nghiêm phản ảnh việc ông Hồ Xuân Lưi lấn chiếm đất của ông để trồng rừng, UBND xã đã mời các bên liên quan đến làm việc. Quan điểm của chính quyền địa phương là mọi hoạt động canh tác, trồng trọt trên diện tích đất rừng 661 này khi chưa được cơ quan chức năng bàn giao lại trên thực địa đều vi phạm. Hơn nữa, ông Lưi đã không chấp hành văn bản của UBND xã.

Ông Lê Văn Chanh phân tích, hộ ông Hồ Xuân Lưi ở thôn Lê Triêng 2, diện tích đất rừng 661 đã cấp cho ông thuộc số lô, số khoảnh khác, không đúng vị trí hiện ông đang vào canh tác trồng rừng trên đất ở thôn Lê Triêng 1, là đồng nghĩa với việc lấn chiếm. Với những trường hợp này, sau khi diện tích đất rừng 661được bàn giao lại cho người dân trên thực địa, chính quyền địa phương sẽ buộc hộ lấn chiếm canh tác khôi phục lại hiện trạng ban đầu và phải chịu mọi thiệt hại.

Trao đổi sự việc này, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện A Lưới Hồ Dũng cho biết thêm, Chủ tịch UBND huyện đã chỉ đạo đơn vị phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện, BQLRPHAL và UBND xã Hồng Trung tiến hành rà soát, đo đạc, xác định vị trí các thửa đất được cấp giấy CNQSDĐ của 44 hộ dân (149,8 ha) trên diện tích 306,5 ha đất rừng 661 để bàn giao trên thực địa cho người dân tổ chức sản xuất.

Cũng theo Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Mạnh Hùng, để chấn chỉnh hoạt động quản lý Nhà nước về lĩnh vực đất đai trên địa bàn, UBND huyện đã chỉ đạo việc kiểm điểm, xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân có liên quan để xảy ra những thiếu sót, sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương bổ sung thủ tục cần thiết về giao đất cho các hộ dân sản xuất, trình UBND huyện phê duyệt theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Bá Trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý "Hoàng mai Huế"

Sáng 2/2, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với Hội Hoàng mai Huế, Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển thương hiệu AMC Việt Nam tổ chức công bố ghi nhận sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế và tập huấn về các quy định quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế.

Trao 100 Giấy ghi nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý Hoàng mai Huế
Return to top