ClockThứ Năm, 28/05/2015 15:02

Chẳng nơi nào bằng đất mẹ

TTH - Sau ngày giải phóng miền Nam, nhiều hộ dân tộc Tà Ôi tại thôn A Bả (xã Nhâm, huyện A Lưới) di dân đến nước bạn Lào sinh sống. Khoảng năm 1987, họ dắt díu nhau trở lại quê xưa, giờ đây, đời sống của bà con bước sang trang mới.

Gia đình ông Pinh vui mừng vì được thừa nhận là công dân nước Việt

Ký ức...

Ông Nguyễn Hữu Thái, Trưởng phòng Tư pháp huyện A Lưới cho biết: “Thực hiện điều 22 của Luật Quốc tịch Việt Nam, trong 2 đợt nhập quốc tịch vào các năm 2012 và 2013, toàn huyện A Lưới có 147 người được nhập quốc tịch. Riêng xã Nhâm hiện có 62 người được nhập quốc tịch, trong đó thôn A Bả có 33 người.
Anh A Viết Da (cán bộ xã Nhâm) dẫn chúng tôi vượt nhiều con dốc quanh co để đến thôn A Bả. Đợi sẵn bên cánh cửa vì đã hẹn trước, anh Nguyễn Văn Triên, Trưởng thôn A Bả đón chúng tôi bằng nụ cười tươi rói. Sau khi trà nước, anh Triên dẫn chúng tôi dạo một vòng quanh làng. Dừng chân tại nhà ông Hồ Văn Pinh (sinh năm 1960), một trong những hộ đầu tiên từ Lào quay trở lại A Bả sinh sống. Thấy tôi tần ngần, anh Triên bảo: “Anh cứ trò chuyện tự nhiên, họ nói tiếng Việt cũng sõi lắm”. Ông Pinh rót nước mời chúng tôi rồi bắt đầu kể về cuộc “phiêu dạt” trên nước bạn Lào.
“Tui sinh ra và lớn lên ở đất ni. Sau ngày đất nước thống nhất, vì mưu sinh sinh mà cả nhà dắt díu nhau lội sông, vượt suối đến vùng đất bên kia núi, dùng cây rừng để dựng chòi sinh sống, rồi phát rừng làm rẫy. Sau này Nhà nước cắm mốc biên giới, chỗ của tui ở thuộc về nước Lào. Mấy chục năm sau, tui đem vợ con đi bộ 3 ngày 2 đêm quay trở lại quê nhà”, ông Pinh kể.
Theo lời kể của ông Pinh, không riêng gì hộ gia đình ông, hồi đó, có hàng chục hộ dân nơi đây cùng nhau “cắt rừng xẻ núi” để kiếm cái ăn. Hết mùa rẫy này họ lại di chuyển đến địa điểm khác phát rừng làm mùa rẫy kế tiếp.
Hướng ánh mắt về phía xa xăm, ông Pinh hồi tưởng: “Tui không còn nhớ rõ cùng đi với nhà tui lúc đó bao nhiêu nhà nữa, chỉ biết cũng khá nhiều hộ. Lúc đó, vùng đất mô cũng khó ở hết. Nơi tụi tui sinh sống không có bệnh viện, lúc bị bệnh thường lấy rễ cây làm thuốc. Trường học không có nên trẻ không được học cái chữ. Tụi tui không có con giống để chăn nuôi, không có muối ăn, không có nước sạch để uống, đất chỉ trồng được sắn, được ngô thôi nhưng thu hoạch chẳng được là bao. Người dân thường xuyên bị sốt rét, cộng thêm đói nghèo nên một số người bỏ mạng”.
Cái đói, cái khổ và nỗi nhớ quê cha đất tổ đã thôi thúc họ một lần nữa di cư, trở lại vùng đất của tổ tiên năm xưa-thôn A Bả. Với họ, vùng đất tổ tiên hôm nay đã thay đổi rất nhiều, người dân không chỉ có cơ hội thoát nghèo mà còn vươn lên khấm khá nữa.
Cuộc sống sang trang
Anh Nguyễn Văn Triên thông tin, trước đây, số dân ở thôn A Bả không nhiều. Khoảng năm 1987, 13 hộ dân sinh sống tại Lào có gốc gác ở đất này quay trở về, bây giờ phát sinh thành 22 hộ, vậy là hiện thôn A Bả có tổng cộng 64 hộ, 307 khẩu.
 “Được Đảng và Nhà nước hỗ trợ, bà con từ Lào trở về đây sinh sống thuận lợi hơn nơi ở cũ. Lúc mới trở về các hộ dân gặp nhiều khó khăn về phát triển kinh tế, thiếu các giấy tờ tùy thân. Vợ chồng thường không hôn thú, không có hộ khẩu, các con không có giấy khai sinh, chứng minh Nhân dân cũng không làm được. Các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho hộ nghèo họ cũng không được hưởng. Trẻ em được Nhà nước tạo điều kiện để đến trường, nhưng đa số học đến lớp 12 là bỏ vì thiếu các giấy tờ để thi cuối cấp và đại học”, anh Triên bộc bạch.
Những năm tháng mới trở về đất mẹ trong ký ức của anh Hồ Sưng Hà (một trong những người từ Lào) trở về A Bả sinh sống vẫn còn nguyên vẹn. “Sống ở vùng đất cũ khổ lắm. Ban đầu trở lại đây cũng đói, nhưng thuận lợi hơn vì có đường sá, có đất đai để trồng trọt, có Đảng và Nhà nước quan tâm nên chỉ thời gian sau, gia đình tui kiếm được cái ăn, xây được nhà, mua được xe máy. Vợ tui là người A Bả nên làm được giấy tờ, sổ hộ khẩu, hộ tịch, giấy khai sinh cho con. Những người khác về đây không thể làm được giấy tờ tùy thân vì chưa có quốc tịch Việt Nam, con cái của họ vì rứa cũng không làm được giấy khai sinh”.
Sau hơn 20 năm chờ đợi, mong mỏi được trở thành công dân nước Việt của nhiều hộ dân nơi đây cũng thành hiện thực khi vào năm 2013, UBND huyện A Lưới trao quyết định của Chủ tịch nước về nhập quốc tịch cho họ. Kể từ thời điểm này, cuộc sống của 22 hộ dân di cư từ Lào sang đất Việt Nam ở A Bả thực sự sang trang. Ngồi lật giở từng trang trong cuốn sổ khám bệnh, ông Pinh cười bảo: “Chừ tui được công nhận là công dân Việt Nam rồi, không bị ai gọi là người Lào nữa. Tui được khám ở bệnh viện, được làm thẻ bảo hiểm, giấy chứng minh, hộ khẩu. Sống ở đây không lo đói nữa, yên tâm làm ăn, lo phát triển kinh tế. Con cái cũng được học hành mà không lo rắc rối chuyện giấy tờ chi hết”.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Nhâm chia sẻ: “Năm 2013, xã Nhâm có 30 hộ được nhập tịch. Trong đó có 22 hộ ở thôn A Bả, 6 hộ ở thôn A Hưa và 2 hộ ở thôn A Rung. Các hộ dân gốc Việt ở Lào quay trở về quê hương sinh sống rất phấn khởi, họ vui vì được thừa nhận là người Việt Nam. Chúng tôi cũng vui vì các chế độ đãi ngộ được đường đường chính chính đưa đến bà con để họ ổn định cuộc sống…”.
Chúng tôi rời A Bả chập choạng tối, tiếng ríu rít của những đứa trẻ trong thôn đi đằng sau như muốn níu chân. Tôi thầm nghĩ, cuộc sống của các em từ nay sẽ khác.
Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững

Chiều 23/4, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết giữa kỳ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh (gọi tắt Chương trình), đồng thời đưa ra những giải pháp giảm nghèo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế trong thời gian đến.

Lồng ghép các chương trình, nguồn lực giảm nghèo bền vững
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Sáng 23/4, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh phối hợp với Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội - Chi nhánh Huế và huyện Phong Điền khởi công xây dựng “Nhà đại đoàn kết” cho các hộ khó khăn ở Phong Điền.

Khởi công xây dựng nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo
Mâu thuẫn vì từ chối "cụng ly" dẫn tới chém nhau

Ngày 23/4, Tòa án Nhân dân tỉnh xét xử sơ thẩm vụ án “Giết người” đối với Nguyễn Minh Vũ (SN 1985, trú phường Phú Nhuận); Châu Văn An (SN 1991) và Phạm Văn Phước (SN 1997) cùng trú phường An Đông, TP. Huế.

Mâu thuẫn vì từ chối cụng ly dẫn tới chém nhau
Return to top