ClockThứ Năm, 30/05/2019 13:45

Chàng trai trẻ nghĩ cách trồng ớt trái vụ

TTH - Nguyễn Hữu Việt, chàng thanh niên sinh năm 1990 đã thay đổi nếp nghĩ và cách trồng ớt trái vụ tại Vinh Xuân (Phú Vang).

Dưa lê Vinh XuânVinh Xuân huy động nguồn lực phát triển các ngành nghề

Thu nhập từ ớt trái vụ có thể đạt 20 triệu đồng/sào

Đi làm về, không để mình thư thả, Hữu Việt nhanh chóng mang áo quần lao động. Buông cây viết, đôi tay rắn chắc thành thạo với từng nhát cuốc. Bàn chân quen hơi đất, trụ vững trên đồng cát trắng. Việt kể: “Đồng đất gắn bó với mình như máu thịt. Công việc thật sự vất vả, nhưng nhìn thành quả mình thấy rất hạnh phúc”.

Là sinh viên Khoa Giáo dục thể chất - Đại học Đà Nẵng, Nguyễn Hữu Việt từng nghĩ mình sẽ lập nghiệp xa quê. Nhưng thật trớ trêu, chàng tân sinh viên lại gặp vấn đề về sức khỏe. Ấy mà lúc phải nghỉ học giữa chừng, ngậm ngùi trở về quê, tay chân Việt lại “ăn rơ” với nhịp đập của ruộng đồng. Sức khỏe ngày càng tốt hơn, thế là chàng trai chân quê quyết tâm bám trụ, và trở thành một trong những thanh niên trẻ năng nổ lập nghiệp tại quê nhà.

Nhắc đến Hữu Việt, bà Trần Thị Mỹ Vân, cán bộ Địa chính – Xây dựng – Nông nghiệp và Môi trường xã Vinh Xuân cho biết: “Nhờ Việt, bà con đã có động lực, mạnh dạn bỏ cách làm cũ để đỡ vất vả, mang lại thu nhập cao hơn khi làm nông nghiệp”.

Mười năm nay, bà con tại Vinh Xuân đã quen với trồng ớt trái vụ. Tuy nhiên, khi vùng trảng cát nghèo chưa có đường bê tông, chưa điện, tưới ớt phải mất từ 2-3 giờ/sào. Đến lúc có điện, có đường, nhiều hộ khá giả hơn chủ động khoan giếng, tưới nước máy thay cho tưới gàu song cũng tốn ngần ấy thời gian.

Năm 2017, mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Hữu Việt đầu tư hệ thống tưới tự động, giải phóng hoàn toàn sức lao động tưới cây trên vùng cát rát bỏng. Việt cho biết: “Ý tưởng hình thành trong một lần mình thăm quan trang trại tại Tây Ninh. Mình cứ nghĩ mãi, sao bà con cứ phải vất vả với đôi gàu, nếu không thì là dây tưới. Bỏ ra một ngày hơn 2 giờ đồng hồ/sào để tưới thì rất lãng phí.

Chỉ trong hai ngày, hệ thống tưới tự động của chàng trai đã hoàn thành. Lần đầu tiên trên rú cát cháy bỏng của Vinh Xuân, những cây ớt được tưới tắm theo phương thức mới. Màu cát trắng loang loáng không át được hình ảnh ngan ngát, mỡ màng của những vạt ớt tươi xanh.

Bí quyết để trồng ớt trái vụ là chất đất, mỗi năm một lần, người trồng ớt phải thay đất cát cho ớt. Nếu không thay, cây dễ còi cọc, sâu bệnh. Năm nào Hữu Việt cũng bồi đất cho hai sào ớt trái vụ. Chàng trai thuê hẳn xe múc để làm công việc này. Việt chia sẻ: “Bồi đất cũng là cái khó của người trồng ớt. Nếu cho nằm lộ thiên, hệ thống tưới dễ bị hư hỏng vì thời tiết khắc nghiệt”. Nắm bắt đặc điểm ấy, chàng trai sinh năm 1990 chọn cách đấu nối hệ thống cách mặt đất 20cm, vừa bằng phần đất cần thay vét mỗi năm, tạo điều kiện thuận lợi cho công việc.

Thấy Hữu Việt thong dong, hai sào ớt xanh um trên đồng không hề mất công tưới tắm, một số hộ dân học hỏi và đầu tư để “thong dong” như Việt. Chủ động, hiệu quả, mỗi sào ớt mang về cho gia đình Việt 20 triệu đồng/vụ. Chàng trai trẻ đang chuẩn bị tăng thêm 3 sào diện tích. “Trồng ớt trái vụ là trái với quy luật sinh trưởng của cây, nghịch cả thời tiết. Thế nên việc chăm sóc cây phải kỹ gấp hai, gấp ba ớt chính vụ. Chỉ cần bỏ công sức, đồng cát trắng cũng sẽ trổ hoa”, Hữu Việt tự tin.

Tận dụng lợi thế, những hộ dân có hệ thống tưới tự động còn tranh thủ trồng thêm cà chua bi. Dù không phải loại cây bản địa, cà chua bi vẫn rất được ưa chuộng. Mười nghìn đồng/kg cà chua trên cát rất đáng mơ ước ở vùng quê còn nhiều khó khăn này.

Không chỉ là người tiên phong đưa khoa học kỹ thuật vào trồng ớt trái vụ, Nguyễn Hữu Việt còn được biết đến là người con có hiếu. Tranh thủ sau giờ làm việc bận rộn (Hữu Việt hiện đang là cán bộ bán chuyên trách tại xã Vinh Xuân), hình ảnh người dân nơi đây luôn ghi nhớ là chàng trai dong dỏng phụ mẹ với ruộng nương.

Lúc chúng tôi gặp Việt, anh đang ươm trồng những mầm dưa lê non xanh. Anh chia sẻ: “Ít người trẻ lựa chọn làm nông nghiệp, trong khi đó thế hệ ba mẹ của mình đã lớn tuổi, không còn đủ sức lao động. Mình chỉ lo một ngày nào đó, vì đời sống quá khó khăn mà mọi người sẽ quay lưng với ruộng đồng”.

Lựa chọn cách tìm tòi để học thêm những kỹ thuật mới và áp dụng tại địa phương, Nguyễn Hữu Việt nào biết mình cũng là một mầm xanh, góp phần cho vùng cát Vinh Xuân đâm chồi, nảy lộc...

Bài, ảnh: Mai Huế

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phát huy thế mạnh đầm phá, ven biển, nâng cao đời sống người dân

Chiều 29/5, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ đã có buổi làm việc với Đảng ủy xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang về tình hình triển khai và tổ chức thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, công tác giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Phát huy thế mạnh đầm phá, ven biển, nâng cao đời sống người dân
Trao tặng 200 suất quà tổng trị giá 80 triệu đồng

Chiều 11/10, tại Trường THPT Xinh Xuân, xã Vinh Xuân (Phú Vang), Hội Chữ thập đỏ tỉnh phối hợp Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam tổ chức trao tặng 200 suất quà, mỗi suất trị giá 400 nghìn đồng (bằng nhu yếu phẩm) cho 200 hộ gia đình trên địa bàn xã, có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi cơn bão số 4. Đến dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy.

Trao tặng 200 suất quà tổng trị giá 80 triệu đồng
Sau cơn bão

Gió tinh khôi từ dòng Hương thoảng lên, khiến vòm lá khẽ lao xao ngày mới.

Sau cơn bão
Return to top