ClockThứ Năm, 01/07/2010 05:01

Chắp cánh cho thơ

TTH - Manh nha xuất hiện từ Festival Thơ Huế 2006, một cuộc trình diễn thơ đương đại đúng nghĩa với chủ đề “Những nấc thang” đã được tổ chức tại công viên 3/2 bên bờ sông Hương thơ mộng do Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế chủ trì. Chương trình nằm trong khuôn khổ Festival Thơ Huế lần thứ 4- 2010 đem lại những cảm xúc mới mẻ, ấn tượng cho công chúng yêu thơ xứ Huế.

Từ khái niệm “Trình diễn thơ”…

“Trình diễn thơ, -theo nhà thơ Francesca Beard, đó là công việc tuyệt vời nhất trên thế giới và thậm chí còn hơn cả một công việc đơn thuần, nó là cuộc sống của tôi. Điều tôi đam mê nhất ở loại thơ trình diễn là thế này: hôm nay, chính tôi sẽ đứng trên sân khấu, trình diễn những thi phẩm miêu tả cuộc đời của chính mình. Tôi nhìn xuống khán giả, một biển người không quen biết, nhưng lại có những kết nối đồng cảm và tôi cảm thấy rằng ngày mai đây, có thể là ai đó trong số họ sẽ đứng đây, trên sân khấu này và nói với tôi khi tôi là khán giả đứng giữa đám đông. Ngày mai đây chính là bạn sẽ chia sẻ những vần thơ và cuộc sống của bạn với tất cả chúng tôi. Mặc dù tất cả chúng ta đều có những cái tôi cá nhân và những nền văn hoá khác nhau, nhưng qua trình diễn thơ ca, chúng ta có thể đến với nhau và sẻ chia những điểm tương đồng: cảm xúc chân thực, chuyện vui và cả những phút giây làm thay đổi cuộc sống” (1).
 
Tác phẩm “Đấu giá” của Nguyệt Phạm
 
Toàn bộ thơ trình diễn đều nằm ở “giọng điệu” riêng của mỗi nhà thơ. Khi gặp một thi sĩ tài năng, chúng ta không cảm thấy ngại, mà lại thấy mừng và mong muốn giúp đỡ họ. Càng có nhiều người như chúng ta càng tốt. 
 
Vậy thì thế nào là thơ trình diễn?
 
Nói một cách đơn giản, thơ trình diễn là loại thơ được sáng tác dành riêng cho một đối tượng khán giả. Và không phải bất kỳ tác phẩm nào nhà thơ trình bày cũng nhất thiết phải đơn thuần là thơ.
 
Thành công của môt buổi trình diễn thơ chính là phải làm sao thu hút được sự chú ý của khán giả bằng cách giúp họ thư giãn và giữ họ ở lại suốt buổi diễn. Chính vì vậy, người trình diễn nhiều khi phải sử dụng nhiều thủ pháp và thể loại khác nhau. Điều tuyệt vời ở thơ trình diễn là nó rất linh hoạt - bạn có thể vay mượn từ những loại hình nghệ thuật khác, chẳng hạn như âm nhạc, tấu hài và kịch.
 
Tác phẩm “Mùi thơm của im lặng” của Đồng Chuông Tử
 
Nhà thơ trẻ Lê Thiếu Nhơn trong một bài trả lời phỏng vấn cho rằng : “Trình diễn thơ ở Việt Nam được hình thành nhờ những người làm thơ trẻ quyết liệt tìm một con đường mới để đưa thơ đến với công chúng”. Cũng tại cuộc phỏng vấn đó, nhà thơ Lê Vĩnh Tài cho rằng : “Trình diễn thơ đã từng có trong cuộc sống của chúng ta đấy thôi. Quanh cuộc rượu nào mà các nhà thơ xưa nay không “trình diễn” thơ của mình. Nhất là thơ xưa của các cụ vốn giàu nhạc điệu. Có khá nhiều giai thoại xung quanh các cuộc “diễn” này, và thơ thường hưởng lợi sau những lần vui nhiều ngẫm ngợi như vậy. Nhà thơ Nguyễn Duy còn đi xa hơn với việc chơi thơ lên thúng mủng giần sàng thật sành điệu. Nhưng gần đây, với những quan niệm mới, với sự hợp sức của ánh sáng, hình thể, âm nhạc... và bàn tay “nhung lụa” của sân khấu, dù mới chập choạng buổi đầu, trình diễn thơ đang mang lại cho người nghe, người xem những hiệu quả mới, những va đập mà xưa kia chưa có. Không chỉ thơ mà nhà thơ đang chia sẻ chính xác thân mình, văn hoá của mình bằng thơ với khán giả. Sự “vay mượn” thêm từ các bộ môn nghệ thuật khác sẽ làm cho thơ đáng thưởng thức hơn. Và do đó, “trình diễn thơ” đang mang lại cho thơ thêm một sức hấp dẫn, tăng thêm sự “tò mò” đáng yêu của người yêu thơ” (2).  
 
...Đến đêm Những nấc thang
 
Tác phẩm “Rong ruổi qua miền không tên” của Lê Hưng Tiến
 
Trên sân khấu quen thuộc của Nhà Lục giác công viên 3/2, một khối lục giác nhỏ hơn được thiết kế bằng hàng trăm sợi dây gấc trên đó đính hơn 5.000 tấm danh thiếp trắng muốt của các nhà thơ xứ Huế, lung linh lay động huyền ảo trong gió, trong ánh sáng diệu vợi bên bờ sông Hương. Theo họa sĩ Đinh Khắc Thịnh, tác giả thiết kế sân khấu mang tên “Nội tâm của nhà thơ”, dòng tuổi tên, thân phận thi sĩ như những sợi mưa rớt tự trời, ở đó, tùy theo từng cung bậc của gió và ánh sáng, người ta có thể cảm nhận những rung động mát lành, những cơn đau rát mặt, và cả những cuộc sinh thành quằn quại, chấp chới, sôi sục. Công trình sắp đặt cùng với sự trình diễn của các nhà thơ- nghệ sĩ sẽ tạo nên những tác phẩm tương tác hoàn chỉnh.
 
Chương trình được mở màn bởi nhà thơ trẻ Nguyệt Phạm (TP HCM) với bài thơ “Đấu giá”, bài thơ được viết cách đây mấy năm và có mặt trong Mắt Giấy, tập thơ đầu tay của chị do nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành. Giữa phiên chợ văn chương nơi chị đem chính mình ra đấu giá mỗi ngày, với nhiều bảng giá khác nhau, và từng tờ giấy có in mã vạch được dán lên người, cuối cùng chị vò, xé tất cả, tất cả..., chỉ còn lại một nỗi buồn. Giọng đọc chậm đều của chị ám ảnh người nghe :
 
 
Nhà thơ Chiêu Anh Nguyễn “Tự họa” mình sau tấm khung toan trắng, cũng chính chị là người họa sỹ đang vẽ lên từng nét thơ bên tiếng đàn của nghệ sĩ lãng du M.P.K đến từ phố núi Đà Lạt:
 
Tác phẩm “Tự họa” của Chiêu Anh Nguyễn
Em gục trên khung toan
trắng đến sởn gai
 
khi âu lo
 
“không còn đường bay nào cho cánh thiên di phờ phạc”, để rồi chính sứ mệnh của người nghệ sĩ đã “phác họa đường bay cho loài thiên di không nơi trú ngụ”. Trong sứ mệnh thiêng liêng đó chị
bắt gặp thi thể mình
ghim chặt lên khung toan
trắng muốt
 
Nỗi ám ảnh thơ đã ngấm sâu trong trái tim thi sĩ và rồi từng cơn đau thắt... thơ; từ đoạn video clip về một người đi tìm thơ (hay chính mình) giữa phố phường tấp nập. Xé gió bằng nền nhạc noise của Vũ Nhật Tân, tiếng rít của bánh sắt con tàu vun vút lao đi, riêng một người vẫn còn đứng đó sáng - trưa - chiều - tối trong nỗi cô độc kiêu hãnh, như những dòng thơ chạy trên màn hình:
Tôi đã ở đây trong cuộc sống này
kệ những cơn sầu biển còn quấn chặt niềm vui
kệ những nhạt nhẽo ngày thường và ảo tưởng tiết hạnh
kệ nhiều lời vuốt ve thiếu lòng thành
                       (Nguyễn Quỳnh Trang- Tôi đã ở đây trong cuộc sống này)
Nhà thơ trẻ Đồng Chuông Tử (TP HCM) ngồi ở một góc sân khấu lặng lẽ quan sát lắng nghe những ồn ào náo động của một đôi tình nhân thường tình hay một cuộc nhậu no đầy hỷ nộ ái ố để rồi anh lặng lẽ cất tiếng:
Vì một sự nhịn là chín sự lành\
Nên im lặng có mùi thơm…
                              (Đồng Chuông Tử- Mùi thơm của im lặng)
 
Nhà thơ Thạch Trung Tuệ Nguyên (TP HCM) hoang mang khoảnh khắc một khi con người đã thất lạc bản thể của mình không dấu vết. Khán giả thoáng rùng mình theo những chuyển động trên khuôn mặt anh lộ vẻ thảng hốt, ngơ ngác, và đôi lúc hoảng sợ:
Tôi ra đi và khép cánh cửa lại
mọi cánh cửa nơi tôi đóng hết
đóng hết
không có một khoảng trống nào để nhìn về phía bên kia
cũng không có bảng chỉ dẫn nào cho sự quay lại
cho bất cứ ai
và cho cả tôi nữa
                          (Thạch Trung Tuệ Nguyên- Cánh cửa khép)
 
Nhà thơ trẻ Lê Hưng Tiến đến từ Ninh Thuận cùng với sự góp sức rất lớn của bạn diễn- nhà thơ Ngô Công Tấn (Huế) dong duổi qua miền không tên, nơi đó có sự dằn vặt đau đớn, khốn cùng trước sứ mệnh của thơ, tạo nên một chuỗi những dồn nén, riết róng, bùng cháy của những câu thơ bảo bọc thân người, của trái tim thơ ối đỏ:
Nắng lên tím vựa cánh đồng hoai hoải gió
Không kể chiều làm tiếng chuông sủi bọt nước rồi
 bốc không gian đỏ ngói lặng thinh
Chỉ khi trái tim đun sôi chín độ nhạy cảm
Ta gõ vào tên tuổi từng ấy bao dung
Mặc thời gian kiệt quệ ý thức
                         (Lê Hưng Tiến- Dong duổi qua miền không tên)
 
Nếu ám tượng của Nguyễn Quỳnh Trang là đoàn tàu hỏa với tiếng rít chói gắt vùn vụt lao đi suốt bất tận phận người thì với nhà thơ Lê Anh Hoài (Hà Nội), đó chính là sự loanh quanh luẩn quẩn của những giá trị thường nhật: xe rác, lá vàng, dòng xe cộ vô cảm, những bản tin cũ đi rất nhanh, những giá trị và tuổi tên tơi tả…
Hỗn loạn
Tác phẩm “Loanh quanh” của Lê Anh Hoài
Khát
Ước mơ
Rác
Đảo điên
Đen
Trắng…
             (Lê Anh Hoài- Loanh quanh)
 
Khép lại buổi trình diễn thơ, nhà thơ trẻ Huỳnh Lê Nhật Tấn (Đà Nẵng) thể hiện bài thơ “Đi xa- về gần” tặng cố nhà báo Đặng Ngọc Khoa. Trong nền nhạc của Diệp Chí Huy, cái điệp khúc “Mười ba giờ bốn mươi/ Mười ba giờ bốn mươi/ Mười ba giờ bốn mươi...” được anh lặp đi lặp lại với giọng đọc mạnh, thảng hốt, níu kéo về một điều gì đó không thể... và rồi giọng thơ dịu xuống trong chuỗi buồn “Một người tắt đi hơi thở theo mùa khô.../ Mười ba giờ bốn lăm/ Thân xác anh pho tượng uy nghiêm...” còn lại nỗi buồn không thành tiếng. Anh bắt đầu vẽ lên tranh, vẽ bằng cơn đau nhói buốt, trên bức tranh sau những nét vẽ chỉ còn là nỗi nhớ vật vã và bàn tay anh chạy theo dòng chữ nhoẹt nhòe Đ...N…K -  tên của người quá cố, theo từng giọt nước:
 
Đêm trình diễn khép lại trong chênh chao tiếc nuối khi người dẫn chương trình- nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên (Hà Nội) hướng micro về phía khán giả để hỏi xem cảm xúc quý vị thế nào, có muốn xem trình diễn nữa không? Nhiều giọng nói cất lên: có, có…Nhiều giọng nói khác: không hiểu gì hết…
 
 Phải chăng đó cũng là một phần của trình diễn thơ?
 
 
                                                                               Ngự Viên – Lê Vĩnh Thái
 
Dưới đây là chùm ảnh về trình diễn thơ đã được thực hiện tại Những nấc thang
 

Tác phẩm “Tôi đã ở đây trong cuộc sống này” của Nguyễn Quỳnh Trang
 

    Tác phẩm “Đi xa về gần” của Huỳnh Lê Nhật Tấn
 

      Nghệ sĩ lãng du MPK trên sân khấu trình diễn thơ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên
Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Return to top