ClockThứ Năm, 05/01/2017 14:39

Chạp giữa mùa hoa

TTH - Ngày vạn thọ nở hoa, ba lại dắt tôi và em trai đi chạp bên nội hằng năm. Ở Huế, ngày tảo mộ thường được gọi là ngày chạp mộ, chạp mả, thường diễn ra trong tháng 12 Âm lịch nên tháng này gọi luôn là tháng Chạp.

Lễ Chạp được quy định theo từng làng và phân theo từng cấp dòng tộc. Xuất phát từ câu “sống cái nhà, thác cái mồ”, người dân quê tôi quan niệm lễ chạp mả có 3 ý nghĩa lớn, đó là sửa sang mồ mả cho ông bà tổ tiên đón năm mới; giáo dục con cháu về nguồn gốc dòng họ và cuối cùng là dịp để con cháu sum họp, quây quần bên mâm cơm chia sẻ chuyện làm ăn, gia đình, họ tộc trong một năm qua. Họ Lê Thần Phù tôi chỉ có 3 cái chạp là chạp họ, chạp phái và chạp nhà. Chạp mả phái là dịp con cháu chăm sóc mồ mả ông bà từ bậc trên ông cố. Chạp nhà là chăm sóc mồ mả ông cố, ông nội, cha mẹ trong gia đình. Mồng 8 tháng Chạp là ngày chính thức nhưng từ ngày 6, ngày 7, gia tộc tôi đã tiến hành “chạp bớt”, chạp trước hàng trăm ngôi mộ hầu khắp nghĩa địa làng.

Trời vừa hửng sáng, chúng tôi đã tập trung tại nhà thờ chi, phân công từng nhóm các khu vực được chạp để tránh trùng lặp, nước non thưa chuyện rồi lên đường. Ở Cồn Giăng, tràm mọc từng bụi lớn, lá non đỏ đẫm hơi sương phe phẩy trong gió đông. Lá cây tràm được nấu lên, chiết xuất ra dầu dùng rất tốt cho bà mẹ, em bé. Còn cây chổi mọc bụi thấp chưa quá đầu gối là thứ cây để làm chổi rành quét đất, sân vườn rất tiện. Cả tràm và chổi đều có mùi hương đậm đà, mùi hương ấy về sau cứ đứng trước ngôi mộ nào, mùi thơm lưu cửu trong trí nhớ ấy lại bay đến, nhắc tôi cái cảm giác quê hương gần gũi dù đang ở bất cứ nơi đâu. Cồn Giăng là một gò đất, trải rộng quanh chân đồi Châu Sơn cho tới mép hồ nước cũng mang tên Châu Sơn. Không có những mộ phần, Cồn Giăng hẳn là nơi sơn thủy tụ hội, ngắm cảnh tiêu dao không đâu sánh bằng. Bên kia hồ, những rặng cây của cánh rừng còn sót lại thăm thẳm màu xanh, là trú xứ của vô vàn cò vạc mỗi khi đêm về.

*

Điều chúng tôi bao giờ cũng chờ đợi là được phân công đi chạp các ngôi mộ trên đồi Châu Sơn. Leo lên những đoạn dài cheo leo, băng qua bao nhiêu bụi bờ mới đến được các mộ phần của gia tộc, nhiều nơi không có lối mòn phải phát rựa mở đường. Tới ngôi mộ nào, anh em tôi chỉ cầm chổi theo quét tước các lăng mộ đã được xây hoặc nhổ cỏ những mộ đất nhỏ. Lớn lên được giao cầm rựa phát cây, khéo léo thì dùng cuốc tượng ban đất, trốc cỏ. Đi riết quen thuộc đến từng ngõ ngách của khu mộ địa mênh mông. Chạp xong một ngôi mộ, các bác lớn châm hương, khấn, rồi từng người một vào thắp hương. Ba tôi đem theo một cút rượu, thỉnh thoảng rót một chén rưới lên mộ người đã khuất. Mùi cỏ cây hoang dại trên đồi thơm lẫn nước mưa, xốn xao lòng dạ trẻ thơ tôi những ngày chạp mộ.

 

Nay tôi đã là một người đàn ông trưởng thành, yên bề gia thất, giữa tháng Chạp theo người nhà vác cuốc vào cồn Giăng. Bể rồi dâu, dâu rồi bể, chú bác anh em ngày nào kẻ còn người mất. Ba tôi đã nằm lại bên cuối cồn, còn ai đem bầu rượu rưới lên những mộ bia ngày chạp, còn ai nói với tôi về điều hữu tình bi lụy của cảnh non nước quê nhà. Bao lâu rồi mới dẫm chân lên cỏ trên đồi, cúi xuống ngắm nhìn những giọt sương còn đọng trên lá, những mạng nhện giăng giăng kín bờ cây cỏ, tất cả ký ức lùa về tinh khôi.

*

Tháng Chạp, tôi đứng trên đồi Châu Sơn giữa muôn trùng hoang vu, những âm thanh kỳ bí tràn đầy cây cỏ. Chợt thấy ra sống và chết như cơn mộng huyễn giữa cuộc phù sinh, như bọt nước phập phồng giữa cơn mưa lạnh. Hình như năm Dậu 2017 đang sang rồi phải không, cúc vạn thọ trước sân nhà đã cười vàng óng ánh, hoa mua chẳng phải bạt ngàn tím reo vui giữa gió mới. Tôi phải về nhà mang xuân vào ngõ, mang ấm áp chất đầy những con tim trong tổ nhỏ đơn sơ và mang cả vô tận tin yêu chở đầy nguồn sống yêu thương đương hiện hữu dưới ngày xanh nguyên thủy nảy mầm.

Ngày Huế ươm hoa...

LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận
Return to top