ClockThứ Bảy, 24/08/2013 06:14

Chấp hành thực hiện các kết luận từ thanh tra

TTH - “Những việc Trung tâm đã làm là vì cái chung, không phải vì mục đích cá nhân và chúng tôi đã chấp hành giải quyết hậu quả bằng việc thực hiện nghiêm túc các nội dung Kết luận số 1745/KL-CTUBND (ngày 19/7/2013) của Chủ tịch UBND TP Huế”, ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh (CVCX) TP Huế đã thông tin như vậy khi đề cập đến những vấn đề người lao động phản ánh.
 
Chưa công khai trước các thành viên tham gia góp vốn
 
Theo nội dung thanh tra, ngày 18/7/2007, Trung tâm CVCX Huế có tờ trình gửi UBND TP Huế về việc xin được chuyển nhượng đất để phục vụ các công trình kinh doanh của đơn vị. Chủ tịch UBND TP Huế đồng ý và yêu cầu “làm đúng theo quy định của pháp luật”. Trung tâm đã huy động 220 CBCNLĐ đóng góp với số tiền gần 810 triệu đồng để mở rộng vườn ươm. Sau khi mua 2 lô đất ở Thủy Xuân, số tiền còn lại 148 triệu đồng được nhập vào vốn kinh doanh của đơn vị. Hợp đồng huy động vốn (số 01/HĐV/2007) để mua đất được ký giữa ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Trung tâm và ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Công đoàn cơ sở, nhưng trước khi ký, ông Thanh chưa được ủy quyền của người lao động và hợp đồng chưa được thông qua toàn bộ các thành viên tham gia góp vốn.
 
CNLĐ Trung tâm CVCX Huế đang làm việc
 
Tháng 3/2008, một cuộc họp giao ban giữa lãnh đạo Trung tâm và các phòng có đưa ra chủ trương huy động vốn từ người lao động để mua thiết bị trò chơi lắp đặt tại Công viên Nguyễn Văn Trỗi phục vụ kinh doanh. Sau đó, chủ trương này không thực hiện mà chuyển sang dự án bảo tồn nhà rường tại phường Thủy Xuân. Có 249 người lao động góp vốn tham gia dự án với tổng số tiền trên 905 triệu đồng. Cũng giống như dự án làm vườn ươm, trước khi ký hợp đồng (số 02/HĐV/2008) với ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Trung tâm, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch CĐCS cũng chưa được ủy quyền và thông qua toàn bộ các thành viên tham gia góp vốn. Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Huế - Phan Trọng Vinh kết luận: “Các hợp đồng số 01, 02 giữa Giám đốc với Chủ tịch Công đoàn Trung tâm ký kết chưa được ủy quyền và chưa được thông qua toàn bộ các thành viên tham gia góp vốn là việc làm thiếu dân chủ, mang tính áp đặt, vi phạm Nghị định 71/1998/NĐ-CP ngày 30/9/1998 ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan. Các bản hợp đồng có nội dung không rõ ràng, thiếu chặt chẽ, thiếu khách quan, chưa công khai theo quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP, Thông tư 71/2006/TT-BTC và chưa thực hiện đúng với nội dung ghi trong hợp đồng”.
 
Năm 2010, 160 CBCNLĐ tại Trung tâm CVCX Huế tự nguyện góp vốn 596,5 triệu đồng để kinh doanh cây lộc vừng (cây mưng). Song 550/796 cây mua về trồng đã bị chết. Dù không có chủ trương huy động vốn cho Trung tâm nhưng việc Trung tâm để một nhóm cá nhân góp vốn ngoài sổ sách kinh doanh ngành nghề theo chức năng và nhiệm vụ của đơn vị được giao là không đúng quy định pháp luật.
 
Trong đơn gửi Báo Thừa Thiên Huế, CBCNLĐ Trung tâm CVCX Huế còn phản ánh: “Hàng tháng công nhân lao động trực tiếp phải trích 9% lương của mình để trả bù thêm lương cho cán bộ khối văn phòng”. Qua thanh tra, Trung tâm CVCX Huế không ký hợp đồng lao động mà Đội cây kiểng của Trung tâm thu lại tiền lương của CNLĐ trực tiếp mỗi tháng từ 130 ngàn đồng đến 140 ngàn đồng/người để trả tiền công cho ông Phan Gia Đắc. Việc thu tiền được tiến hành từ tháng 5/2012 đến cuối tháng 3/2013 với tổng số tiền 24,6 triệu đồng. Kết luận của Chủ tịch UBND TP Huế chỉ rõ: “Việc Trung tâm trích 9% lương CNLĐ trực tiếp là đúng quy định pháp luật hiện hành, nhưng tính cả khoản chi trả tiền lễ, Tết của công nhân là không đúng với Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Bộ luật Lao động”...
 
Yêu cầu kiểm điểm, xử lý đúng mức sai phạm
 
Có thể thấy, mục đích huy động vốn tại Trung tâm CVCX Huế để sản xuất kinh doanh là nhằm góp phần cải thiện đời sống CBCNLĐ. Song, việc tổ chức, xây dựng phương án đầu tư kinh doanh và tính toán hiệu quả kinh tế của từng dự án chưa được quan tâm đánh giá, phân tích kỹ; đã sử dụng một khoản tiền lớn gần 2.294 triệu đồng của người góp vốn trong thời gian dài nhưng không công bố lãi, lỗ và chi trả, tạo sự bức xúc cho người góp vốn.
 
Từ các nội dung đã nêu và một số một dung kết luận từ thanh tra, Chủ tịch UBND TP Huế đã quyết định các biện pháp xử lý cụ thể. Trong đó, về vấn đề góp vốn mua đất, làm nhà rường tại Thủy Xuân, kinh doanh cây lộc vừng, buộc Trung tâm phải có phương án và tổ chức thực hiện bán diện tích đất, số nhà rường, số cây lộc vừng còn lại mà những người góp vốn đã mua để thu hồi tiền trả lại cho người góp vốn. Yêu cầu Giám đốc Trung tâm chỉ đạo Đội cây kiểng chấm dứt việc thu tiền lương hàng tháng của CNLĐ để trả tiền công cho ông Phan Gia Đắc và thu hồi số tiền 24,6 triệu đồng đã trả cho ông Đắc để trả cho người lao động; lập các thủ tục hợp đồng lao động để thanh toán tiền công cho ông Đắc vv... Căn cứ vào các sai phạm, Kết luận của Chủ tịch UBND TP Huế yêu cầu Giám đốc Trung tâm và những cá nhân liên quan nghiêm túc tiến hành tổ chức kiểm điểm, xử lý đúng mức về những vi phạm đã xảy ra tại Trung tâm.
 
Nghiêm túc rút kinh nghiệm
 
Được biết, sau khi có Kết luận của Chủ tịch UBND TP Huế tại Trung tâm CVCX Huế, Chánh Thanh tra TP Huế đã thông báo toàn bộ nội dung Kết luận trên đến hơn 240 CBCNLĐ có quyền lợi liên quan.
 
Trả lời phóng viên Báo Thừa Thiên Huế, ông Phan Đình Ngôn, Giám đốc Trung tâm CVCX Huế cho biết, đơn phản ánh của người lao động tại Trung tâm được TP giải quyết rốt ráo và ông đồng ý với nội dung Kết luận kết quả thanh tra của Chủ tịch UBND TP Huế. Tuy nhiên, theo giải trình của ông Ngôn, những việc làm trên của Trung tâm là vì cái chung, không phải vì mục đích cá nhân. Trong hồ sơ, thủ tục có những điều chưa hiểu rõ nên việc thực hiện có những sai sót. Một số trường hợp CBCNV nghỉ hưu, Trung tâm đều chi trả lại tiền góp vốn. “Chúng tôi sẽ kiểm điểm trách nhiệm những người liên quan” - ông Ngôn cho biết. Về phía ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch CĐCS Trung tâm cũng cho hay, những việc Trung tâm làm đều xuất phát từ lợi ích của người lao động. Trong quá trình thực hiện đều có tính toán và đều thông báo trong BCH Công đoàn, nhưng thiếu sót ở đây là chưa tập hợp tất cả những người lao động có liên quan để hỏi ý kiến.
 
Theo Ban Giám đốc Trung tâm, sau khi có Kết luận của Chủ tịch UBND TP Huế, Trung tâm đã chấp hành giải quyết hậu quả bằng việc thực hiện nghiêm túc các nội dung Kết luận. Trung tâm đã thành lập Tổ giải quyết việc bán 2 lô đất ở Thuỷ Xuân (tổ này gồm một đồng chí Phó Giám đốc Trung tâm, đại diện các đoàn thể, đại diện người lao động có liên quan) nhằm sớm giải quyết quyền lợi cho người lao động. Đối với khu nhà rường, đang tích cực tìm kiếm, vận động một số đối tác mua lại. Riêng cây Lộc Vừng, CBCNLĐ tự nguyện đóng góp và từng thống nhất “lời ăn, lỗ chịu”. Quá trình trồng gặp thời tiết nắng nóng nên nhiều cây bị chết. Hiện giá cả đang đứng, nhưng trong một thời gian nhất định, Trung tâm sẽ cố gắng giải quyết.
 
Có thể thấy, Giám đốc, Chủ tịch CĐCS Trung tâm CVCX Huế và những cán bộ lãnh đạo, quản lý có liên quan đã và đang nghiêm túc thực hiện các nội dung Kết luận thanh tra của Chủ tịch UBND TP Huế.
Bích Thùy
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điều khiển xe đầu kéo chở hàng siêu trường không có giấy phép lưu hành, giấy phép lái xe

Chiều 29/3, Đội CSGT – Trật tự Công an TP. Huế đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV Vận tải và Thương mại Quang Trung (địa chỉ đóng tại TP. Hà Nội) do đã giao phương tiện để người làm công thực hiện hành vi vi phạm và giao xe cho người không có đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông.

Điều khiển xe đầu kéo chở hàng siêu trường không có giấy phép lưu hành, giấy phép lái xe
18 năm tù cho đối tượng mua bán hơn 550 gam ma túy

Ngày 29/3, Tòa án Nhân dân tỉnh mở phiên tòa lưu động xét xử vụ án “Mua bán trái phép chất ma túy” đối với bị cáo Hà Xuân Lợi (SN 1994, trú tại phường Hương Chữ, TX. Hương Trà).

18 năm tù cho đối tượng mua bán hơn 550 gam ma túy
Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Return to top