ClockThứ Bảy, 29/07/2017 13:51
ĐÀO TẠO, SÁT HẠCH LÁI XE:

Chất lượng phải thật

TTH - Nâng chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) là yếu tố hàng đầu trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT), từng bước hình thành văn hóa giao thông (VHGT) ở đội ngũ lái xe, góp phần đưa trật tự an toàn giao thông (ATGT) vào nề nếp.

Học viên chạy thực hành trên sa hình

Đến cuối tháng 7/2017, tổng số phương tiện toàn tỉnh hiện đang quản lý bao gồm: gần 40 ngàn ô tô, trên 686 ngàn mô tô, xe gắn máy và xe máy điện. Mỗi năm toàn tỉnh đào tạo, sát hạch và cấp GPLX cho hàng chục ngàn lượt người.

Chưa phát hiện vi phạm lớn

Ông Trần Quang Bảo, Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo và Sát hạch lái xe, Sở GT- VT tỉnh cho rằng, ý thức của người lái xe phải được nâng cao ngay từ khi còn học tại các cơ sở đào tạo. Họ luôn phải nhận thức rằng, nếu không nắm chắc các quy tắc về an toàn thì khi điều khiển phương tiện lưu thông trên đường rất nguy hiểm. Cùng với đó, lái xe phải hiểu đằng sau tay lái là cả trái tim vì vậy phải tự nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ để đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng.

Hiện trên địa bàn tỉnh có 4 trung tâm đào tạo lái xe: Trường cao đẳng Vận tải Huế, Trường cao đẳng Nghề số 23 Bộ Quốc phòng, Trung tâm Đào tạo nghề Tâm An, Trung tâm Dạy nghề lái xe ô tô, mô tô Masco. Các trung tâm này có hệ thống cơ sở vật chất như sân tập, sân sát hạch, xe số, xe tự động, trang thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy, thi sát hạch lý thuyết và thực hành đều đầy đủ, hiện đại, đáp ứng tối ưu các quy chuẩn của Tổng cục Đường bộ. Bên cạnh việc đào tạo chuyên môn, các trung tâm còn chú trọng việc phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT để học viên nhận thức rõ trách nhiệm và tự giác chấp hành pháp luật về giao thông, thực hiện nếp sống VHGT .

Tuy nhiên, trong thực tế giảng dạy, cấp giấy phép lái xe vẫn còn một số hạn chế như chưa thực hiện nghiêm việc học lý thuyết, “cắt xén” giờ học thực hành; hồ sơ học viên chưa đầy đủ; công tác quản lý việc giảng dạy còn buông lỏng; thay vì trang bị cho học viên hiểu rõ Luật Giao thông đường bộ, giáo viên lại chú trọng học đối phó để làm bài thi trắc nghiệm...

Sáu tháng đầu năm 2017, Sở GT-VT đã cấp GPLX và tiến hành sát hạch cấp bằng lái cho gần 18,5 ngàn lái xe (gần 12 ngàn mô tô và hơn 6,5 ngàn ô tô); đổi, cấp lại cho người đã có GPLX gần 10 ngàn trường hợp. Cùng với đó, Sở GT-VT tiến hành tổng kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động của các trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe nhằm xây dựng việc “học thật, thi thật”, góp phần nâng cao chất lượng tay lái cũng như đạo đức người lái xe. Qua kiểm tra, các trung tâm đã chú trọng thực sự đến công tác bảo đảm ATGT, không để xảy ra TNGT hay giáo viên, học viên vi phạm Luật bị cơ quan chức năng thông báo về đơn vị. Các Trung tâm cũng đã nỗ lực áp dụng theo những quy chuẩn mới của Bộ GT-VT về nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch. Hầu hết các sân bãi tập, sân sát hạch đều được chỉnh sửa, đạt quy chuẩn. Học viên thi lý thuyết trên máy tính, đội ngũ giáo viên cũng được đào tạo bài bản. Ở các lớp học đều được treo các mô hình, sa bàn thiết yếu phục vụ tốt cho việc học lý thuyết.

Chú trọng kỹ năng gắn với đạo đức lái xe

Ông Ngô Sĩ Các, Trưởng phòng Đào tạo Trường cao đẳng Giao thông Huế cho biết, những năm gần đây nhà trường quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, đảm bảo đủ các điều kiện cho công tác đào tạo và sát hạch xe mô tô và ô tô các loại đạt quy chuẩn của Bộ GT- VT với lưu lượng 841 học viên/thời điểm đăng ký; mỗi năm đào tạo 3.500 lái xe ô tô và 10.000 mô tô. Thời gian tới, trường không mở rộng quy mô đào tạo mà tập trung nâng cao chất lượng đào tạo lái xe và tiếp tục điều chỉnh theo hướng gắn các tình huống sát hạch với thực tiễn tham gia giao thông để nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện và đạo đức lái xe đối với từng học viên.

Thượng tá Lê Văn Thạnh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề số 23 nói: “Theo quy định mới, bộ đề thi sát hạch cấp giấy phép lái xe đối với ô tô 450 câu hỏi, tăng 45 câu so với bộ đề trước. Ngoài việc học đủ 5 môn lý thuyết, 11 khoa mục thực hành, 1.100km ôm vô lăng, trước khi thi, các học viên phải chụp ảnh tại chỗ và dán ảnh vào hồ sơ, bài thi lý thuyết, thi thực hành, tránh được tình trạng thi hộ. Trung tâm sát hạch có lắp đặt hệ thống camera giám sát và truyền ra màn hình lớn ở phòng chờ của học viên, nên không thể có tình trạng gian lận trong thi cử. Kiểm tra chặt chẽ đầu vào và đầu ra, đồng thời có bộ phận thanh tra giám sát quá trình thi cử, sát hạch. Ai không đạt sẽ ôn thi lại chứ không thể bỏ qua”.

Theo ông Trần Quang Bảo, hiện 4 trung tâm, cơ sở đào tạo lái xe của tỉnh đã đảm bảo đào tạo theo quy hoạch phát triển GT-VT đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Vì vậy, để công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX đảm bảo đúng quy định và chất lượng, Sở GTVT chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở đào tạo, sát hạch; kiên quyết xử lý các đơn vị không tuân thủ các quy định của pháp luật trong công tác đào tạo; chấn chỉnh các sai phạm, bảo đảm quyền lợi cho các học viên, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo và sát hạch lái xe. Bên cạnh đó, cử chuyên viên theo dõi định kỳ, đột xuất kiểm tra từ khâu tiếp nhận, báo cáo đăng ký số lượng học viên đến kế hoạch và tiến độ đào tạo, danh sách giáo viên và xe tập lái tham gia giảng dạy; tổ chức thi lý thuyết, sát hạch và cấp GPLX. Nghiên cấm tuyệt đối hành vi bỏ qua bài học, cắt bớt thời gian đào tạo, rút ngắn số giờ hoặc km trong phần học thực hành lái xe. “Yêu cầu các trung tâm lồng ghép các nội dung nâng cao trách nhiệm đạo đức người lái xe khi tham gia giao thông vào chương trình đào tạo; thực hiện công khai, minh bạch quá trình sát hạch lái xe, giảm thiểu tác động, can thiệp của con người trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX”- ông Bảo nói.

Ông Võ Văn Tươi, Phó Giám đốc Sở GTVT:

Thực hiện các yêu cầu mới của chương trình đào tạo

Sở GTVT tập trung hiện đại hoá áp dụng phần mềm quản lý GPLX, xây dựng cơ sở dữ liệu GPLX thống nhất trong toàn quốc, áp dụng chữ ký số, quét ảnh, bảo mật và in giấy phép lái xe thẻ nhựa, chống làm giả và sử dụng GPLX tẩy xoá thay tên, thay ảnh như trước đây. Tăng cường phối hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, ngăn chặn thu giữ GPLX giả hoặc cố tình khai báo mất để cấp lại GPLX. Bên cạnh đó, đôn đốc các cơ sở đào tạo lái xe phải bổ sung đầy đủ và nghiêm túc thực hiện các yêu cầu mới về chương trình, nội dung đào tạo lái xe theo quy định.

Thượng tá Võ Hồng Quang, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh:

Tăng kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý nghiêm GPLX giả

Qua tuần tra kiểm soát, CSGT tỉnh phát hiện, xử lý hàng chục trường hợp tài xế sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) giả. Việc sử dụng GPLX giả để lưu thông là rất nguy hiểm. Do vậy, người dân cần đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền làm thủ tục cấp, đổi GPLX trực tiếp, thay vì tìm đến dịch vụ làm GPLX giả nhằm tránh bị lừa đảo, vi phạm pháp luật. Để phòng ngừa TNGT, cùng với công tác tuyên truyền, đơn vị đã chỉ đạo lực lượng tuần tra kiên quyết xử lý nghiêm khắc các trường hợp sử dụng GPLX giả. Đồng thời, tập trung kiểm tra kỹ các loại xe, nhất là xe khách đường dài, xe đầu kéo nhằm ngăn chặn tình trạng mua GPLX giả để hợp thức hóa khi chưa đủ điều kiện được cấp bằng lái, hoặc bị tước GPLX thật.

Thái Sơn (ghi)

 

Bài, ảnh: Thái Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu
Đào tạo phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ cho 65 học viên

Ngày 5/4, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với các chuyên gia là các giáo sư, bác sĩ phẫu thuật tạo hình từ Đại học Stanford, Hoa Kỳ; Đại học Chung-Ang, Hàn Quốc; Bệnh viện Răng Hàm Mặt Huế tổ chức chương trình khóa đào tạo y khoa “Cập nhật về phẫu thuật tạo hình - thẩm mỹ vùng mặt và hàm mặt”.

Đào tạo phẫu thuật tạo hình, thẩm mỹ cho 65 học viên
Return to top