ClockThứ Bảy, 10/06/2017 12:24

Chất lượng tăng trưởng phải được ưu tiên hàng đầu

TTH.VN - Nội dung chính này được nêu trong bài phát biểu đóng góp ý kiến về phát triển kinh tế- xã hội (KT- XH) của Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV diễn ra chiều 9/6.

Ngày 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Tham gia đóng góp ý kiến tại Quốc hội, ông Phan Ngọc Thọ, UVTV Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đã đóng góp nhiều ý kiến liên quan đến chất lượng tăng trưởng, môi trường biển và cải cách hành chính (CCHC).

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ phát biểu tại Quốc hội

Mở đầu bài phát biểu, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ đồng tình với đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội những tháng đầu năm 2017 của Chính phủ. Đồng thời, tham gia một số nội dung cụ thể về phát triển kinh tế - xã hội.

Quan tâm đến chất lượng tăng trưởng

Về mục tiêu tăng trưởng KT - XH, trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ cho rằng, chúng ta đã đi gần nửa chặng đường năm 2017, với những nỗ lực, tập trung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tường Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và của địa phương, hoạt động sản xuất kinh doanh được thúc đẩy mạnh mẽ, lạm phát được kiểm soát; nhiều cơ chế chính sách được ban hành đã từng bước tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các lĩnh vực KT - XH.

Đại biểu Phan Ngọc Thọ quan ngại, với kết quả tăng trưởng kinh tế Quý 1 đạt thấp 5,1% cùng với những yếu tố tác động đến phát triển bền vững đang là những áp lực lớn đối với nền kinh tế cũng như trong công tác điều hành của Chính phủ mà không thể giải quyết được trong thời gian ngắn.

Ví như tình hình nợ xấu, nợ đọng thuế, tác động của biến đổi khí hậu ngày càng sâu rộng, rõ nét, nguồn thu ngân sách chưa thật sự xuất phát từ năng lực nội tại trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế; đóng góp của đầu tư nước ngoài (FDI), của công nghiệp khai khoáng vẫn là những yếu tố tác động lớn đến tốc độ tăng trưởng… đang là những vấn đề đặt ra cho chính phủ, các địa phương trong thời gian còn lại năm 2017 với quyết tâm phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP của năm 6,7%.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế đồng tình với những giải pháp điều hành của Chính phủ trong thời gian tới đã chỉ rõ trách nhiệm, cụ thể hóa kịch bản tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, vấn đề đặt ra, cần được quan tâm chính là chất lượng tăng trưởng. Khẳng định quyết tâm, quan điểm chiến lược và dài hạn là không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng nhưng không lãng phí cơ hội đầu tư để tập trung cho các giải pháp vừa duy trì tăng trưởng ổn định, bền vững trong dài hạn vừa tác động trực tiếp đến các nhân tố thúc đẩy tăng trưởng năm 2017. Trong đó cần tập trung khai thác các nguồn lực còn rất tiềm năng trong xã hội để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tận dụng tốt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp thứ 4; triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 nhằm phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế, thực hiện có hiệu quả và thực chất cơ cấu lại nền kinh tế trong đó ưu tiên cho các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp phụ trợ.

Xây dựng trạm quan trắc môi trường biển

Các ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế chụp ảnh lưu niệm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc

Về chất lương môi trường biển, đại biểu Phan Ngọc Thọ cho rằng, với sự chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, công tác bồi thường, hỗ trợ người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển gây ra trên địa bàn Thừa Thiên Huế đã được thực hiện đúng yêu cầu chung của Chính phủ. Người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh thuộc đối thượng bồi thường, hỗ trợ đã từng bước ổn định cuộc sống, sản xuất kinh doanh; tình hình an ninh trật tự xã hội tại các địa bàn bị ảnh hưởng sự cố môi trường được đảm bảo.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, sớm triển khai thực hiện dự án xây dựng hệ thống quan trắc tại 4 tỉnh miền Trung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục quan trắc môi trường biển tại các địa điểm nhạy cảm, xung yếu ở 4 địa phương bị ảnh hưởng để thông tin kịp thời, chính xác chất lượng môi trường biển cũng như kịp thời triển khai các biện pháp đảm bảo môi trường an toàn, bền vững lâu dài cho biển miền Trung.

Bộ Tài nguyên môi trường tiếp tục kiểm tra, giám sát việc khắc phục các lỗi vi phạm của Công ty Hưng nghiệp Formosa; có cơ chế giám sát đặc biệt, đảm bảo không xảy ra sự cố môi trường trong quá trình vận hành thử nghiệm cũng như chính thức đối với các hạng mục dự án có nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường.

Đề nghị Chính phủ quan tâm, sớm có chủ trương kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực bộ máy quản lý môi trường tại các địa phương, trước mắt cần bổ sung chức năng thanh tra môi trường cho chi cục Quản lý môi trường tỉnh; xem xét cơ chế cân đối, phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường để đảm bảo các điều kiện về phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật môi trường.

Pháp lý hóa mô hình Trung tâm hành chính công

Về CCHC, ông Phan Ngọc Thọ cho rằng, CCHC mà trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) thời gian qua đã có nhiều cải thiện, tiến bộ góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu giải quyết TTHC của công dân, doanh nghiệp. Từ thực tiễn thực hiện ở các địa phương khẳng định CCHC gắn liền với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và áp dụng các quy chuẩn quản lý chất lượng; tạo sự đồng bộ, liên thông trong giải quyết TTHC giữa cơ quan TW, địa phương là điều kiện quan trọng đảm bảo thực hiện đơn giản hóa, giảm thời gian, hồ sơ hành chính hướng tới mục tiêu “Thân thiện hơn, nhanh hơn, đơn giản hơn” trong giải quyết TTHC.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Phan Ngọc Thọ đề nghị Chính phủ sớm đánh giá để điều chỉnh, bổ sung các quy định nhằm pháp lý hóa mô hình Trung tâm hành chính công cấp huyện, cấp tỉnh với vai trò là đầu mối duy nhất tiếp nhận và hoàn trả hồ sơ TTHC phát sinh trên địa bàn.

Bởi, mô hình này hiện nay đã được nhiều địa phương thực hiện bước đầu đã phát huy hiệu quả thực tế, thiết thực, tạo sự thân thiện và nâng cao chất lượng giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp.

Để thực hiện tốt hơn công tác CCHC, đại biểu Phan Ngọc Thọ cho rằng, cần khẳng định sự tham gia các cơ quan ngành dọc của Trung ương như Công an, Bảo hiểm, Thuế, Kho bạc, Hải quan tại Trung tâm hành chính công theo nhiệm vụ giải quyết TTHC trên địa bàn nhằm đảm bảo quá trình liên thông giải quyết TTHC, tạo sự thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi đánh giá mức độ hài lòng đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương giám sát TTHC của cơ quan Trung ương tại địa bàn một cách khách quan, độc lập hơn.

Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp, giải pháp đảm bảo nguyên tắc, tiêu chuẩn kết nối, liên thông và chia sẽ thông tin trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến các mức của các bộ, cơ quan trung ương tại địa phương nhằm khai thác có hiệu quả cơ sở dữ liệu hồ sơ công dân, tổ chức; đảm bảo nguyên tắc liên thông trong giải quyết TTHC có sự tham gia của cơ quan Trung ương và địa phương.

Rà soát, ban hành đồng bộ các quy định liên quan sử dụng hóa đơn điện tử khi nộp thuế, thực hiện nghĩa vụ tài chính, đẩy mạnh thanh toán trực tuyến để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 mà hiện nay đa phần TTHC có thành phần hóa đơn đều còn quy định sử dụng hóa đơn giấy (hóa đơn đỏ)./.

Thái Bình- Quốc Vương (ghi)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam

Sáng 23/4, Đoàn giám sát Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội do Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường làm trưởng đoàn đã có buổi giám sát liên quan đến chuyên đề “Việc chấp hành pháp luật về thi hành tạm giữ, tạm giam”.

Nâng cao hiệu quả công tác quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam
Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền

Chiều 8/4, Ban Thường vụ Huyện ủy Quảng Điền tổ chức hội nghị để nghe Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị và toàn dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2025 và thông tin về “Định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Quán triệt Chỉ thị 42 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đến cán bộ chủ chốt huyện Quảng Điền
Return to top