ClockThứ Tư, 04/12/2013 12:01

Chất lượng thực tế

TTH - Công khai cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế; công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo và công khai tài chính là ba vấn đề cốt lõi mà Bộ Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) một lần nữa yêu cầu các trường đại học, học viện, các trường cao đẳng tại công văn hướng dẫn thực hiện quy chế công khai năm học 2013-2014 số 8448/BGDĐT-KHTC ngày 22/11/2013.

Mặc dù Quy chế thực hiện 3 công khai này đã được Bộ triển khai từ năm 2009 nhưng cho đến nay, đây vẫn là điều được dư luận quan tâm và đồng tình. Trong đó đáng lưu ý nhất là việc các trường đại học, cao đẳng... phải công bố trước xã hội về tỷ lệ sinh viên (SV) có việc làm sau khi ra trường một năm (tại trường và tại trang thông tin điện tử của trường). Đây có thể xem như là một thước đo về chất lượng thực tế và rõ ràng, có thể được xem như một tiêu chí để đánh giá, xếp hạng của các hệ và đơn vị đào tạo nằm trong danh mục mà Quy chế của Bộ GD&ĐT hướng đến. Việc công bố được tỷ lệ yêu cầu công khai này sẽ đảm bảo được độ tin cậy về chất lượng của chính đơn vị đào tạo đó và cố nhiên, sẽ thu hút được sự lựa chọn và số lượng đầu vào hiện đang bị chia sẻ khi hệ thống các trường đại học, cao đẳng khá dày đặc trên địa bàn cả nước. Mặt khác, đây cũng là yêu cầu để các đơn vị đào tạo luôn phải tính toán đến nhu cầu thực tế của xã hội, dự báo nguồn nhân lực, thông tin về thị trường lao động... đến duy trì và phát triển các ngành nghề đào tạo mang tính truyền thống cũng như đổi mới các ngành nghề trong đào tạo vì điều đó không chỉ quy định sự tồn tại, đứng vững và thương hiệu của mình mà còn đóng góp vào việc giải quyết công ăn việc làm, đến an sinh xã hội trên phạm vi rộng.

Tuy nhiên, điều cần phải nhìn nhận là sau ba năm triển khai quy chế, đây vẫn là bài toán khó đối với các trường đại học, cao đẳng. Thiếu thông tin từ phía sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường luôn là một thực tế hiện hữu ở đa phần các trường đại học, cao đẳng. Chính vì thế, nếu không có sự chuẩn bị trước cho một kế hoạch trắc nghiệm, điều tra, có các mối liên hệ cần thiết cũng như bố trí một nguồn tài chính cho công tác này, nhiều con số được báo cáo từ các đơn vị chỉ mang tính hình thức, nếu không nói là còn khá mơ hồ và thiếu tin cậy. Cũng không loại trừ một số đơn vị đào tạo ngại công bố vì tỷ lệ này, mặt khác cũng thừa nhận tỷ lệ sinh viên hiện không có/chưa có việc làm. Cho đến thời điểm này, hầu như chỉ có một con số dùng chung được công bố từ phía Bộ Giáo dục và đào tạo: có gần 400 ngàn sinh viên cao đẳng và khoảng 500 ngàn sinh viên đại học (trong đó có 65% được đào tạo chính quy) đã tốt nghiệp trong khoảng thời gian từ 2009 đến 2012. Một con số khác, trong tổng số 984 ngàn người nghiệp tính đến cuối năm 2012, có 55,4 ngàn người có trình độ cao đẳng (5,6%) và 111,1 ngàn người có trình độ đại học trở lên (11,3%).

Dù chưa nắm được con số cụ thể nhưng qua các đợt tiếp xúc cử tri trong thời gian gần đây tại Thuỷ Dương, Thuỷ Phương, Thuỷ Vân, Thủy Thanh (thị xã Hương Thuỷ), chúng tôi cũng đã nghe người dân ở đây phản ảnh về việc con em phải giấu việc đã tốt nghiệp đại học khi làm hồ sơ để xin vào làm công nhân ở một số nhà máy, xí nghiệp. Đây là điều làm cho bà con rất băn khoăn vì nó không chỉ là sự lãng phí chất xám, mà còn lãng phí thời gian cũng như tiền của mà gia đình đã đầu tư cho con em suốt mấy năm trời.

Chính vì thế, việc Bộ GD&ĐT “nhắc” lại quy chế công khai này bằng công văn số 8448/BGDĐT-KHTC ngày 22/11/2013 về thực hiện quy chế công khai năm học 2013-2014 theo chúng tôi là điều cần thiết. Dù mức độ giới hạn chỉ trong một năm học, nhưng có thể xem nó như là một sự rà soát lại chính mình của các trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, điều này cần được xem như là một tiêu chí bắt buộc và cần có cả chế tài cụ thể kèm theo để các đơn vị đào tạo có kế hoạch dài hơi hơn trong việc báo cáo và hướng đến chuẩn của chất lượng thực tế, dựa trên nhu cầu thực tế chứ không chỉ đào tạo chỉ để hoàn thành nhiệm vụ đào tạo của chính mình.

Hạnh Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội nghị trực tuyến triển khai Luật Thanh tra và các văn bản liên quan

Ngày 29/3, Thanh tra (TT) Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tuyên truyền, phổ biến Luật Thanh tra (TT) và các văn bản hướng dẫn thi hành đối với cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan TT. Tại Thừa Thiên Huế, Chánh TT tỉnh Lương Bảo Toàn cùng gần 100 cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan TT tham dự.

Hội nghị trực tuyến triển khai Luật Thanh tra và các văn bản liên quan
Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTG ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ - TTG ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) ngày 27/3 tại Nghệ An.

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Return to top