ClockThứ Năm, 25/10/2018 20:06

Chặt quá tạo...kẽ hở

TTH.VN - Chuyện ông Cà Rê ở Cần Thơ bị phạt 90 triệu khi đi bán 100 USD tại tiệm vàng làm dư luận dậy sóng. Phạt như thế, "ai trong đời" nhỡ xui xẻo cũng có thể đã dính đôi lần. Tôi đọc tin cũng...toát mồ hôi vì nhớ lại cách đây chưa lâu, xin thành thật nhận khuyết điểm là, tôi cũng từng đổi "đô" chui ở tiệm vàng như thế.

Ảnh minh họa

Đó là lần được mời tham gia đoàn công tác Lào-Thái Lan. Công việc tất bật, mãi đến sáng hôm khởi hành mới chợt nhớ xuất ngoại mà trong lưng không có lấy một trự ngoại tệ. Thú thật là mấy khi xuất ngoại, cũng không có giao dịch gì, và quan trọng là...không có nhiều "bạc" nên chuyện ngoại tệ tôi cũng ít để tâm tìm hiểu. Chỉ biết đại khái là mua, bán ngoại tệ thì chắc nhất là vào ngân hàng. Nghĩ mình thân làm cán bộ, phải nên gương mẫu. Tôi bảo bác tài dừng xe ở một điểm giao dịch của Vietcombank trên đường đi để vào mua ít đồng đô, đồng bath Thái dằn túi nhỡ có gì còn có để tiêu. Vào ngân hàng, tôi tự tin đến thẳng chỗ cô nhân viên giao dịch, mồm trình bày, tay thò túi rút tiền cho lẹ, xe khỏi chờ. Không dè, sau khi nghe tôi yêu cầu, cô nhân viên bày phải làm đơn, có giấy đi công tác nước ngoài, có cơ quan xác nhận v.v... Tôi nghe một lô một lốc lùng bùng hết cả lỗ tai. "Anh cần mua một ít thôi, có cần phải rườm rà vậy không?"- "Cho dù chỉ 1 đô cũng phải vậy. Anh thông cảm, đó là quy định ạ!". Tôi cảm ơn và tiu nghỉu quay ra. Bác tài nhìn tôi cười cười: "Ôi dào, ông anh cứng quá. Hãy cứ tới tiệm vàng, ưa mấy cũng có. Hoặc không thì lên tới Lao Bảo, tha hồ mua, tha hồ đổi. Ngân hàng chi cho phức tạp."  Và quả như thế thật. Tại những địa chỉ bác tài gợi ý, tôi chợt nhận ra...chỉ sợ mình không có tiền, chứ ngoại tệ thì tha hồ mà đổi, ưng tiền gì cũng có, ưng bao nhiêu cũng được đáp ứng.

Nhân chuyện anh Cà Rê, trong buổi cà phê sáng nay, Hà, bạn tôi, kế toán ở một doanh nghiệp du lịch có các giao dịch thường xuyên với nhiều hãng du lịch thế giới và du khách từ nhiều nước trải lòng, rằng do đặc thù công việc, công ty anh đôi lúc cần sử dụng ngoại tệ trong một số giao dịch. Tài khoản ngoại tệ của công ty trong ngân hàng luôn có sẵn tiền, nhưng rút không được, muốn rút bắt buộc phải chuyển đổi ra tiền Việt. Nếu muốn rút "đô" (xin nói vậy cho gọn) là phải đủ thứ giấy má, trong đó có những thứ mà công ty trong giao dịch cụ thể ấy không thể có được. Vậy muốn "thương vụ" không đổ bể thì phải thế nào? Ra "chợ đen" chứ có cách nào hơn. "Chính sách quản lý ngoại tệ là cần thiết, chống đô la hóa nền kinh tế là cần thiết. Song, nếu cứng quá thì đôi lúc lại bất cập. Rồi lại đẻ ra những bức xúc, những phản ứng trong xã hội rất dở, thậm chí cả gây ra lực cản đối với sự phát triển kinh tế. "- Kế toán Hà bày tỏ.

Mọi người trong bàn cà phê đều đồng tình với Hà. Có người còn nhắc đến câu nói nổi tiếng của nhân vật Chí Phèo trong tác phẩm của nhà văn Nam Cao:"Ai cho ta làm người lương thiện..." và vừa cười vừa trỏ về phía tôi. Ý bảo, như tôi đây đã từng cố đến với ngân hàng mà cuối cùng cũng phải đành quay về với "chợ đen". Vậy là từ quy định chặt chẽ quá lại sinh ra kẽ hở. Cái "khó khăn", "nhiêu khê" mà nhiều người ta vấp phải bởi quy định của pháp luật trong quản lý mua bán ngoại tệ đã được thị trường "chợ đen" khai thác tối đa để làm ăn. Đồng thời nó cũng tạo nên "cạm bẫy" cho những người dân bình thường không hiểu hoặc không hề biết có quy định như vậy, như vậy... Để rồi chợt nhiên một ngày đẹp trời nào đó, được cho, tặng một vài trăm đô, hấp tấp mang đi đổi để tiêu thì... "tiêu đời" như trường hợp ông Cà Rê vừa kể. Mà kể cũng lạ, lẽ ra đã không cho thì cơ quan chức năng phải cảnh báo, kiểm tra, kiểm soát hộ kinh doanh để buộc họ làm ăn đúng luật. Nếu họ không làm dịch vụ (bị cấm) thì những người như ông Cà Rê có đâu nên nỗi...

Vụ việc ông Cà Rê cũng cho thấy, có lẽ đã đến lúc cần nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi quy định về quản lý mua bán ngoại tệ trên nguyên tắc vừa chặt chẽ mà vừa phù hợp với thực tiễn cuộc sống. Nếu việc mua bán ngoại tệ ở ngân hàng, ở các đơn vị kinh doanh, tổ chức tín dụng được cấp phép tiến hành một cách tiện lợi, thủ tục không rườm rà, giá thu đổi chênh lệch chấp nhận được, thì chắc rằng lượng người tìm đến với thị trường chính thống, rời bỏ thị trường "chợ đen" sẽ có cuộc chuyển đổi tích cực rất ngoạn mục. Và những câu chuyện, những "dư chấn" rất không hay như vụ ông Cà Rê cũng sẽ chẳng còn. Quan trọng hơn nữa, đất nước sẽ được huy động được nguồn đô la tích lũy trong dân hiện đang rất dồi dào (khoảng 60 tỷ USD- theo ước tính mới đây của ông Alwaleed Fareed Alatabani, chuyên gia trưởng thị trường tài chính Việt Nam của Ngân hàng Thế giới)  để phục vụ cho tăng trưởng kinh tế- xã hội . 

Huy Khánh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

THÔNG TIN DOANH NGHIỆP:
Gửi hàng đi Canada tại Cần Thơ cần lưu ý những điều gì?

Cần Thơ được xem là thủ phủ lớn nhất của vùng đồng bằng Sông Cửu Long vì thế nhu cầu vận chuyển hàng hoá ra Canada tại khu vực này cũng ngày càng tăng cao. Vậy khi có nhu cầu gửi hàng đi Canada tại Cần Thơ, quý khách hàng cần lưu ý gì? Mọi chia sẻ chi tiết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nhu cầu này.

Gửi hàng đi Canada tại Cần Thơ cần lưu ý những điều gì
Phạt cả phụ huynh

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng vẫn không thuyên giảm tình trạng học sinh đi xe phân khối lớn đến trường. Nhiều ý kiến cho rằng, cứ theo luật mà làm, phạt học sinh vi phạm đã đành và cũng nên phạt luôn chủ phương tiện giao xe cho con khi chưa đủ điều kiện về độ tuổi và cấp giấy phép lái xe.

Phạt cả phụ huynh
Return to top