ClockThứ Tư, 16/05/2018 12:30

Chầu Văn Huế, hát ở đâu là phù hợp?

TTH - Hầu văn cũng như các loại hình ca hát dân gian, tín ngưỡng khác là sản phẩm lịch sử, dĩ nhiên không gian diễn xướng và phương thức diễn xướng của nó không còn hoặc đã thay đổi.

450 nghệ sĩ tham gia liên hoan Hát văn và hát Chầu văn toàn quốcNgười Huế hát chầu văn

Tiết mục dự thi tại Liên hoan hát văn, hát chầu văn toàn quốc diễn ra tại Festival Huế 2018. Ảnh: Minh Hiền

Báo Thừa Thiên Huế số 836 ra ngày 28 đến 31/1/2016 trong mục “Câu chuyện văn hoá” có đăng bài Đâu chỉ dừng lại có mỗi chuyện hầu văn? của Hiền An. Theo bài báo, một nhà nghiên cứu có tên tuổi ở Huế đã không đồng ý việc đưa hát hầu văn Huế (còn gọi là chầu văn) vào chốn cung đình, cụ thể là các buổi dạ yến tiệc, cơm cung đình. Nhà nghiên cứu nọ còn nhấn mạnh: “Các hoạt động lễ nghi trang trọng càng không nên, bởi âm hưởng diễn xướng của hầu văn rộn ràng hơi thiếu nghiêm túc, ít phù hợp”. Lý do mà nhà nghiên cứu đưa ra để “cấm cản” hầu văn là do loại hình này “gắn với văn hoá tâm linh, thường được diễn tại miếu điện”. Cũng trên Báo Thừa Thiên Huế số 940 Cuối tuần ra ngày 25 đến 28/1/2018, tác giả Hiền An lại tiếp tục nêu vấn đề hát chầu văn Huế trong không gian nào là phù hợp.

Chúng tôi xin góp ý kiến về vấn đề Báo Thừa Thiên Huế đã nêu.

Chúng ta biết tục thờ mẫu (mẹ) là một nghi thức giàu tính nhân văn và độc đáo của người Việt Nam. Hầu văn Huế nói riêng và cả nước nói chung gắn với nghi lễ “lên đồng” được tổ chức ở các miếu, điện thờ mẫu, thể hiện lòng tôn kính đối với mẫu. Ta tạm gọi hát văn này là hát văn Huế “nguyên thủy”. Các điệu hầu văn Huế nhìn chung có âm điệu lâng lâng, tiết tấu nhanh, rộn ràng. Còn lời thơ-ca thì ca ngợi công đức các mẫu... Xin trích một câu hát hầu văn, lời cũ: “Khi lên ngàn trăng đưa, gió rước/ Gót sen vàng mượn bước thấp cao/ Khi vui cất giọng thanh tao/Nết thu đườm đượm má đào hây hây”.

Hầu văn cũng như các loại hình ca hát dân gian, tín ngưỡng khác là sản phẩm lịch sử, dĩ nhiên không gian diễn xướng và phương thức diễn xướng của nó không còn hoặc đã thay đổi. Trong trường hợp hầu văn, loại ca hát tín ngưỡng từ các miếu, điện thờ đã “phát tán” ra ngoài xã hội: trên sân khấu, trong các chương trình phát thanh truyền hình...

Lúc này hình thức diễn xuất của hầu văn đã thay đổi và lời ca cũng đã được sáng tác mới với những đề tài của cuộc sống hôm nay và đã được xã hội đón nhận. Như vậy, hát hầu văn hôm nay còn có không gian và hình thức diễn xướng mới, cùng với lời thơ- ca có nội dung mới; nó không còn gắn với văn hoá tâm linh, tín ngưỡng nữa. Ta gọi hát văn loại này là hát văn Huế “cải biên”.

Không gian diễn xướng hát chầu văn “nguyên thủy” đã “yên phận” là các am miếu, điện thờ với hình thức chặt chẽ về trang phục, âm nhạc, lời ca, múa, điệu bộ… phù hợp với nhân vật “giá đồng” của một buổi “hầu đồng”. Có băn khoăn, có ý kiến khác nhau là trình diễn hát chầu văn “cải biên” ở đâu là phù hợp. Chúng tôi xin góp ý kiến về vấn này như sau:

1. Chầu văn Huế “cải biên” không phải là ca Huế, nên không thể giới thiệu trong một chương trình ca Huế thuần túy. Nó chỉ nên được giới thiệu trình diễn chung trong một chương trình âm nhạc truyền thống.

2. Trong yến tiệc cung đình “phục nguyên” không trình diễn hát văn “cải biên”, vì nó không phải là âm nhạc cung đình.

Trường hợp buổi yến tiệc đó tổ chức ở chốn cung đình, nhưng không phải là “phục nguyên” (phục dựng như cũ) thì có thể trình diễn hát chầu văn “cải biên”.

3. Chầu văn Huế “cải biên” được trình diễn ở bất kể đâu, kể cả chốn cung đình xưa, trong các lễ hội lớn (như Festival Huế); các liên hoan, hội diễn nghệ thuật… Sở dĩ như vậy là bởi, chầu văn Huế “cải biên” đã không còn làm chức năng là một loại hát tín ngưỡng; lúc này nó thuần túy là một tiết mục âm nhạc truyền thống. Lúc này, không gian diễn xướng, vũ đạo, trang phục, lời ca… không phải là một trình diễn của một buổi “hầu đồng”. Còn như nhà nghiên cứu nào đó lo rằng “âm hưởng diễn xướng hát văn rộn ràng, hơi thiếu nghiêm túc, ít phù hợp” với chốn cung đình, cũng không nên “băn khoăn” làm gì. Mười bản tấu (còn gọi là Mười bản ngự, Thập thủ liên hoàn…) vốn được tấu lên ở cung đình Huế trong các buổi yến tiệc, đón tiếp của triều đình còn có những điệu nhanh, mạnh, dồn dập, như xuân phong, long hổ, tấu mã, còn “rộn ràng” hơn các điệu hát chầu văn Huế rất nhiều!

Mấy suy nghĩ, mong được cùng chia sẻ.

Minh Khiêm

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024

Hội sách Alpha Books Huế 2024 do Công ty Cổ phần sách Alpha tổ chức vừa khai mạc phục vụ mọi người vào sáng 27/3 tại Vincom Plaza Huế (ngã 6 trung tâm TP. Huế) với đa dạng các đầu sách đến từ nhiều NXB, mức chiết khấu cao.

Hàng ngàn sách giảm giá tại Hội sách Alpha Books Huế 2024
Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV

Tại giải Vô địch Cung thủ xuất sắc Quốc gia năm 2024 được tổ chức ở sân nhà, bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV. Mục tiêu này được kỳ vọng vào cung thủ Nguyễn Thị Thanh Nhi.

Bắn cung Huế đặt mục tiêu giành 1 HCV
Huế yên bình

Nhiều du khách chọn Huế là địa điểm du lịch lý tưởng khi muốn tìm kiếm một chút chữa lành nào đó. Cảnh đẹp nên thơ, với vô vàn địa điểm hấp dẫn của vùng đất Cố đô sẽ giúp du khách tìm thấy sự yên bình thật sự.

Huế yên bình
Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh

Sáng 21/3, tại Nhà khách Quốc hội (Hà Nội) diễn ra hội thảo “Văn học Nghệ thuật (VHNT) Hà Nội - Huế - TP. Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất: Những vấn đề đặt ra và định hướng phát triển”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi hoạt động giao lưu văn hoá nghệ thuật do Liên hiệp các Hội VHNT của ba địa phương tổ chức.

Giao lưu Văn học Nghệ thuật Hà Nội - Huế - TP Hồ Chí Minh
Return to top