Thế giới
Các nhà nhập khẩu lúa mì châu Á:

Chạy đua tìm nguồn cung sau lệnh cấm xuất khẩu của Ấn Độ

ClockThứ Ba, 17/05/2022 13:07
TTH.VN - Tin từ Reuters cho biết các nhà nhập khẩu lúa mì ở châu Á đang chạy đua để tìm nguồn cung mới, sau khi Chính phủ Ấn Độ ban hành quyết định cấm xuất khẩu loại ngũ cốc này vào cuối tuần qua, trong một nỗ lực nhằm kiềm chế giá lúa mì trong nước đang tăng cao.

Ấn Độ cấm xuất khẩu lúa mì đẩy nguy cơ lạm phát lương thực toàn cầu tăng caoFAO: Sau khi tăng kỷ lục, giá lương thực thế giới giảm nhẹ trong tháng 4Xuất khẩu lúa mì từ Ấn Độ giúp hạ nhiệt tình trạng thiếu hụt toàn cầuNgân hàng Thế giới: Một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu mới đang hình thành

Ấn Độ bất ngờ cấm xuất khẩu lúa mì khiến nhiều nhà nhập khẩu phải chật vật tìm nguồn cung thay thế. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Nhiều nhà nhập khẩu ngũ cốc, nhất là ở châu Á, đang mua lúa mì từ Ấn Độ - nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới, sau khi các lô hàng xuất khẩu từ khu vực Biển Đen sụt giảm do ảnh hưởng của cuộc xung đột ở Ukraine.

Nga và Ukraine cùng chiếm khoảng 30% tổng lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu. Xuất khẩu của Ukraine bị cản trở do tình hình xung đột buộc nước này phải đóng cửa các cảng vận chuyển, trong khi các lệnh trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của Nga.

“Các nhà nhập khẩu châu Á có thể gặp khó khăn nghiêm trọng. Ấn Độ là lựa chọn thay thế cho Ukraine và Nga, đặc biệt là đối với lúa mì làm thức ăn chăn nuôi. Giờ đây họ phải tìm kiếm các lựa chọn thay thế khác”, một nhà kinh doanh lúa mì có trụ sở ở châu Âu cho biết.

Ông cũng tiết lộ thêm rằng các nhà nhập khẩu ở châu Á thậm chí đang tìm cách mua thêm lúa mì của Nga, bất chấp các vấn đề về thanh toán và phí bảo hiểm vận chuyển tăng cao.

Giá lúa mì kỳ hạn được giao dịch trên sàn Chicago hôm qua (17/5) đã tăng lên mức giới hạn 6% khi các thị trường phản ứng với lệnh cấm bất ngờ của Ấn Độ, được đưa ra chỉ vài ngày sau khi New Delhi tuyên bố đang nhắm mục tiêu sẽ xuất khẩu lượng lúa mì kỷ lục 10 triệu tấn trong năm nay.

Việc Ấn Độ đảo ngược chính sách có nghĩa là giờ đây, chỉ những mặt hàng có thư tín dụng xuất khẩu (LC) hoặc bảo lãnh thanh toán, đã được phát hành trước ngày 13/5 vừa qua, mới có thể được tiếp tục giao dịch ra nước ngoài.

Thông tin từ Reuters cho rằng số lượng lúa mì có thể xuất khẩu này vào khoảng 400.000 tấn, và 1,8 triệu tấn khác hiện đang mắc kẹt tại các cảng của Ấn Độ. Những thương nhân sở hữu lượng lúa mì đó có thể sẽ phải đối mặt với một số thiệt hại khi phải hủy bỏ các hợp đồng xuất khẩu và bán lại cho thị trường nội địa.

“Mọi việc đã bắt đầu vào sáng nay. Những thương nhân không có LC đã phải thông báo hủy hợp đồng. Tôi cho rằng từ giữa tháng 6 sẽ không còn lô hàng Ấn Độ nào nữa”, một nhà cung cấp lúa mì khác nhận định.

Lệnh cấm xuất khẩu lúa mì của Ấn Độ được đưa ra trong bối cảnh đợt nắng nóng nghiêm trọng đang hoành hành ở nước này đã cắt giảm triển vọng thu hoạch và đẩy giá lúa mì nội địa lên mức cao kỷ lục. Tình cảnh tương tự đe doạ đến sản lượng lúa mì cũng xảy ra ở các cường quốc xuất khẩu truyền thống là Canada, châu Âu và Australia.

Giới thương nhân cho rằng lệnh cấm xuất khẩu có thể đẩy giá lúa mì toàn cầu lên mức cao kỷ lục mới, và đặc biệt tác động mạnh đến những người tiêu dùng nghèo ở châu Á và châu Phi.

Các điểm đến hàng đầu cho xuất khẩu của Ấn Độ bao gồm Bangladesh, Indonesia, Nepal và Thổ Nhĩ Kỳ, và nước mua lúa mì toàn cầu hàng đầu là Ai Cập gần đây đã lần đầu tiên đồng ý mua lúa mì Ấn Độ.

Tuy nhiên, Chính phủ Ấn Độ cho biết vẫn sẽ cho phép xuất khẩu lúa mì sang các quốc gia cần nguồn cung để “đáp ứng nhu cầu an ninh lương thực”.

BẢO NGHI (Lược dịch từ Reuters)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ấn Độ có thể trở thành trung tâm toàn cầu lớn về năng lượng tái tạo

Ấn Độ có thể “thúc đẩy đáng kể” quá trình chuyển đổi toàn cầu sang năng lượng sạch hơn, nếu yêu cầu gia nhập Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) của nước này được chấp thuận, Đại sứ Ấn Độ tại Pháp Jawed Ashraf nói với Tạp chí Nikkei Asia trong một cuộc phỏng vấn ngày 16/2.

Ấn Độ có thể trở thành trung tâm toàn cầu lớn về năng lượng tái tạo
Return to top