ClockThứ Năm, 20/08/2015 21:04

Chạy đua với thời gian

TTH - Trong nỗ lực tư liệu hóa các tác phẩm âm nhạc cung đình Huế để gìn giữ và bảo tồn, một trong những khó khăn lớn mà các cơ quan chức năng gặp phải là các nghệ nhân – những người nắm giữ phần hồn của âm nhạc cung đình Huế, đang ngày càng lớn tuổi. 

Chỉ mong các cụ sống khỏe

Âm nhạc cung đình Huế (gồm: múa cung đình, tuồng cung đình và Nhã nhạc), tuy được kế thừa và phát triển từ nhiều triều đại trước đó, nhưng các tư liệu lịch sử không còn nhiều và không có cơ sở lưu trữ bài bản, hệ thống. Việc trao truyền lại được thực hiện chủ yếu bằng truyền khẩu giữa các thế hệ nghệ nhân. Chính vì vậy, khi chế độ quân chủ nhà Nguyễn không còn, lớp nghệ nhân cũng mất điều kiện diễn xướng, ai về nhà nấy, mang theo cả những “phần hồn” của di sản.

Cố nghệ nhân Nguyễn Ngọc Viêm đang đọc tổng phổ "Thái bình cổ nhạc" được viết bằng chữ Hán - Nôm

Nhiều năm qua, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế đã tập trung nghiên cứu và lập hồ sơ được nhiều bài bản có giá trị. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bài bản nằm trong hệ thống âm nhạc cung đình Huế chưa được lập hồ sơ lưu giữ và đang rất cần được khảo cứu để tránh bị thất truyền, hay bị biến dạng, tam sao thất bản do không được sử dụng đúng mục đích hoặc được nghệ sĩ trẻ “sáng tạo” thêm.

Để có một hồ sơ khoa học về âm nhạc cung đình Huế, những người làm công tác nghiên cứu ở Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế (thuộc Trung tâm BTDTCĐ Huế) phải xác định nguồn tin về những bài bản cụ thể từ các nghệ nhân còn sống. Sau đó là điền dã, tổ chức phỏng vấn, nhờ các cụ trình diễn lại các bài bản, ghi âm, ghi hình sau đó ký âm, phân tích và so sánh để có một bài bản chung nhất làm cơ sở để lập hồ sơ tư liệu.

NSND Phan Thị Bạch Hạc, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế nói: “Công tác sưu tầm không thể thực hiện trong ngày một ngày hai là xong mà đòi hỏi nhiều thời gian. Nhiều khi việc tiếp cận nghệ nhân rất khó khăn, đến nhà nhiều lần vẫn chưa thể gặp, khi thì do các cụ đau ốm hoặc khi thì các cụ rời nhà theo con cháu…”. Chị Lê Mai Phương, Trưởng phòng Nghiên cứu nghệ thuật (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế), cũng chia sẻ: Biết các nghệ nhân càng lúc càng lớn tuổi, nhưng điều kiện nhân lực của phòng có hạn, mỗi năm chỉ có thể đảm nhận 2-3 công trình nghiên cứu. Người có chuyên môn “cứng” để làm chủ một đề tài từ đầu đến cuối không nhiều, nên dù có cố gắng kiểu chi cũng khó “đua” cho kịp thời gian. Chỉ biết cầu cho các cụ sống lâu và sống khỏe thôi.

Mong có chế độ đãi ngộ tốt hơn

Theo anh Trương Trọng Bình, cán bộ Phòng Nghiên cứu nghệ thuật thì một trong những cái khó khi tiếp cận nghệ nhân là tâm lý giấu nghề của các cụ. Chính vì vậy, phải tạo được một chuỗi mối quan hệ thân tình và phải chứng minh được sự tâm huyết trong việc nghiên cứu thì các cụ mới toàn tâm toàn ý chia sẻ. Anh Bình kể, trong quá trình điền dã cho công trình Thái bình cổ nhạc, đoàn tiếp cận được nghệ nhân Nguyễn Ngọc Viêm – người đang giữ bản tổng phổ tác phẩm này bằng chữ Hán – Nôm. Bản tổng phổ được ông gìn giữ cẩn thận trên bàn thờ, đến con cháu cũng không được đụng đến. Phóng viên truyền hình cũng từng tìm về, nhưng phải đến khi đoàn công tác của nhà hát đến, vừa thuyết phục cụ về độ “khẩn” của việc sưu tầm, vừa có chế độ bồi dưỡng hợp lý, đoàn đã được nghệ nhân “rút ruột” chia sẻ. “Đến giờ, chúng tôi có tư liệu lưu trữ đầy đủ về bản tổng phổ này và cả những hình ảnh quay phim, ghi âm khi cụ biểu diễn. Làm xong những việc này thì một năm sau cụ mất. Cũng có mấy trường hợp nữa, nhà hát vừa lập được hồ sơ xong thì một hai năm sau là các cụ mất. Biết các cụ ngày một thêm tuổi, khả năng sử dụng nhạc cụ cũng hạn chế dần, chúng tôi cũng nóng ruột lắm, nhưng trong điều kiện hiện tại muốn nhanh hơn cũng khó”, anh Trương Trọng Bình nói thêm.

Nhận thức được vai trò quan trọng của đội ngũ nghệ nhân, Trung tâm BTDTCĐ Huế đã coi họ là những báu vật sống trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa Huế nên rất tích cực trong việc hợp tác. TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế nói: Tùy điều kiện của từng người, chúng tôi mời họ làm cố vấn hoặc làm chuyên gia trong các chương trình đào tạo nghệ sĩ trẻ. Với họ, chúng tôi không yêu cầu cứng nhắc về thời gian mà tạo điều kiện để họ vừa làm nghề, vừa trao truyền những kỹ năng mà họ đang nắm giữ cho người trẻ, thậm chí là cho chính con cháu họ trong các hoạt động của trung tâm.

TS. Phan Thanh Hải nói thêm: Đó chỉ là những gì mà Trung tâm BTDTCĐ Huế có thể làm được, trong khi việc ứng xử với các nghệ nhân như thế nào cho xứng tầm thì lại cần sự chung tay của toàn xã hội. Thực tế, cách mà chúng ta ứng xử với đội ngũ nghệ nhân bây giờ vẫn chưa xứng tầm. Ngay cả việc phong tặng nghệ nhân cũng rất chậm, nhiều người không chờ đợi được. Chúng tôi mong rằng các cấp Nhà nước tiếp tục quan tâm thêm đối đội ngũ nghệ nhân hiện nay bằng những chính sách cụ thể và những chính sách đó sớm được thực hiện.

Đồng Văn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Return to top