ClockThứ Hai, 21/06/2021 14:58

Chạy về… điểm xuất phát

TTH - Trồng lúa bây giờ khác xa thời xưa. Nói xưa là vậy nhưng cũng chỉ chừng 30-40 năm. Nó khác đủ thứ, nhưng thứ dễ hình dung nhất là “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Giờ thì máy cày, máy phay, máy gặt và gần đây có cả máy bay phun thuốc nữa. Tức là hình ảnh con trâu và cái cày trên đồng ruộng đã đi vào dĩ vãng.

Công bằng, chất lượng & an toàn

Cái mà người ta bảo là áp dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào đồng ruộng đưa lại những thành tựu lớn có những cái hay. Song, không phải là hay tất cả. Thậm chí là có những đánh đổi cho sự mất mát mà chúng ta không bao giờ đo đếm được. Giờ thử nhìn nhận những sự đánh đổi của việc áp dụng những tiến bộ vào đồng ruộng là như thế nào.

Khi còn trẻ, tôi đã từng sống ở vùng nông thôn và cũng từng xuống ruộng. Đã là nông dân, phần lớn người dân quê tôi ít nhất cũng nuôi vài con trâu, con bò. Nó là đầu cơ nghiệp. Nó như là một mắt xích của nghề nông, không có là không được. Nuôi trâu, bò để lấy sức kéo, để lấy phân bón ruộng và để lấy tiền (khi bán). Nó là một phần của hạt thóc thu được nên nó “có quyền” cấu thành nên giá trị của hạt thóc. Nếu tính như thế, chỉ tính về mặt giá trị có khi thu lãi nhiều hơn cách làm ruộng bây giờ?

Gần đây tôi có dịp làm việc hàng ngày ở một vùng nông thôn ven thành phố Huế. Đúng vào lúc người nông dân bắt đầu làm lúa hè thu. Trước đây sau khi cày vỡ xong thì có công đoạn bón lót trước khi bừa để làm tơi đất. Phân bón lót chính là phân bò. Tôi quan sát thấy, sau khi làm đất xong, người nông dân tạo mặt bằng cho đồng ruộng (dùng sức làm thủ công). Để cho mặt ruộng ráo nước, họ bắt đầu đi phun thuốc cỏ rồi mới sạ lúa. Khi lúa đã xanh đồng, thấy người nông dân đi thăm đồng và tiếp tục phun thuốc cỏ nữa. Tôi ước chừng đến thời điểm này lúa chừng một tháng tuổi thì họ bón thúc bằng phân hóa học.

Bảo làm ruộng bây giờ sướng, nhưng theo tôi là không phải vậy. Nếu sướng thì người nông dân đã “tươi da thắm thịt”! Sướng chẳng qua là phần việc của mỗi người nông dân trao cho những người điều khiển máy móc, trao cho thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu, trao cho phân bón. Không đi thăm đồng thì trao cho cán bộ khuyến nông, hợp tác xã. Nước được bơm lên hệ thống thủy lợi thì trao một phần cho Nhà nước (Nhà nước bỏ ngân sách ra để xây dựng hệ thống kênh mương)… Nếu tính đúng tính đủ, chưa chắc gì lợi nhuận thu được như cách chúng ta vẫn thường tính “năm nay được mùa được giá”. Sản xuất theo kiểu này thì bảo làm sao đưa ra sản phẩm sạch, sản phẩm có chất lượng?

Chính vì như vậy cho nên những sản phẩm sản xuất theo phương thức hữu cơ (nói nôm na là không dùng chất hóa học) được nhiều người đón đợi. Cũng những ngày làm việc ở vùng nông thôn nói trên, tôi có nghe câu chuyện nhiều người sống ở thành phố giờ góp tiền về nông thôn, nhờ người dân chăn nuôi heo theo phương thức truyền thống. Tức là chỉ cho ăn rau (rau thì nhiều loại, cả chuối cây xắt ra) và trộn với cám chính người nông dân làm ra. 3-4 người góp lại nuôi 1-2 con, hết lứa này đến lứa khác gối đầu nhau. Giá thành làm ra mấy trăm nghìn đồng một cân không thành vấn đề. Câu chuyện này nói lên rằng, người ta bắt đầu sợ hãi với phương thức sản xuất đại trà, chạy theo số lượng.

Cây lúa cũng vậy. Ở nhiều tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, hễ ai sản xuất hữu cơ là bán được giá cao gấp mấy lần. Các giống lúa thần nông, dài ngày, lúa trời… hồi xưa được phục hồi và nhiều người đón đợi. Chưa hẳn là quay về sản xuất theo phương thức truyền thống mà quay về với sản xuất sạch. Lúa ít nhưng giá cao, ăn an tâm, môi trường được giữ gìn bền vững, sức khỏe của con người được đảm bảo… chắc chắn là nó hơn lúa nhiều mà không đưa lại lợi lộc mấy (nếu cộng cả tính nguy hại cho môi trường, cho sức khỏe).

Đây chính là sự thay đổi về cách nhìn nhận. Cách nhìn nhận của người tiêu dùng thay đổi thúc đẩy sự thay đổi phương thức của người sản xuất. Hiểu theo một cách nào đó thì có thể ví von về cách sản xuất là chúng ta đã chạy một vòng rất xa. Tưởng chạy đi đâu hóa ra là chạy về điểm xuất phát. Nhưng điểm xuất phát bây giờ quang cảnh đã khác, con người đã khác… nên để được giống như hồi xưa chẳng dễ dàng gì!

Năm ngoái, tính từ đầu năm đến ngày 15/6, theo số liệu của Tổng cục Hải quan công bố, nước ta nhập khẩu đến 308 triệu USD thuốc trừ sâu và nguyên liệu để sản xuất mặt hàng này. Trong khi đó, nhập xăng chỉ có 249 triệu USD. Chúng ta nghĩ gì về con số này?

Nguyên Lê

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới (NTM), các cấp hội nông dân (HND), hội viên, nông dân (HVND) kết hợp triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm nâng cao nhận thức của HVND trong bảo vệ môi trường đô thị, nông thôn “xanh - sạch - đẹp”.

Nông dân tham gia bảo vệ môi trường
Hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình kinh tế

Các cấp Hội Nông dân (HND) trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh hoạt động hướng dẫn và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế thông qua việc phối hợp tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân (HVND) tham gia các mô hình phát triển kinh tế theo chuỗi liên kết nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Hỗ trợ nông dân nhân rộng mô hình kinh tế
Nhiều dự án kinh tế cho nông dân

Hội Nông dân (HND) huyện Quảng Điền đã và đang triển khai nhiều dự án phát triển kinh tế cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án kinh tế cho nông dân
Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao

Trên cơ sở kinh tế nông nghiệp tuần hoàn (NNTH), nhiều nông dân các địa phương đã xây dựng mô hình, tổ hợp trang trại chăn nuôi khép kín an toàn sinh học (ATSH), mang lại thu nhập cao và góp phần bảo vệ môi trường.

Phát triển nông nghiệp tuần hoàn, công nghệ cao
Đam mê với nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn

Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng, với ông Nguyễn Văn Lịch (xã Phong Thu, Phong Điền), mô hình nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn còn mang lại hiệu quả kinh tế và là niềm vui lao động khi tuổi đã cao.

Đam mê với nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn
Return to top