ClockThứ Ba, 16/07/2013 13:38

Chạy xe ôm để “giữ” tổ ấm

TTH - Đối với nhiều người, nghề xe ôm chỉ dành cho những đấng mày râu. Tuy nhiên, nơi làng quê nghèo xã Lộc Thủy (huyện Phú Lộc), công việc này lại gắn liền với nhiều phụ nữ.
 
Chúng tôi tìm về khu vực chợ Nước Ngọt (xã Lộc Thủy), nơi hằng ngày các chị vẫn thường mưu sinh. Tạt vào quán nước ven đường với nhã ý hỏi về đội nữ xe ôm nơi đây, chị chủ quán nhanh nhảu: “Chú hỏi về phụ nữ lái xe ôm ở đây à? Ở đây nhiều phụ nữ lái xe ôm nổi tiếng lắm! Họ đứng trước chợ, phía bên kia đường”.
 
Những phận đời
 
Một khu vực chợ Nước Ngọt, nơi các nữ xe ôm mưu sinh
 
Khu vực trước cổng chợ Nước Ngọt là nơi các chị thường đợi khách. Ở đây, các nữ tài xế nhiều lứa tuổi khác nhau. Người nhỏ nhất năm nay đã 32, lớn nhất cũng ngót nghét 50 tuổi. Trong số ấy, có không ít những phận đời hẩm hiu, bất hạnh.
 
Chị Trần Thị Sương, 45 tuổi đã có thâm niên hơn 7 năm theo những vòng xe. Quê gốc ở Bình Định, hoàn cảnh đưa đẩy chị theo chồng về vùng quê nghèo Lộc Thủy. Éo le thay, chồng chị thường xuyên đau ốm bởi căn bệnh gan quái ác. Còn đứa con trai, niềm hy vọng duy nhất của chị vài năm trước ra đi bởi một tại nạn. Gác lại nỗi đau, chị cố sống, vừa mưu sinh vừa lo chồng đau ốm. Ban đầu chị làm nhiều nghề để kiếm sống. Và rồi, nghề xe ôm đến với chị một cách tình cờ. Chị kể, lúc chưa mắc bệnh thì chồng chị là lao động chính trong gia đình, nhưng từ khi anh bị bệnh gan thì mọi lo toan trong gia đình đều do một tay chị gánh vác. Trong nhà có chiếc xe máy cũ, chồng đau ốm nên ít sử dụng đến. Từ đó, chị có ý tưởng sử dụng chiếc xe để hành nghề, thế là “duyên” xe ôm đến với chị. Lúc đầu, chị chỉ chở những người trong thôn đi chợ, dần dà là những cuốc xe đi xa.
 
Những năm đầu hành nghề, chị ít chở khách đi xa bởi tay lái vẫn chưa được cứng cáp. Sau nhiều chuyến hành trình, tay lái chị trở nên vững vàng hơn, khách đi Đà Nẵng hay Quảng Trị, chị đều phục vụ. Chị Sương tâm sự: “Mỗi tháng tốn rất nhiều tiền thuốc thang cho chồng. Lái xe ôm có khó khăn gì đâu, xa mấy tui cũng có thể chở được, đàn ông làm được thì tụi tui cũng làm được. Sợ không có khách để chở thôi”. Hàng ngày, chị bám đường, bám bụi mưu sinh. Hỏi về thu nhập từ nghề xe ôm, chị chia sẻ: “Nghề xe ôm cũng “lúc nắng lúc mưa”. Ngày đắt khách, có khách đi xa thì kiếm được trên dưới 100 nghìn, ít thì vài chục nghìn vừa đủ tiền thuốc cho chồng”.
 
Rời nhà chị Sương, chúng tôi đến thôn Thủy Cam tìm nhà chị Huỳnh Thị Chanh, một trong những phụ nữ hành nghề xe ôm tại chợ Nước Ngọt. Ngôi nhà tuềnh toàng khuất sau lũy tre làng, chẳng có gì quý giá ngoài mẹ già và 3 đứa con gái. 10 năm trước, chồng chị ra đi bởi căn bệnh ung thư, để lại 3 đứa con nhỏ cùng mẹ già mắt mờ, tai điếc. Chị Chanh ngậm ngùi: “Năm tui 38 tuổi, vừa sinh đứa út được 7 tháng thì chồng đổ bệnh, mà lại căn bệnh hiểm nghèo. Tui chạy vay khắp xóm làng để có tiền chữa bệnh cho chồng nhưng chỉ 3 năm sau chồng ra đi để lại mẹ già, con thơ và một khoản nợ ngân hàng”.
 
Gia đình chị Chanh chỉ có 2 sào ruộng, 3 đứa con đang trong tuổi ăn, tuổi học, đứa con gái lớn giờ đã là sinh viên năm 2 của Trường Cao đẳng Y tế Huế, thứ nhì lớp 12, bé út năm nay cũng đã lớp 9. Dù gia đình nghèo khổ, nhưng nhìn 3 đứa con ngoan hiền, học giỏi chị không nỡ để con thất học. Chị cố gắng chạy xe ôm, vay mượn cho con ăn học.
 
Vui, buồn
 
Những phụ nữ ở xã Lộc Thủy hành nghề lái xe ôm đến nay cũng đã hơn 10 năm. Hàng ngày, các chị phải nếm trải không ít buồn vui với nghề. Chị Hồng (50 tuổi), người lớn tuổi nhất trong số những phụ nữ lái xe ôm nơi đây cho biết: “Từ khi tui lái xe ôm đến nay cũng gần chục năm. Những năm đầu lái cũng có nhiều bỡ ngỡ, chuyến đi xa đầu tiên là khi tui chở khách vào Đà Nẵng, lúc đó chưa có hầm phải đi đường đèo Hải Vân. Là lần đi đèo đầu tiên nên cũng có cảm giác sợ, nhưng nhiều chuyến xe sau thấy quen dần, ai kêu mô chạy nấy. Thấy tui chạy an toàn, lại rẻ nên khách thường chọn những người xe ôm là phụ nữ như tui để đi nên rất vui”.
 
Còn với chị Chanh, chị Sương trong khoảng thời gian lái xe ôm, các chị cũng gặp không ít những kỷ niệm vui buồn. Chị Chanh kể: “Mấy năm trước, tui có chở một người khách về nhà nhưng chẳng may bị tai nạn do hai ô tô chạy ẩu, vượt nhau, phụ xe ô tô xô chúng tôi ngã, người khách ngồi sau ngã xuống, đầu va vào cột mốc ven đường bị chấn thương nặng. Lúc công an mời tui lên làm việc, tui khai toàn bộ sự thật nhưng họ không tin. Thời gian sau có người lên làm chứng nên tui mới được thả về.” Chị Chanh kể thêm, mới đây khi chở khách đi chợ bị chó chạy qua đường gây tai nạn, khách không bị gì, nhưng chị gãy chân, nằm ở nhà 6 tháng. Đến bây giờ chân vẫn còn nẹp 24 cái đinh, chưa có tiền để tháo ra. Còn với chị Sương, khi nhắc đến những kỷ niệm, nhưng có lẽ đáng nhớ nhất là lần bị công an giao thông thổi lại. “Lần đó, tui chở khách đi Huế. Lúc trình giấy tờ cho các anh công an, tui đưa luôn sổ khám bệnh của chồng và nói chở khách đi Huế, tiện thể mua thuốc cho chồng bị bệnh nặng. Mấy chú nghe vậy tỏ ra xúc động, cảm thông, cho đi và nhắc nhở hành trình an toàn”.
 
Hầu hết, các chị lái xe ôm đều cho rằng nghề này tuy vất vả nhưng chỉ cần chịu khó thì cũng có thể trang trải được phần nào cho cuộc sống hàng ngày...
Bài, ảnh: Lê Thọ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nắng nóng gây khô hạn kéo dài ở Trung Bộ và Tây Nguyên

Nhận định về thời tiết trong thời gian tới (từ đêm 27/3 đến ngày 3/4), Trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia Nguyễn Văn Hưởng cho biết, phía Đông Bắc Bộ từ ngày 27 - 29/3 có mưa rải rác; riêng vùng núi từ ngày 28 - 29/3 có khả năng có mưa rào rải rác và có nơi có dông.

Nắng nóng gây khô hạn kéo dài ở Trung Bộ và Tây Nguyên
Đề xuất phương án giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Dù lựa chọn phương án giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần như thế nào đều phải có giải pháp để giữ người lao động ở lại thị trường lao động, đó mới là giải pháp căn cơ, lâu dài. Nhấn mạnh trên được Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đưa ra trong Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Đề xuất phương án giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Hỗ trợ 300 triệu đồng các hộ tiểu thương chợ Khe Tre và gia đình Liệt sĩ Trần Duy Hùng

Ngày 22/3, nhân ký kết chương phối hợp thực hiện công tác Công an giữa Công an TP. Hồ Chí Minh, Công an TP. Cần Thơ và Công an Thừa Thiên Huế, Đoàn công tác Công an TP. Hồ Chí Minh và Công an TP. Cần Thơ đến thăm và hỗ trợ các hộ tiểu thương bị thiệt hại do cháy chợ Khe Tre (Nam Đông); thăm gia đình và thắp hương cho Trung tá Trần Duy Hùng, Phó trưởng Công an phường Thủy Vân (TP. Huế) hy sinh khi làm nhiệm vụ.

Hỗ trợ 300 triệu đồng các hộ tiểu thương chợ Khe Tre và gia đình Liệt sĩ Trần Duy Hùng
Return to top