ClockThứ Năm, 20/08/2015 21:05

Chênh lệch quá lớn

TTH - Đầu năm 2015, tàu Celebrity Century thuộc hãng tàu Celebrity X - Cruises của Mỹ đưa hơn 1.800 khách với nhiều quốc tịch khác nhau cập cảng Chân Mây. Trong số 1.200 khách lên bờ, chỉ có 250 người tham quan Huế. Số còn lại đi tham quan Đà Nẵng và Hội An.

Quan sát tại bàn giới thiệu ấn phẩm du lịch, hầu hết du khách đều hỏi về điểm đến Đà Nẵng.

Tín hiệu vui khi mới đây, cảng Chân Mây đón chuyến tàu lớn thứ 3 trên thế giới và lớn nhất từ trước đến nay - Voyager of the Seas - mở màn cho sự ghé thăm của những chuyến tàu lớn thuộc hãng Royal Caribbean Cruise, mang theo 3.800 khách. Thế nhưng, đại diện Công ty du lịch Saigontourist cho biết, trong số ngót nghét gần 3.000 khách lên bờ, có đến 95% đi tham quan Đà Nẵng, Hội An; số khách chọn Huế để tham quan chiếm con số quá khiêm tốn: 48 khách. Sự chênh lệch này khiến bất cứ ai cũng ngậm ngùi, dẫu rằng, Huế - Đà Nẵng – Hội An giờ là “Ba địa phương - một điểm đến”.

Trao đổi nguyên nhân với nhà điều hành tour, được biết, đó là do sở thích đặc thù của du khách. Những đoàn khách Âu thích tham quan văn hóa lịch sử ở Huế, nhưng khách Trung Quốc lại thích những trải nghiệm sôi động ở Đà Nẵng, Hội An. Ngay cả những đơn vị tư nhân khai thác khách lẻ tại cảng cũng chào bán những tour vào Đà Nẵng, Hội An. Lý do được họ đưa ra là đường sá đi lại thuận tiện hơn, giúp tiết kiệm chi phí.

Chúng tôi cũng có dịp được cùng đoàn báo chí do Công ty Royal Caribbean Cruises Hong Kong tổ chức (để khảo sát, viết bài giới thiệu về các tuyến, điểm du lịch và tìm hiểu sản phẩm, dịch vụ du lịch Thừa Thiên Huế) tham quan Huế. Sau khi làm thủ tục lên bờ, 9h30 sáng, chúng tôi ra khỏi cảng Chân Mây. Dù lịch trình của đoàn sẽ là thăm Đại Nội – chùa Thiên Mụ - tham gia lớp cooking class và ăn trưa – tham quan lăng Tự Đức. Thế nhưng, đến Huế đã 11 giờ, họ chỉ kịp thăm Đại Nội và đành bỏ qua chùa Thiên Mụ rồi về học nấu ăn tại Nhà Lưu niệm bà Từ Cung thì đã quá giờ trưa. Vẻ mỏi mệt khiến một số người không còn hứng thú. Ăn uống xong đã hơn 14 giờ, trong khi 17 giờ chiều họ phải có mặt ở cảng Chân Mây kịp giờ tàu xuất bến. Việc di chuyển đã mất hơn 3 tiếng trong khi du khách chỉ có 10 giờ vàng từ khi cập bến đến lúc xuất bến. Vẻ như, đường sá xa xôi cũng là một trở lực khi khách tàu biển có rất ít thời gian.

Sự đầu tư của hãng tàu biển Royal Caribbean Cruises nâng cấp bến số 1 hứa hẹn sẽ gia tăng một lượng lớn khách tàu biển đến cảng Chân Mây. Nhưng, điều đó không có nghĩa là lượng khách tham quan Huế sẽ gia tăng theo tỷ lệ thuận, nếu Huế không khắc phục những điểm yếu về điều kiện khách quan lẫn chủ quan, về quảng bá, làm mới và tạo hấp dẫn điểm đến bằng các dịch vụ và sản phẩm du lịch. Nếu không Thừa Thiên Huế chỉ đóng vai trò là “trạm trung chuyển”, là nơi cho tàu cập cảng chứ chưa phải là nơi hấp dẫn để du khách bỏ tiền chi tiêu vào các hoạt động tham quan, mua sắm và vui chơi, giải trí.

Việc mỗi năm sẽ có hàng chục chuyến tàu của Royal Caribbean đến Chân Mây chưa mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của du lịch Huế, ngoài việc thu phí bến bãi và sử dụng dịch vụ tại cảng. Trong khi đó, khách tàu biển được xem là nguồn khách “nhà giàu” hướng đến dịch vụ du lịch cao cấp, việc làm sao khai thác chi tiêu đối với nguồn khách này là bài toán đang đặt ra.

Nguyệt Tú
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top