ClockChủ Nhật, 27/10/2019 10:45

Chỉ còn thông reo vi vu

TTH - Lâu lắm rồi tôi mới nắm một quả thông trên tay mình. Thông ở Huế không phải là loài cây xa lạ, nhưng gắn bó với tôi nhất có lẽ là những hàng thông xanh ở đàn Nam Giao. Ngày xưa, các vị vua triều Nguyễn chọn nơi này làm lễ tế trời. Có một thời gian, đàn Nam Giao trở thành đài tưởng niệm các liệt sĩ, sau này đài liệt sĩ được di dời để trả lại nguyên trạng.

Những cây thông ở đàn Nam Giao với lũ trẻ chúng tôi như là những người bạn. Đàn Nam Giao được chia thành bốn “tầng” từ ngoài vào trong. Ở chỗ cao nhất, nơi đứng trên đó có thể nhìn thấy cột cờ, thấy núi Kim Phụng, Ngự Bình, nơi mà ngày xưa lũ trẻ con chúng tôi chơi trò thi nhau hét, xem tiếng của ai vang xa hơn.     

Đó là những ngày hè, ba mẹ tôi giao nhiệm vụ phải đi mót củi, cào lá thông về để đun nấu. Cây thông có một đặc tính là khá giòn và nhiều dầu. Củi thông dùng để nấu cháy rất tốt. Những buổi chiều hè đi mót củi, lũ trẻ con chúng tôi có cơ hội để thử nghiệm tài leo trèo. Và tôi nhớ, dường như tôi đã trèo hết tất cả những cây ở đây để bẻ những nhánh củi khô chưa kịp rụng xuống đất.

Có những ngày khác, khi củi không kịp khô cho chúng tôi bẻ thì chúng tôi đi cào lá thông về nấu cám heo. Ba tôi lấy thép làm cho tôi cái cào mười hai răng, bè ra để cào được nhanh và nhiều. Cuối ngày gánh “rác” về nhà, bọn con gái chúng tôi khéo léo “xây” đôi gióng đầy ắp lá thông như người trồng lúa xây cây rơm. Gánh đi giữa đường, chỉ thấy hai khối lá đỏ lù lù chứ không thấy người. Và những quả thông là thứ quý giá nhất bởi chúng tôi có thể tìm ở trong đó những hạt thông thơm lừng, béo ngậy...

Tôi lớn lên cùng với những cây thông này, chứng kiến đàn Nam Giao từng là nơi tụ tập học bài mỗi mùa thi, là nơi mỗi chiều mấy đứa con trai thường tụ tập đá bóng... Vào mùa lũ lịch sử năm 1999, đây là nơi tập hợp những chiếc trực thăng chở hàng đi cứu trợ, lần đầu tiên tôi nhìn thấy chiếc trực thăng hình hài như thế nào chính ở nơi này.

Rồi sân tập lái xe chuyển đi nơi khác, người ta bắt đầu rào lại và trồng những cây tùng bên ngoài hàng rào thép gai, những cây thông được trồng trên mảnh đất chúng tôi đã từng nhảy dây, thả diều... Lễ tế đàn Nam Giao được phục dựng và tổ chức mỗi dịp Huế có festival. Lũ trẻ con chúng tôi cũng đã lớn, mỗi đứa một phương trời, chỉ những cây thông vẫn lớn lên từng ngày và đứng đó như muốn chờ chúng tôi quay trở lại.     

Không còn ai mót củi, cào lá trong khi cành vẫn khô và lá vẫn rụng đỏ cả thảm dưới đất. Một buổi chiều quay trở lại, nhìn những đống lá thông được chú bảo vệ gom lại để đốt cho sạch sẽ mới thấy nhớ những ngày thơ ấu xa xưa...

Đàn Nam Giao giờ vẫn có du khách ghé thăm như ngày xưa, nhưng lũ trẻ con ngày xưa cứ thấy khách Tây là ngửa tay xin bút đã không còn nữa, chỉ còn thông reo vi vu giữa phố, và đâu đó là tiếng của những chú chim bồ câu gọi nhau khi đang nhặt những hạt thông rơi…

NAM GIAO

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Chợ” nấm tràm trên đàn Nam Giao

Mùa nấm tràm nở rộ. Các chị, các o, mệ ở TP. Huế ngày nào cũng lượn vài vòng lên khu vực đàn Nam Giao để lựa chọn, mua cho bằng được những rổ nấm tràm căng mọng, óng mượt.

“Chợ” nấm tràm trên đàn Nam Giao
Mưa ký ức

Mỗi năm, cứ theo tuần hoàn của đất trời vào mùa mà những cơn mưa cứ như một người bạn quyến luyến mảnh đất này nên cứ tới hẹn là ghé về thăm.

Mưa ký ức
Biển lặng

Không có cảnh chen chúc. Không bán hàng rong chào mời. Không bãi giữ xe. Vắng hẳn tiếng người í ới. Chỉ có những con sóng cứ vỗ đều đặn vào bờ là không hề khác.

Biển lặng
Tháng năm về trên Huế

Tháng năm, Huế bước vào đợt nắng nóng kéo dài. Học sinh, sinh viên quay trở lại trường sau một thời gian dài nghỉ vì ảnh hưởng của dịch COVID - 19. Bên dòng sông Hương, những cây phượng vĩ đã bắt đầu nở những chùm hoa đỏ rực, chói chang như màu nắng tháng năm.

Tháng năm về trên Huế
Vạt hoa cải cúc

Dẫn bạn đi về phía sau của khách sạn, tôi chỉ cho bạn nhà hát của Nhạc viện đang xây và con đường ven sông sắp hoàn thành, và Huế càng ngày càng đẹp hơn.

Vạt hoa cải cúc
Return to top