ClockThứ Bảy, 29/08/2020 10:34

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 24-28/8

Thủ tướng yêu cầu nước sạch cung cấp cho người dân phải có chất lượng tốt nhất; đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường trong vận chuyển hàng không; không để xảy ra chậm phát hiện lây nhiễm dịch COVID-19;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 24-28/8/2020.

Thống nhất việc xây dựng mô hình đặc thù cho Thừa Thiên HuếTuyển sinh cao học sẽ có những điều chỉnh phù hợpChính phủ Pháp sắp công bố kế hoạch phục hồi kinh tế sau đại dịchXây dựng cơ sở dữ liệu tác phẩm văn học nghệ thuậtCơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc giaSắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GD&ĐTVi phạm quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu nước sạch cung cấp cho người dân phải có chất lượng tốt nhất

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị 34/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh nước sạch, bảo đảm cấp nước an toàn, liên tục.

Chỉ thị nêu rõ: Nguồn nước, công trình cấp nước và quy trình sản xuất, truyền tải, cung cấp nước sạch phải được giám sát nghiêm ngặt, liên tục để bảo đảm nước sạch được cung cấp phục vụ đời sống, sinh hoạt của nhân dân có chất lượng tốt nhất và tuyệt đối an toàn. Mọi hành vi xâm hại hành lang bảo vệ nguồn nước, vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, công trình cấp nước, gây ô nhiễm nguồn nước, mất an toàn trong sản xuất, truyền tải, cung cấp nước sạch phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Tuyên truyền về An toàn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở, giai đoạn 2020 – 2025.

Mục tiêu chung của Đề án là đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; phòng, chống tác hại của rượu, bia phải thường xuyên, liên tục, dễ tiếp cận và hiệu quả đối với từng đối tượng; phù hợp với truyền thống, văn hóa, bản sắc dân tộc, tôn giáo và phong tục tập quán. Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông của các chủ thể tham gia giao thông, những người làm nhiệm vụ quản lý, xây dựng, duy tu các công trình hạ tầng giao thông, các hộ dân sinh sống hai bên các tuyến đường, những người quản lý, điều hành giao thông, đặc biệt là các đối tượng trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông vận tải.

Tuyên truyền tập trung ưu tiên các đối tượng: nhóm thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên; nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và vùng nông thôn; nhóm đội ngũ lái xe vận tải hành khách, hàng hóa, xe siêu trường, siêu trọng và người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe máy điện.

Vi phạm quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định 96/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là 50 triệu đồng. Trường hợp tổ chức có cùng hành vi vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng hai lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Phạt tới 2 tỷ đồng đối với hành vi vi phạm về thăm dò, khai thác dầu khí

Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí. Nghị định quy định đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu hình thức xử phạt chính là phạt tiền. Trong đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực thăm dò, khai thác dầu khí là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.

Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia

Chính phủ ban hành Nghị định 94/2020/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Theo đó, về cơ chế, chính sách ưu đãi chung, Nhà nước khuyến khích và có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để tạo môi trường nghiên cứu và phát triển, đầu tư kinh doanh thuận lợi tối đa tại Trung tâm nhằm thu hút nhân tài, chuyên gia trong và ngoài nước, các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ lớn trong nước và từ các nước có trình độ công nghệ phát triển để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh.

Trung tâm được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi cao nhất và các thủ tục hành chính thuận lợi nhất theo quy định của pháp luật nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ...

Tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường trong vận chuyển hàng không

Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2020/NĐ-CP về tăng mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người vận chuyển trong vận chuyển bằng đường hàng không.

Theo Nghị định, đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách tăng từ 100.000 đơn vị tính toán lên thành 128.821 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách. Đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vận chuyển chậm tăng từ 4.150 đơn vị tính toán lên thành 5.346 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách. Đối với vận chuyển hành lý, bao gồm cả hành lý ký gửi và hành lý xách tay, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm tăng từ 1.000 đơn vị tính toán lên thành 1.288 đơn vị tính toán cho mỗi hành khách. Đối với vận chuyển hàng hoá, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mất mát, thiếu hụt, hư hỏng hoặc do vận chuyển chậm tăng từ 17 đơn vị tính toán lên thành 22 đơn vị tính toán cho mỗi kilôgam hàng hoá.

Hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm theo Hiệp định CPTTP

Chính phủ ban hành Nghị định 95/2020/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện về đấu thầu mua sắm theo Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP). Nghị định này quy định việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện gói thầu dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ xây dựng, cung cấp hàng hóa nêu tại Phụ lục IV, V, VI kèm theo Nghị định này thuộc dự án, dự toán mua sắm của cơ quan mua sắm được liệt kê tại Phụ lục II và Phụ lục III khi có giá gói thầu từ ngưỡng giá nêu tại Phụ lục I trở lên.

Khi tổ chức lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, cơ quan mua sắm phải tổ chức đấu thầu nội khối, trừ trường hợp người có thẩm quyền xét thấy cần tổ chức đấu thầu quốc tế để mang lại hiệu quả cao hơn cho dự án, gói thầu. Đấu thầu nội khối là đấu thầu mà chỉ có nhà thầu nội khối được tham dự thầu.

Vi phạm kinh doanh đa cấp sẽ bị phạt đến 200 triệu đồng

Chính phủ ban hành Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Nghị định quy định cụ thể mức phạt đối với hành vi vi phạm hành chính về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Cụ thể, phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi: Yêu cầu người khác phải đặt cọc hoặc nộp một khoản tiền nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; yêu cầu người khác phải mua một số lượng hàng hóa nhất định để được ký hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp; cho người tham gia bán hàng đa cấp nhận tiền hoặc lợi ích kinh tế khác từ việc giới thiệu người khác tham gia vào hoạt động bán hàng đa cấp mà không phải từ việc mua, bán hàng hóa của người được giới thiệu đó;... Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định trên trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.

Không để xảy ra chậm phát hiện lây nhiễm dịch COVID-19

Trong Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 chiều 21/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đề cao cảnh giác, tuyệt đối không chủ quan, coi thường dịch bệnh, nhất là trong hệ thống y tế, đặc biệt là tại các bệnh viện; tiếp tục chung sống, chiến đấu trường kỳ với dịch bệnh. Phòng, chống dịch với tinh thần, giải pháp kiên quyết hơn, kịp thời hơn, không để xảy ra việc chậm phát hiện để lây nhiễm như trong thời gian qua tại một số địa bàn.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định phương án tổ chức đợt còn lại của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bảo đảm an toàn; chỉ đạo các địa phương có phương án tổ chức khai giảng và tiến hành năm học mới linh hoạt, phù hợp với điều kiện từng địa phương, bảo đảm an toàn.

Theo baochinhphu.vn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 24/CĐ-TTg ngày 22/3/2024 gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Thủ trưởng các cơ quan khác ở Trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024.

Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công
Cao tốc Cam Lộ- La Sơn: Trình Chính phủ nâng cấp hoàn chỉnh 4 làn xe

Đó là thông tin chúng tôi nhận được từ lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) sau vụ tai nạn thương tâm xảy ra ngày 18/2 vừa qua trên cao tốc Cam Lộ-La Sơn qua địa bàn huyện Phong Điền (Thừa thiên Huế). Đây cũng là đề xuất của đơn vị trên sau khi đưa vào hoạt động thời gian ngắn, cao tốc này đã bộc lộ nhiều bất cập.

Cao tốc Cam Lộ- La Sơn Trình Chính phủ nâng cấp hoàn chỉnh 4 làn xe
Return to top