ClockThứ Năm, 08/03/2012 14:49

Chị em bé mọn

TTH - Chị em vốn loài đàn bà. Dù thi ca nhạc họa có xưng tụng là nàng thơ, là giai nhân, là một nửa nhân loại đến đâu thì đến lúc về nhà cũng được ưu tiên nguyên một … cái bếp làm cõi riêng. Có hôm đứng lật tờ lịch, thấy câu cách ngôn mà bật cười “Muốn biết tính cách người đàn bà trong nhà thì hãy nhìn vào cái bếp của họ”. Đó, phận đàn bà, giỏi giang cỡ nào thì cũng không bước ra khỏi nồi niêu xoong chảo.

Hôm nọ mình đọc bài viết của Trang Hạ, nói chuyện đại ý người bạn đời là người biết chia sẻ, rằng hãy bình đẳng với nhau dù chỉ là chuyện cỏn con nhất, như muốn pha một bình trà nóng thì mỗi ai muốn hãy tự tay đi làm. Đọc xong bài mình suy nghĩ rất lâu. Chỉ là chuyện cỏn con thôi mà. Cự nự nhau chi việc làm thỏn mỏn đó, đúng không? Mà vì chỉ là việc cỏn con nên thôi, để đó em làm cho. Rồi vài ba việc khác cũng tiện thể để đấy em làm luôn, việc kia bé mọn em sẽ làm nốt.

Nhớ ngày xưa đọc thơ Xuân Quỳnh, đến lúc chị thốt lên “Những người đàn ông các anh có bao nhiêu điều to lớn (…) Các anh nghĩ ra tàu ngầm, tên lửa, máy bay (…) Tài sản của các anh là những tinh cầu, là vũ trụ…” đến những câu cuối lại bật ra cái cười thảng thốt mà đau nhói phía ngực trái: “ Anh thân yêu, người vĩ đại của em/ anh là mặt trời, em chỉ là hạt muối/ Một chút mặn giữa đại dương vời vợi/ Loài rong rêu ai biết tới bao giờ/ Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua/ Là hạt bụi vô tình trên áo/ Nhưng nếu sáng nay em chẳng đong được gạo/ Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn”. Giữa những điều lớn lao và bé nhỏ, cái nào thiết thân hơn?

Như lệ thường, những ngày đầu năm thiên hạ thong dong hơn. Mùa của lễ hội, mùa của yêu thương nồng nàn. Mùa của những ngày lễ, trong đó có ngày 8/3 được tổ chức rộn rã từ các công sở đến các shop hàng thời trang trên đường phố, lan cả trên các trang mạng xã hội với biết bao băng rôn đỏ tươi chấp chới hàng ngàn lời có cánh. Vậy mà sáng nay đi trên con đường còn tờ mờ sương sớm, mình đã gặp hình ảnh một người chị vóc người bé nhỏ đang gồng mình chạy chiếc xe máy cà tàng ba bên bốn bề xung quanh đèo bòng biết bao nhiêu túi to, túi nhỏ, bị lớn bị bé đựng đủ thứ rau ráng hàng hóa cho một ngày buôn của chị. Nhìn cái dáng mảnh khảnh cố giữ thăng bằng cho chuyến xe, bất giác mình đồ rằng, ngày 8-3 tới, chị vẫn cứ sẽ dậy từ tờ mờ và gồng mình trong sương sớm với chuyến hàng như vậy. Hoa và quà nào cho người phụ nữ bé bỏng kia. Mà không, hàng triệu phụ nữ như chị vẫn cặm cụi cho những buổi chiều có cơm ăn của chồng con đang đợi ở nhà.

Tự khởi thủy từ nền văn minh lúa nước, người đàn bà với chức phận của mình nghiễm nhiên trở thành chủ nhân của cái bếp. Vì vậy mặc nhiên người đàn ông trở thành trụ cột gia đình qua biểu tượng của cái nóc nhà. Nên các anh tha hồ bay bổng với bao la vũ trụ và bận bịu với những điều to lớn trong khi chị em phụ nữ lại hằng ngày tẩn mẩn với góc bếp của mình. Ông bà xưa dạy “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Khó có thể minh định giữa việc xây cái nhà và tổ ấm, cái nào khó khăn hơn nhưng lại khá dễ dàng nhận thấy rằng, ngôi nhà dù lớn dù nhỏ đều có một khoảng thời gian xác định để làm thì việc xây tổ ấm phải hằng ngày hằng giờ và không lúc nào ngơi nghỉ. Cũng có nghĩa, công việc của chị em phụ nữ không bao giờ có điểm dừng trong công cuộc xây tổ ấm cho mình.

Mà cái tổ ấm ấy, chao ơi là khó tính. Nó không được dựng nên bởi ba tầng bốn tấm hay những gì to tát lớn lao, nó chỉ là một bữa cơm ngon canh ngọt, một nếp nhà sạch sẽ mát lành, một ly nước mát giữa trưa hè, một vòng tay ấm trong ngày đông, một nụ cười hồn nhiên của con trẻ, một ánh mắt ấm áp buổi mai lạnh… Đấy, toàn những thứ bé mọn mà thôi. Thứ bé mọn chỉ dành riêng cho người đàn bà làm, đàn ông làm chi ba đồ tủn mủn này, không xứng.

Rồi người đàn bà cũng làm, làm đi làm lại, năm này qua năm khác. Thành một thói quen.

Để đến khi đọc những trang viết của nhà văn Trang Hạ, mình chợt nhận thấy một thế giới mới mẻ đang hiện dần ra trước mắt. Người phụ nữ thời hiện đại đang tự sải những bước dài mạnh mẽ trên con đường cuộc đời của mình. Hình ảnh người phụ nữ thành đạt trong những bộ trang phục hàng hiệu đắt tiền, đi những chiếc xe hơi sang trọng, tay cầm những chiếc túi xách lịch lãm, xài điện thoại di động sành điệu và thoang thoảng mùi hương của loại nước hoa tinh tế đang xuất hiện ngày một nhiều trong cuộc sống, chí ít cũng là trên những tờ tạp chí, trên phim ảnh, trên các mẩu quảng cáo ở các phương tiện truyền thông. Những hình ảnh khiến người xem không tránh khỏi cảm giác ngưỡng mộ và ao ước.

Nhưng dù thế nào đi nữa, những hình ảnh đó cũng chỉ để ngưỡng mộ và ao ước mà thôi. Bởi cuộc sống ngoài kia vẫn không thôi trôi vùn vụt mỗi ngày, mà sự chu toàn cho mỗi bếp lửa gia đình lại không thôi cần đến bàn tay người phụ nữ. Dẫu đôi bàn tay đó chưa một lần được nhận hoa và quà trong bất cứ dịp lễ hội nào vẫn cứ nhẫn nại từng ngày từng giờ để chăm chút cho gánh gia đình bé mọn mà họ hằng yêu thương.

Đông Hà

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top