ClockChủ Nhật, 12/09/2021 15:09

Chi phí logistics tăng cao, doanh nghiệp phải “tiết chi, bù thu”

TTH - Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, chi phí logistics không ngừng leo thang cùng với việc vận chuyển hàng chậm trễ khiến các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Dự trữ nguyên liệu duy trì sản xuấtDoanh nghiệp dệt may chuyển dịch nguồn cung nguyên phụ liệu

Chi phí logistics tăng cao do ảnh hưởng dịch bệnh. Ảnh: HOÀNG PHƯỚC

Hàng tồn kho do xuất chậm

Bước sang quý III, nhiều DN sản xuất hàng dệt may, sợi, đồ gỗ nội, ngoại thất… trên địa bàn không còn tình trạng thiếu đơn hàng khi các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản đã kiểm soát được dịch COVID-19, các hoạt động dần trở lại bình thường. Nhiều cửa hàng thời trang, dịch vụ ăn uống bắt đầu mở cửa trở lại nên các đơn hàng xuất khẩu tăng trưởng khá.

Dù đơn hàng dồi dào, sản xuất ổn định song các DN vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, áp lực khi phát sinh nhiều chi phí do ảnh hưởng dịch. Bên cạnh đó, một số lao động phải nghỉ việc giữa chừng do thực hiện quy định cách ly, giám sát liên quan đến ca bệnh hoặc sống trong vùng phong tỏa, giãn cách theo Chỉ thị 15, 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Sơn Hà Huế, ông Lê Văn Khánh, so với những tháng đầu năm 2021, một số thị trường xuất khẩu gặp khó khăn do hàng hoá tiêu thụ chậm, bước sang quý III/2021, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh, tăng từ 15- 20%. Đến nay, DN đã ký kết đơn hàng đến kết năm 2021, bắt đầu đàm phán với đối tác để ký kết đơn hàng cho năm 2022.

Nhiều nhà máy may đầu tư dây chuyền tự động hoá nhằm tiết giảm nhân công, nâng cao năng suất

Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch, các chuyến tàu xuất khẩu nhập hàng chậm bởi các thủ tục kiểm dịch nghiêm ngặt từ các nước dẫn đến hàng tồn kho, lưu kho dài ngày ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất khi hệ thống kho chứa của DN không đáp ứng. Mặt khác, các chi phí logistics cũng tăng cao, trong khi đơn hàng đã ký từ đầu năm, không thể tăng giá nên không còn cách nào khác, DN phải “tiết chi, bù thu”.

Tại Công ty CP Dệt may Phú Hòa An, cùng với công tác phòng dịch được triển khai nghiêm ngặt với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập” ở các nhà máy, DN đang đối mặt với mối lo thiếu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất khi các nhà máy ở Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh đóng cửa và thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 để phòng dịch. Mặt khác, nhiều nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu ở Trung Quốc, Đài Loan… ảnh hưởng dịch nên nguồn cung bị ngắt quãng.

Theo Giám đốc công ty, ông Lê Hồng Long, để chủ động sản xuất, ngay từ đầu năm DN đã dự trữ nguyên phụ liệu nên hiện vẫn duy trì sản xuất, đáp ứng đủ cho các tháng cuối năm 2021. Tuy nhiên, nếu những tháng cuối năm dịch COVID-19 vẫn chưa được khống chế, nguồn cung nguyên phụ liệu sẽ thiếu và chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất tại các nhà máy. Để khắc phục khó khăn, DN triển khai cải tiến các khâu sản xuất, quản lý để nâng cao năng suất, tăng thu nhập cho người lao động; đầu tư trang thiết bị công nghệ tự động nhằm giảm số lao động thủ công, đồng thời nâng cao năng lực đáp ứng thời gian giao hàng ngày một ngắn và khắt khe của đối tác.

Ông Long cho biết, hiện các khoản phí liên tục tăng, như phí tàu xuất khẩu, phí vận chuyển hàng hoá, bốc xếp… đều tăng lên gấp đôi nên DN phải cắt giảm chi tiêu, chấp nhận giảm lợi nhuận để duy trì sản xuất.

Chưa hết lo

Cùng với nỗi lo bùng phát dịch COVID-19 trong các nhà máy, nhiều DN đang tìm mọi cách để tiết giảm chi phí, cắt giảm các khoản chi tiêu để bù vào phần tăng các khoản phí phát sinh nhằm ổn định đời sống cho CBCNV-LĐ.

Theo ông Lê Dương Huy, Giám đốc Công ty CP Chế biến gỗ Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên nhiều chuyến tàu biển chỉ có hàng đi, không có hàng về; để vận chuyển hàng đi, DN phải chấp nhận chi trả 1,5 lần phí vận chuyển, tăng 50% so với trước đây. Xe tải vận chuyển hàng từ nhà máy vào cảng biển cũng tăng giá khi phải thực hiện các quy định kiểm soát nghiêm ngặt, thực hiện giãn cách nên đi lại khó khăn. Hiện, tất cả các khoản phí đều tăng gấp đôi, trong khi đơn hàng nhập khẩu không thể tăng giá nên DN phải “thắt lưng, buộc bụng”, mới “sống” được.

Chi phi logistics tăng, nhiều DN phải cắt giảm chi tiêu để duy trì sản xuất (Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Qua tính toán của các DN, cước vận chuyển đi Mỹ từ 2.000-3.000 USD cho 1 container 40 feet từ đầu năm 2020, đến nay tăng lên 13.500 USD, tức là tăng 5-6 lần. Cước vận tải hàng trong nước cũng tăng từ 30- 40%, phí bốc xếp và các khoản phí khác cũng tương tự.

Ông Huy cho rằng, giá thuê container tăng bất thường kéo theo đội giá thành sản phẩm, trong khi đó, việc đặt vấn đề với các nhà nhập khẩu để tăng giá bán là gần như không thể. Không chỉ tăng phí, từ đầu năm đến nay DN phải thương thảo với đối tác để điều chỉnh thời gian giao hàng do hàng đến trễ; một số đơn hàng quá trễ so với thời gian ký kết (từ 1-1,5tháng), DN phải chấp nhận bồi thường hợp đồng. Rất may, các đơn hàng vẫn ổn định do Trung Quốc không xuất hàng qua Mỹ nên các đối tác khai thác nguồn hàng từ Việt Nam, trong đó có bàn ghế ngoài trời và đồ trang trí nội ngoại thất.

Giám đốc Sở Công thương -  ông Nguyễn Thanh -  khẳng định, hiện đơn hàng xuất khẩu khá dồi dào, nhất là hàng dệt may. Kết hợp với những lợi thế trên thị trường xuất khẩu cũng như việc chuyển dịch đơn hàng đã giúp DN dần hồi phục với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng theo từng tháng. Đặc biệt, nhiều DN đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, giao hàng nhanh.

Tuy vậy, để ổn định sản xuất, các DN cần dự trữ nguyên phụ liệu đề phòng dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều địa phương thực hiện giãn cách nguồn hàng về chậm ảnh hưởng đến sản xuất, việc làm cho lao động. Các DN tránh chủ quan, cần bám sát thay đổi của thị trường, điều chỉnh sản xuất kịp thời và tăng cường tìm kiếm đơn hàng mới.

Bài, ảnh: THANH HƯƠNG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững

Ngày 15/3, UBND tỉnh phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Cục Việc làm, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Trung tâm Lao động ngoài nước, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cùng các sở, ban, ngành, đơn vị, doanh nghiệp... liên quan trên địa bàn tổ chức hội nghị "Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và giải quyết việc làm bền vững".

Giáo dục nghề nghiệp gắn với giải quyết việc làm bền vững
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai

Sáng 14/3, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức hội thảo phổ biến hướng dẫn các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa theo quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, Nghị định 80/2021/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn thi hành.

Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được triển khai
Những sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp

Đam mê công việc, gắn bó trực tiếp với sản xuất, nhiều người lao động đã cho ra đời những sáng kiến mang lại giá trị thực cho đơn vị, doanh nghiệp (DN).

Những sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp
Cần mục tiêu cụ thể để giảm lượng khí thải từ hoạt động bay của doanh nghiệp

Tạp chí Bloomberg ngày 12/3 trích dẫn một báo cáo mới từ tổ chức phi lợi nhuận Giao thông & Môi trường (T&E) cho hay, hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất trên thế giới đều không đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng, nhằm làm giảm lượng khí thải từ hoạt động bay của các nhân viên trong doanh nghiệp.

Cần mục tiêu cụ thể để giảm lượng khí thải từ hoạt động bay của doanh nghiệp
Giá vé máy bay tăng, doanh nghiệp lo khó làm tour nội địa

Nhiều doanh nghiệp lữ hành đang lo ngại về thị trường tour nội địa, khi trần giá vé máy bay nội địa điều chỉnh tăng từ ngày 1/3/2024. Nỗi lo lớn nhất là lượng khách nội địa sẽ sụt giảm khi sắp vào mùa du lịch và doanh nghiệp cũng dè dặt hơn trong việc “ôm” vé giá rẻ như mọi năm.

Giá vé máy bay tăng, doanh nghiệp lo khó làm tour nội địa

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top