ClockThứ Bảy, 29/04/2017 15:17

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2016

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 không thay đổi so với tháng trước nhưng tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2017. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng tháng này không thay đổi so với tháng trước và tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chủ yếu, có 7 nhóm có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 8,05% (dịch vụ y tế tăng gần 10,6%).

Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất với 8,05% trong tháng 4. Ảnh minh họa: KT

Nguyên nhân nhóm này tăng cao là do trong tháng có 14 tỉnh, thành phố thực hiện điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế bước 2 theo Thông tư liên tịch của Bộ Y tế và Bộ Tài chính (tác động làm chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 0,41%).

Các nhóm văn hóa, giải trí, du lịch và nhóm thiết bị, đồ dùng gia đình; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; giáo dục; hàng hóa và dịch vụ khác tăng dao động từ 0,01-0,1%.

Trong các nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm, nhóm giao thông giảm mạnh nhất với 1,38% do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4 (làm giá xăng, dầu giảm 3,06%), tác động làm chỉ số giá tiêu dùng chung giảm 0,13%. Các nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở và vật liệu xây dựng; bưu chính, viễn thông giảm từ 0,24-0,66%.

Lạm phát cơ bản tháng 4 tăng 0,09% so với tháng ngoái và tăng 1,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, tính bình quân 4 tháng qua, lạm phát cơ bản tăng 1,62% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái.

Với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng từ đầu năm đến nay, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, lạm phát vẫn đang được kiểm soát tốt. Tổng cục Thống kê đã có một kịch bản sẽ tăng CPI vào những tháng nào và kiểm soát tăng những loại phí, dịch vụ.

Ông Lâm đưa ví dụ, giả sử như khi tăng giá điện, Tổng cục Thống kê có công cụ để tính toán xem sẽ ảnh hưởng đến CPI và tăng trưởng kinh tế thế nào; đồng thời cũng tính toán khả năng tăng phí dịch vụ y tế ở các tỉnh như thế nào và tác động vào CPI ra sao… từ đó có báo cáo để Chính phủ có tham vấn để chỉ đạo điều hành.

“Trong kiểm soát lạm phát hiện nay, Chính phủ đã có chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành. Tổng cục Thống kê tin là lạm phát luôn luôn được kiểm soát với mục tiêu Quốc hội đặt ra”, ông Lâm nói./

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

11 tháng, CPI bình quân của cả nước tăng 3,02%

Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 29/11, giá xăng dầu trong nước điều chỉnh theo giá thế giới, giá thuê nhà tăng do nhu cầu của người dân tăng cao là những nguyên nhân chính làm cho Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11/2022 tăng 0,39% so với tháng trước. So với tháng 12/2021 CPI tháng 11 tăng 4,56% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,37%.

11 tháng, CPI bình quân của cả nước tăng 3,02
Chuyên gia bàn cách kiểm soát lạm phát

Hàng loạt hàng hóa tăng giá, nhất là mặt hàng thiết yếu, quan trọng của nền kinh tế như xăng dầu đã khiến nguy cơ lạm phát tăng cao. Tăng nguồn cung hàng hóa, giảm một số loại thuế để giảm giá đầu vào sản xuất là giải pháp được cho là cần ưu tiên hàng đầu.

Chuyên gia bàn cách kiểm soát lạm phát
Return to top