ClockThứ Tư, 13/03/2019 08:29

Chỉ số hạnh phúc

TTH - Trong bữa cơm tối hôm ấy, chúng tôi đã dừng đũa, khi chương trình Chuyển động 24 của đài truyền hình phát đi bản tin tốt.

Câu chuyện về một cô bé lớp một, tại một trường học ở nước ngoài. Em có ngoại hình không được ưa nhìn cho lắm, với mái tóc ngắn củn gắn những chiếc nơ rất to. Ở lớp, em bị các bạn trêu chọc, xa lánh. Cô bé cảm thấy cô đơn.

Nhưng rồi cô bé không còn cô đơn nữa khi cô giáo của em- để chống lại sự kỳ thị, phân biệt và bạo lực học đường- đã cắt mái tóc dài rất đẹp của mình. Cô giáo cắt kiểu tóc ngắn củn như cô bé ấy và hàng ngày gắn lên đầu mình những chiếc nơ to sặc sỡ. Cô bảo, rất tiếc khi không còn mái tóc dài nhưng cô rất vui vì thấy học trò của mình hạnh phúc. Và qua màn hình ti-vi, tôi đã thấy nụ cười tràn đầy hạnh phúc của cô bé tóc ngắn ấy bên sự trìu mến, sẻ chia, đồng hành của cô giáo.

Một tối khác, chúng tôi cũng đã phải dừng đũa trong bữa cơm tối, khi chương trình thời sự lúc 7 giờ phát đi bản tin xấu.

Chuyện về một học sinh lớp một ở một huyện miền núi phía Bắc. Cả tháng nay, em phải nghỉ học để chữa trị một bên mắt tổn thương. Mắt em bị rách, bị đau vì cô giáo ở lớp dùng thước đánh vào mặt.

Bản tin khiến người xem nghĩ đến những vụ bạo hành trẻ em, bạo lực học đường gần đây mà nguyên cớ xuất phát từ những bảo mẫu, những giáo viên đứng lớp. Đau xót như chuyện về 231 cái tát mà một học sinh tiểu học phải hứng chịu từ sự trừng phạt của cô giáo chủ nhiệm vì tội nói tục xảy ra cách đây chưa lâu.

Trong một bài viết phủ kín hai trang giấy đăng tải trên một tờ báo trong nước gần đây, nhà văn, nhà giáo Võ Diệu Thanh đã nói về chuyện “Làm người thầy hạnh phúc”. Ông nói, 231 cái tát ấy, cũng như những vụ bạo hành trường học là vì “còn rất nhiều nhà giáo đang dạy học trong trạng thái không hạnh phúc và họ chưa thể bước ra một môi trường khác để dẹp bỏ ám ảnh. Khi cái không hạnh phúc lan truyền, tức là cái ác lan truyền”.

Với cái nhìn của người trong cuộc, ông cho rằng, bi kịch của những người thầy, là khi họ phải làm việc trong một môi trường quá áp lực, bởi căn bệnh thành tích, bởi những qui chế chuyên môn như pháp lệnh, bởi những sự chỉ đạo máy móc và người dạy học đôi khi phải làm rất nhiều việc bản thân thấy không hợp lý...Rồi sự nín nhịn, chịu đựng triền miên trở thành bi kịch, cho đến khi giọt nước tràn ly.

Trong cuộc hội ngộ bạn bè của chúng tôi gần đây, lạ là mọi người cứ hỏi nhau một điều thông tường: Ông đã lên chức chưa?Bà đang đi xe hiệu gì? Con cái đã du học ở đâu? Nhà được mấy tầng?... Hình như không ai nhớ để hỏi: Bạn sống có vui không, có hạnh phúc không?

Dường như trong nhịp sống hối hả đầy ganh đua ngày nay, chúng ta đang quên đi một chỉ số quan trọng của cuộc sống. Đó là chỉ số hạnh phúc.

Hạnh phúc đôi khi không đồng nghĩa với nhiều tiền, chức cao, xe xịn... Nói như nhà giáo Võ Diệu Thanh, hạnh phúc là khi chúng ta biết nâng niu hình ảnh của bản thân. Là khi mỗi người được nâng niu, chia sẻ, thấu hiểu. Là khi mọi giá trị đều được nhìn nhận, tôn trọng một cách công bằng và đúng chỗ...

Nhật Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nghĩ về hạnh phúc

Trước đây, có thời gian kéo dài hàng năm trời, chị là nô lệ của thói quen xem lén điện thoại của chồng, bắt đầu từ khi chị bắt gặp anh nhắn tin thân mật với một nữ đồng nghiệp.

Nghĩ về hạnh phúc
Bâng khuâng tháng Ba

Khi những cánh hoa đào vừa kịp rụng, rũ bỏ hết hương xuân còn bịn rịn, từng chùm quả nhỏ li ti bắt đầu có hình hài, cũng là lúc tháng Ba ngập ngừng về qua ngõ. Không ồn ào, không rộn rã, cứ thế mà nhẹ nhàng bước sang.

Bâng khuâng tháng Ba
Ngày quốc tế hạnh phúc (20/3): Hạnh phúc cho mọi người

Hạnh phúc là cảm giác của mỗi người, hài lòng với mọi thứ xung quanh. Mưu cầu hạnh phúc là quyền cơ bản của con người, nhưng hạnh phúc của mỗi người phụ thuộc vào môi trường xung quanh, và mỗi cá nhân đóng góp cho hạnh phúc chung của nhân loại cũng là đem lại hạnh phúc cho chính bản thân mình.

Ngày quốc tế hạnh phúc 20 3  Hạnh phúc cho mọi người
“Hạnh phúc cho em”

Sáng 16/3, hàng trăm phụ huynh và học sinh đã tham dự những hoạt động ý nghĩa trong chương trình “Hạnh phúc cho em” do Hội Bảo vệ Quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh cùng Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp tổ chức.

“Hạnh phúc cho em”
Hạnh phúc khi đến với người nghèo

Ngoài 70 tuổi, bà Hồ Thị Châu, hội viên phụ nữ phường Xuân Phú, TP. Huế tự nhận mình là người hạnh phúc. Trên chiếc xe máy, ngày ngày bà vẫn miệt mài đi tìm và đến với người nghèo. Hơn 20 năm, bà vẫn muốn làm công việc thiện nguyện theo bà từ thời con gái. Bà Châu cũng là gương mặt phụ nữ tiêu biểu vì cộng đồng được Hội LHPN tỉnh tuyên dương năm 2023.

Hạnh phúc khi đến với người nghèo
Return to top