ClockChủ Nhật, 21/10/2018 07:31

Chi tiêu tăng chưa chắc đã hay

TTH - Cái lợi của chi tiêu nhiều là nâng cao đời sống, kích thích kinh tế phát triển; kéo theo sự phát triển của đời sống xã hội. Đó là nói đến sự phát triển “hoàn hảo” và chi tiêu hợp lý.

Xác lập giá trị & thị trường tiêu thụ sản phẩm địa phương

Khách hàng mua sắm tại Vincom Plaza Huế

Người dân tiêu dùng ngày càng nhiều thì mừng chứ sao!

Tiêu dùng, ngoài việc nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân, nó còn kích thích nền kinh tế phát triển. Cứ tưởng tượng nếu người dân làm ra đồng tiền mà chi tiêu hạn chế, chủ yếu là tích lũy bằng cách gửi ngân hàng, mua các loại ngoại tệ có giá, các loại kim tiền để cất giữ… hoặc cứ “khư khư” giữ tiền thì nền kinh tế sẽ như thế nào. Chắc chắn nền kinh tế đó chậm phát triển.

Nhìn sức chi tiêu và các loại hình dịch vụ từ bình dân đến cao cấp phát triển mạnh trong thời gian gần đây, cho thấy một xu hướng chi tiêu mới. Xu hướng mà dân gian hay nói, tạm gọi là “giàu ngầm” trước đây đã đổi bằng “giàu nổi”. Tức là không “ngầm” nữa. Người ta, đặc biệt là lớp trẻ, làm ra đã dành một phần không nhỏ, thậm chí là vay mượn trước cho chi tiêu các nhu cầu thiết yếu, thậm chí là xa xỉ. Cứ khảo sát một số ngân hàng, mức cho vay mua xe ô tô với nhiều điều kiện thông thoáng, lãi suất thấp, giải ngân nhanh và nhiều chúng ta sẽ thấy điều đó.

Nếu chỉ cách đây chừng hai ba mươi năm, thế hệ những người lớn tuổi chi tiêu hết sức dè dặt. Lúc đấy một phần vì thu nhập của người dân còn thấp, nhưng nếu có ai đó làm ra nhiều thì cũng phần lớn là “để dành”, để mà “phòng thân phòng thổ” thì nay xu hướng có vẻ ngược lại?

Cái lợi của chi tiêu nhiều là nâng cao đời sống, kích thích kinh tế phát triển; kéo theo sự phát triển của đời sống xã hội. Đó là nói đến sự phát triển “hoàn hảo” và chi tiêu hợp lý. Nếu chỉ số tiêu dùng tăng mà chỉ số phát triển kinh tế không tăng hoặc tăng không tương xứng; thu nhập bình quân đầu người tăng thấp; nợ xấu tăng cao… thì chưa chắc việc tăng tiêu dùng đã kích thích kinh tế phát triển mà có khi còn ngược lại. Nó có thể làm cho nhiều vấn đề xã hội phát sinh. Nợ xấu trong thời gian qua đã dẫn đến những “điểm nghẽn” của nền kinh tế, buộc phải làm một cuộc đại tái cơ cấu nợ xấu ngân hàng đã cho thấy điều này.

Khách hàng mua sắm tại Vincom Plaza Huế

Thử xem người dân ở Huế và người dân nơi khác đến Huế chi tiêu như thế nào?

Theo số liệu thống kê tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng mới nhất là tháng 9/2018 ước đạt 3.238,74 tỷ đồng, tăng 12,43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, hiểu nôm na là mức chi tiêu của người dân là 2.897,41 tỷ đồng, tăng 11,06%. Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 28.476,59 tỷ đồng, tăng 10,31% so với cùng kỳ năm trước (nếu loại trừ yếu tố giá còn tăng 6,71%- Theo Cục Thống kê Thừa Thiên Huế).

Mức chi tiêu và thụ hưởng các loại dịch vụ như thế này là cao hay thấp? Khó có câu trả lời chính xác cho vấn đề nói trên. Tuy nhiên, nếu chiếu theo mức thu nhập bình quân đầu người thì ta nhìn thấy rõ hơn điều này.

Theo thống kê, thu nhập bình quân đầu người của người dân Thừa Thiên Huế năm 2016 là 2.020 USD và năm 2017 là 2.100 USD. Con số tăng tuyệt đối năm 2017 so với năm 2016 là 80 USD, qui ra VND là khoảng hơn 170.000 đồng. Nếu tính tỷ lệ tăng thì vào khoảng hơn 4%.

Con số này cũng chưa nói lên được điều gì vì tổng mức doanh thu bán lẻ và dịch vụ không phải chỉ người dân Thừa Thiên Huế hưởng mà cả người dân ở ngoài tỉnh góp phần làm nên. Tuy nhiên, cũng rất có thể là người dân Thừa Thiên Huế đã chi tiêu quá mức!?

Có một điều cũng cần nhìn nhận là tuy tăng chi tiêu nhưng chưa hẳn đời sống vật chất của người dân tăng theo. Tính bình quân 9 tháng đầu năm 2018, chỉ số giá tiêu dùng chung tăng 3,03% so với bình quân cùng kỳ năm 2017. Theo Cục Thống kê Thừa Thiên Huế: Quí I/2018 bình quân tăng 2,24% so cùng kỳ, nguyên nhân tăng giá trong quí này chủ yếu là do một số nhóm hàng hóa, dịch vụ thiết yếu tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán như lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, may mặc, giao thông. 6 tháng đầu năm chỉ số giá bình quân tăng 2,78%, nguyên nhân tăng giá trong quí II chủ yếu là do điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Quí III/2018, giá một số hàng hóa phục vụ đầu năm học và dịch vụ giáo dục tăng, giá lương thực cuối vụ tăng, giá xăng dầu điều chỉnh tăng trong tháng 9, đã làm chỉ số giá tiêu dùng bình quân quí III tăng 3,52% so cùng kỳ.

Ví dụ như giá xăng dầu tăng, chưa hẳn đời sống vật chất người dân tăng; giá dịch vụ giáo dục, y tế tăng có khi làm cho đời sống vật chất của nhiều người dân giảm xuống.

Đánh giá về mức chi tiêu hợp lý và đời sống vật chất của người dân tăng hay giảm về thực chất cũng là điều cần thiết, vì nó liên quan đến nhiều vấn đề của phát triển kinh tế, xã hội.

Bài: NGUYÊN LÊ - Ảnh: NHẬT LONG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh

Góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan, tạo nếp sống văn hóa là thành quả đáng tự hào của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Nam Đông khi triển khai Đề án Ngày Chủ nhật xanh “hãy hành động để Thừa Thiên Huế thêm xanh - sạnh - sáng”.

Tạo nếp sống văn hóa từ Ngày Chủ nhật xanh
Chi tiêu CNTT toàn cầu dự báo tăng 8% lên 5.060 tỷ USD trong năm 2024

Theo dự báo mới nhất của Công ty Tư vấn và nghiên cứu công nghệ thông tin Gartner, chi tiêu cho ngành công nghệ thông tin (CNTT) trên toàn thế giới trong năm nay dự kiến sẽ đạt tổng cộng 5.060 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2023. Con số này cao hơn so với dự báo tăng trưởng 6,8% được đưa ra hồi tháng 1 và đưa chi tiêu CNTT toàn cầu đi đúng hướng để vượt ngưỡng 8.000 tỷ USD trước năm 2030.

Chi tiêu CNTT toàn cầu dự báo tăng 8 lên 5 060 tỷ USD trong năm 2024
Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số

Văn hóa đọc không còn như trước đây, không phải cứ cầm sách mới là đọc sách. Trò chuyện với Thừa Thiên Huế Cuối tuần, bà Hoàng Thị Kim Oanh, Giám đốc Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế cho rằng, trong thời đại công nghệ số, độc giả có thể đọc ở bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào chỉ cần có điện thoại, máy tính… kết nối internet.

Văn hóa đọc thay đổi theo kỷ nguyên số
Em và ngày hội đọc sách

So với các bạn cùng trang lứa TP. Huế và vùng đồng bằng, các bạn nhỏ ở huyện vùng núi, vùng xa Nam Đông và A Lưới thiệt thòi hơn nhiều về điều kiện để tiếp cận công nghệ thông tin...

Em và ngày hội đọc sách
Return to top