ClockThứ Sáu, 21/04/2017 05:46

Chi trả bồi thường sự cố môi trường biển đợt 3: Thuận lợi, an toàn

TTH - Với sự đồng tình của người dân, việc chi trả tiền bồi thường đợt 3 diễn ra thuận lợi, an toàn.

Tiếp tục chi trả bồi thường thiệt hại xong trước ngày 10/4Đẩy nhanh tiến độ chi trả tiền bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biểnChi trả sự cố môi trường biển ở Phú Vang: Bám sát cơ sở, xử lý dứt điểm đơn thư

Thu mua cá tại cảng Thuận An

Tại các xã biển, hoạt động  chi trả tiền bồi thường đợt 3 diễn ra vui tươi, phấn khởi.

Ông Trần Vẹn ở xã Lộc Trì (Phú Lộc) đến nhận một nửa số tiền bồi thường còn lại (đợt 1 đã nhận 50%) tại trụ sở UBND xã vào ngày 11/4. Trên khuôn mặt ông Vẹn lộ rõ niềm vui khi được nhận tiền bồi thường: “Xem danh sách chi trả tiền đợt 1 không có tên, tui rất buồn. Các chủ tàu làm dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản cũng thiệt hại khá nặng do giá giảm mạnh, khó tiêu thụ do sự cố môi trường biển. Sau khi kiến nghị, chúng tôi được quan tâm giải quyết”.

Chủ tàu Trần Lương được nhận số tiền bồi thường khá lớn, gần 230 triệu đồng/hộ chia sẻ: “Đợt trước nhận một nửa, lần này nhận thêm 115 triệu đồng, tui dành hết vào việc đầu tư nhiên liệu, thu mua hải sản trên biển cho ngư dân. Mấy tháng nay, các hoạt động khai thác, thu mua hải sản trở lại bình thường, cộng với việc nhận được tiền bồi thường thiệt hại nên người dân ai cũng phấn khởi”.

Chi trả tiền bồi thường cho người dân Quảng Ngạn

Chủ tịch UBND xã Lộc Trì, ông Cái Trọng Như cho biết, sau khi rà soát, bổ sung, trên địa bàn xã có 90 đối tượng là chủ tàu, người lao động đánh bắt, dịch vụ hậu cần, thu mua hải sản trên biển được bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển với tổng kinh phí 5,1 tỷ đồng. Đợt 1, các hộ đã nhận một nửa số tiền bồi thường theo quy định. "Quá trình chi trả tiền đợt trước, cũng như lần này, chính quyền địa phương không nhận bất kỳ đơn thư, ý kiến khiếu nại nào từ người dân. Một nửa kinh phí còn lại, chúng tôi bắt đầu chi trả từ ngày 11/4 và hoàn thành một vài ngày đến", ông Như nói.

Đối với các đối tượng khai thác trên đầm phá theo Quyết định 309 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay địa phương đã hoàn thành công tác rà soát, thống kê và niêm yết danh sách tại các thôn, trụ sở UBND xã. Theo đó, toàn xã có 170 thuyền lắp máy, 60 thuyền không lắp máy đánh bắt trên đầm phá, 162 đối tượng nuôi trồng thủy sản được bồi thường với tổng kinh phí 4,3 tỷ đồng. Danh sách này cũng đã được trình lên UBND huyện Phú Lộc, chờ phê duyệt. Từ khi niêm yết danh sách đến nay, hầu hết người dân đều đồng tình. Chỉ một số ít đối tượng có ý kiến, nguyện vọng đang được chính quyền địa phương rà soát, xem xét, nếu đủ điều kiện theo quy định sẽ bổ sung nhằm đảm bảo quyền lợi.

Các xã Điền Hòa, Phong Hải (Phong Điền)... từng nhận hàng ngàn đơn thư khiếu nại, kiến nghị trong quá trình triển khai chi trả tiền bồi thường đợt 1. Sau khi được điều chỉnh mức bồi thường, bổ sung các đối tượng thì trong đợt 2 và đợt 3 này, các địa phương chưa nhận một ý kiến, khiếu nại nào từ người dân.

Ông Nguyễn Đăng Phúc, Chủ tịch UBND xã Điền Hòa cho biết, địa phương có hai thôn ở vùng biển, phần lớn các hộ làm nghề đánh bắt, thu mua, chế biến hải sản đều được đưa vào diện bồi thường. Theo Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ thì các hộ dân được bồi thường là hoàn toàn chính đáng.

Ông Phan Khánh, Chủ tịch UBND xã Phong Hải nói: "Từ khi triển khai chi trả tiền bồi thường đợt 1 đến nay, hầu như ngày nào cán bộ cũng đến tuyên truyền, vận động tận hộ gia đình, hoặc thông qua hệ thống truyền thanh nên người dân đã hiểu rõ quy định của Chính phủ, tỉnh và các cấp, ngành về đối tượng, định mức bồi thường. Địa phương không tiếp nhận bất kỳ một đơn thư, hay ý kiến khiếu nại nào. Đợt 1, người dân đã nhận 50% số tiền bồi thường; đợt 2 vừa qua chi trả thêm một nửa trong 50% còn lại, một nửa sẽ chi trả trong tháng 4 này".

Tổng kinh phí bồi thường thiệt hại toàn tỉnh đã được phê duyệt là 680,76 tỷ đồng cho 20.018 đối tượng. Chính phủ đã cấp cho tỉnh 680 tỷ đồng và đã phân bổ về các huyện, thị xã. Các địa phương đã chi trả đợt 1 và 2 với khoảng 500 tỷ đồng cho 18.162 đối tượng, đạt 90%; hiện đang tiến hành chi trả đợt 3... Dự ước tổng kinh phí bồi thường thiệt hại do sự cố môi trường biển toàn tỉnh khoảng 900 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Cho thông tin: "Việc người dân khiếu kiện trong các đợt chi trả tiền bồi thường vừa qua là do chưa hiểu rõ các quy định về đối tượng, cũng như mức bồi thường theo Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều hộ không làm nghề biển, hoặc đi làm ăn xa quê, sinh viên cũng yêu cầu được bồi thường. Một số địa phương đưa cán bộ xã vào diện bồi thường nên dân khiếu nại. Mặt khác, do Trung ương chưa cấp đủ kinh phí nên đợt chi trả thứ hai phải chia làm hai đợt, tức đợt một đã bồi thường 50%, một nửa còn lại chia ra hai đợt; nhưng do người dân chưa hiểu rõ dẫn đến khiếu kiện. Lãnh đạo huyện nhiều lần về tận các địa phương, tổ chức họp dân để giải thích làm rõ; từ đó đó bà con "đã thông tư tưởng", đồng lòng, ủng hộ các quy định của cấp trên. Các hộ nhận được bồi thường rất phấn khởi, các hộ không thuộc đối tượng bồi thường cũng vui vẻ".

Theo ông Nguyễn Đình Đức, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, đợt chi trả lần 2 phải chia ra hai đợt do hai lần trước Trung ương tạm cấp cho tỉnh 600 tỷ đồng, như vậy vẫn còn thiếu 80 tỷ đồng theo phê duyệt tổng mức bồi thường toàn tỉnh là 680 tỷ đồng. Mới đây, Trung ương đã cấp thêm 80 tỷ đồng, đủ để chi trả bồi thường cho người dân như đã phê duyệt và các địa phương đang tiến hành chi trả đợt 3. Đến nay toàn tỉnh đã tiến hành chi trả tiền bồi thường cho 18.162/20.018 đối tượng theo Quyết định 1880 của Thủ tướng Chính phủ. Với người dân vùng biển, công tác chi trả đợt 3 là đợt cuối cùng và sẽ dứt điểm trong tháng 4. Các xã Lộc Trì, Vinh Hải (Phú Lộc) là các địa phương đầu tiên bắt đầu chi trả đợt 3 vào ngày 11/4; các huyện, thị xã khác sẽ tiến hành chi trả trong vài ngày đến.

Riêng đối với diện vùng đầm phá theo Quyết định 309 của Thủ tướng Chính phủ, các huyện, thị xã đang rà soát đối tượng, thống kê và niêm yết công khai danh sách; sau đó trình tỉnh thẩm định, phê duyệt định mức, đề xuất Chính phủ cấp kinh phí bồi thường. Dự kiến trong tháng 6 sẽ triển khai chi trả tiền bồi thường cho đối tượng vùng đầm phá.

Bài, ảnh: Hải Triều

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận

Việc đầu tư nâng cấp khu neo đậu, tránh bão xã Phú Thuận (Phú Vang) nhằm phục vụ sản xuất cho ngư dân trên địa bàn và các vùng lân cận là vô cùng bức thiết, khi âu thuyền này đã xuống cấp nhiều năm.

Sớm nâng cấp âu thuyền Phú Thuận
Ngư dân Phú Hải xuất quân vươn khơi

Lễ xuất quân đánh bắt thủy sản năm 2024 của ngư dân xã Phú Hải diễn ra vào sáng 27/2, khởi đầu cho một năm mới làm ăn trên biển, cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu.

Ngư dân Phú Hải xuất quân vươn khơi
Chi trả gần 35 tỷ đồng từ nguồn ERPA

Từ nguồn ERPA (thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính Bắc Trung bộ) những tháng đầu năm nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh (BV&PTR) đã chi trả năm 2023 cho các chủ rừng, UBND cấp xã và các tổ chức khác được Nhà nước giao quản lý rừng tự nhiên với tổng kinh phí gần 35 tỷ đồng.

Chi trả gần 35 tỷ đồng từ nguồn ERPA

TIN MỚI

Return to top