ClockThứ Ba, 29/03/2022 10:12

“Chỉ vài ngày là xong”

TTH - Hiện nay ở Thừa Thiên Huế số ca nhiễm COVID-19 có chiều hướng tăng, chủ yếu là biến chủng mới Omicron. Nhiều người cho rằng, biến chủng này nhẹ, "chỉ vài ngày là xong" nên có tâm lý chủ quan phòng dịch.

Hậu COVID-19 khó lường, cần nâng cao ý thức phòng bệnh hơn trị bệnhDoanh nghiệp dệt may tìm cách ứng phó khi lao động nhiễm COVID-19 tăng

Khi nghe bạn bè chia sẻ biến chủng Omicron làm cho bệnh nhân mắc COVID-19 rất nhẹ, "chỉ vài ngày là xong", chị NTH. ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền) rất chủ quan với cách phòng dịch sau thời điểm Tết Nhâm Dần. Hậu quả vừa rồi chị H. dính COVID-19, với đủ các triệu chứng sốt cao, khó thở, mệt mỏi… Chị H. thông tin, dù đã test kết quả âm tính với COVID-19, nhưng sức khỏe chị chưa hồi phục như trước. Khi đến bệnh viện khám gặp rất nhiều trường hợp đến khám, điều trị di chứng liên quan đến phổi và sang chấn tâm lý sau nhiễm COVID-19 có biểu hiện khá giống chị. Chị H. bày tỏ tiếc nuối, không biết bao giờ sức khỏe mới phục hồi được như trước, nếu trước đây bản thân không chủ quan thì đâu đến nỗi phải băn khoăn như bây giờ.

Nhiều bạn bè và đồng nghiệp chia sẻ, khi bị nhiễm COVID-19 dù không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nặng hay nhẹ cũng từng gặp phải "hội chứng COVID-19 kéo dài" hoặc "hội chứng hậu COVID-19" với nhiều tác động xấu đến sức khỏe, như khó thở, bị hụt hơi, thường xuyên đau đầu, mệt mỏi... Hơn nữa, khi nhiễm bệnh phải tốn thời gian cách ly điều trị, ảnh hưởng cuộc sống công việc sinh hoạt gia đình, tập thể.

Một bác sĩ công tác tại BV Trung ương Huế, Cơ sở 2 chia sẻ, hiện nay việc tiêm ngừa vắc-xin đã được bao phủ diện rộng, nhưng dù đã tiêm đủ 3 mũi thì người mắc cũng có thể lây lan cho người khác khi tiếp xúc. Lo nhất là những người bị nhiễm thuộc diện có bệnh nền, người già, người suy giảm miễn dịch... thì khả năng bệnh chuyển nặng, nguy cơ tử vong sẽ rất cao. Bác sĩ này khuyến cáo, mọi người phải nâng cao ý thức phòng dịch không được chủ quan. Gần đây, khá nhiều thông tin trên báo chí cho rằng, tình trạng nhiều bệnh nhân mắc các chứng bệnh hậu COVID-19 phải điều trị lâu dài, khiến cho chất lượng cuộc sống giảm sút… Vì vậy, việc phòng ngừa COVID-19 khi đã tiêm đủ 3 mũi vắc-xin cũng phải tuân thủ nguyên tắc 5K mới được xem là giải pháp tối ưu trong thời điểm hiện nay và nhằm hạn chế đến mức thấp nhất khả năng lây nhiễm bệnh.

Hiện nay, mọi người không nên quá lo ngại dịch COVID-19, nhưng điều đó không có nghĩa là được phép chủ quan. Nhiều người vẫn giữ quan điểm, với biến chủng Omicron "chỉ dính vài ngày là xong" rồi lơ là việc tuân thủ biện pháp 5K là không đúng. Mọi người cần nâng cao ý thức phòng dịch để giữ gìn sức khỏe cho bản thân và những người xung quanh. Khi có sức khỏe tốt mọi người mới có thể làm việc hiệu quả, chất lượng cuộc sống tốt hơn.

Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Phú Vang cho rằng, cần chấn chỉnh lối suy nghĩ chủ quan, sai lầm xem việc nhiễm COVID-19 là "trước sau gì cũng bị" "bị vài ngày là xong" hoặc xem vắc-xin là “bùa hộ mệnh” đã tiêm đủ 3 mũi rồi thì không lo bệnh. Đây chính là một trong những tác nhân làm gia tăng số ca nhiễm mới trong cộng đồng thời gian gần đây.

Tình trạng chủ quan, lơ là, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định đang diễn ra hằng ngày, rất dễ bắt gặp ở nhiều nơi, nhất là ở trung tâm thương mại, khu chợ, hàng quán ăn uống... Việc sát khuẩn tay, khai báo y tế, giữ khoảng cách... nhiều người “quên” thực hiện và cũng ít ai nhắc nhở. Thậm chí, không ít người rất vô tư mở khẩu trang khi giao tiếp.

Ông Nguyễn Phương Huy, Phó Trưởng phòng Truyền thông - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho rằng, bên cạnh thực hiện kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan chức năng cần tăng cường truyền thông nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động các biện pháp phòng, chống dịch…

Song Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top