ClockThứ Bảy, 02/12/2017 05:53

Chia sẻ thông tin các hồ chứa trong cắt - giảm lũ

TTH - Do ảnh hưởng hoàn lưu các cơn bão, mưa lớn, không khí lạnh kết hợp triều cường, trong tháng 11, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi hoạt động hết công suất buộc phải xả về hạ du một lượng nước lớn, gây nên những trận lũ liên tiếp. Để hiểu rõ hơn nguyên nhân cũng như biện pháp khắc phục trong thời gian tới, Thừa Thiên Huế Cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh. Ông Phan Thanh Hùng cho biết:

Mưa lụt & nỗi lo phố cổBig C Việt Nam và Central Group Việt Nam tặng 150 phần quà hỗ trợ người dân khắc phục bão lụtTrao quà cho người dân bị thiệt hại do lũ lụtHỗ trợ người dân vùng ngập lụtSau bão là lụt lớn

Ông Phan Thanh Hùng, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh

Ngày 30/12/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2482 về quy trình vận hành liên hồ chứa gồm, hồ Tả Trạch, Bình Điền, Hương Điền, A Lưới và đập Thảo Long, quy định cụ thể việc điều tiết, chức năng, nhiệm vụ các chủ hồ đập, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh và các bên liên quan áp dụng cho mùa lũ và mùa kiệt hàng năm. Từng hồ cũng có quy trình vận hành riêng, như hồ Tả Trạch vận hành theo Quyết định 3955 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các hồ khác thì vận hành đơn hồ do Bộ Công thương phê duyệt.

Ông đánh giá như thế nào về quy trình vận hành điều tiết, xả lũ trong thời gian qua?

Từ ngày 19-25/11, lượng mưa lớn đã tạo ra 3,36 tỷ m3 nước. Các hồ Bình Điền, Hương Điền và Tả Trạch giữ lại 542 triệu m3 nước trong hồ, xả về hạ lưu 2,804 tỷ m3 nước.

Theo tính toán, riêng tháng 11, lượng nước chiếm gần 50% tổng lượng nước cả năm của Thừa Thiên Huế. Cụ thể, lượng mưa trong tháng 11 là 1.696mm, đạt 280%, trong khi trung bình mọi năm chỉ 600mm. Với quy trình vận hành các hồ chứa đã góp phần giảm lũ cho hạ du và cắt một phần đỉnh lũ.

Trong giai đoạn cao điểm lũ từ 3-5/11, tổng lượng nước đến 3 hồ chứa là 1,029 tỷ m3 nước, các hồ giữ lại 522 triệu m3 và xả về hạ du 507 triệu m3. Nhờ vậy, đỉnh lũ tại sông Hương tối 5/11 đã giảm gần 60cm; sông Bồ giảm 35cm. Ở nhánh sông Bồ, 3h ngày 5/11 nước lũ 7.600m3/s, hồ Hương Điền xả về hạ du 4.800m3/s và đã cắt đỉnh lũ.

Cũng trong đợt này lượng mưa tại A Lưới khoảng 1.000mm; đối với sông Hương thông qua hồ chứa Tả Trạch và Bình Điền, lũ về trên 5.000m3/s; phía Tả Trạch chỉ xả về hạ du 1.500m3/s; hồ Bình Điền lúc cao điểm xả khoảng 3.500m3/s nên đỉnh lũ tại sông Hương giảm nhiều.

Ngập dài ngày ở các vùng hạ du có liên quan gì đến xả lũ của các công trình thủy điện, thủy lợi, thưa ông?

Ngập dài ngày hạ du liên quan đến 2 vấn đề: lượng mưa quá lớn và yếu tố địa hình. Ngoài ra, việc quy hoạch hệ thống cấp thoát nước chưa hoàn chỉnh, các công trình đang thi công dở dang.

Việc thoát lũ ở hạ du còn chậm do ảnh hưởng của triều cường. Thoát lũ trên sông Hương tương đối tốt, bởi mặt cắt sông rộng, từ 300-400m. Sông Bồ thoát lũ chậm do sông uốn cong và mặt cắt hẹp, từ 150-200m, các nhánh thoát lũ trên sông cũng đã bị bồi lắng.

Hệ thống cốt nền, hệ thống thoát ở các khu đô thị cũng cần bổ sung. Hệ thống đường, cống thoát nước vẫn còn hạn chế, khẩu độ thoát chưa đáp ứng. Cửa Thuận An và Tư Hiền hẹp do bồi lấp nên thoát nước có hạn chế. Một số địa phương nằm ở vùng trũng nên thường xuyên nằm trong tình trạng sống chung với lũ.

Việc kiểm tra, giám sát điều tiết xả lũ ở các hồ chứa được triển khai như thế nào? Các chủ hồ có thực hiện đúng yêu cầu và quy trình vận hành liên hồ hay không, thưa ông?

Không chỉ có lũ chúng tôi mới kiểm tra; trước, trong và sau mùa mưa bão đều có kiểm tra, giám sát, đánh giá của các sở, ban, ngành liên quan. Các hồ sử dụng hệ thống camera để cung cấp thông tin mực nước về hồ, lưu lượng đến, lưu lượng đi, quá trình mở van... đến với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.

Vừa qua, lần đầu tiên chúng tôi chia sẻ tất cả các thông số giữa các hồ để biết những hoạt động của nhau; trao đổi nghiệp vụ bằng báo cáo, đồng thời các địa phương phải có báo cáo về Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Chúng tôi cũng trực tiếp kiểm tra đột xuất về công tác chuẩn bị ứng phó lũ như thế nào.

Trong 3 năm qua, các hồ đập đều vận hành theo quy trình vận hành liên hồ và được giám sát chặt chẽ. Các chủ hồ cũng thực hiện nghiêm túc các lệnh vận hành và thông tin gửi về cho các địa phương vùng hạ lưu.

Ông có thể chia sẻ một số khó khăn trong việc ứng phó với mưa lũ hiện nay? Biện pháp khắc phục những khó khăn đó như thế nào?

Địa hình Thừa Thừa Thiên Huế ngắn và dốc, lũ tập trung nhanh. Biến đổi khí hậu, mưa ngày càng cực đoan, lũ dồn dập và yếu tố triều cường khi có gió mùa ảnh hưởng đến việc thoát lũ. Điều này thể hiện qua đợt lũ từ 3-9/11, thời kỳ này triều rất cường, tại đập Thảo Long cao trình +1,9m, trong khi bình thường chỉ từ 0,3-0,5m.

Hiện nay, số lượng trạm khí tượng thủy văn thưa, khoảng 1.800 km2 mới có 1 trạm, trong khi các nước phát triển khá bình quân 400km2 đã có 1 trạm. Vùng ven biển Thừa Thiên Huế có chiều dài 127km2 và 20.000 ha đầm phá nhưng không có trạm khí tượng, hải văn. Cách đây 1 tháng, thông qua dự án WB5 của Ngân hàng Thế giới, chúng ta mới lắp được một trạm khí tượng đo gió, nhiệt độ, độ ẩm và mưa đặt tại Hải đội 2 (thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang). Ngành khí tượng thủy văn tỉnh đang quản lý 6 trạm cơ bản gồm 3 trạm khí tượng, 3 trạm thủy văn. Các nhà máy thủy điện, chủ đập cũng bố trí 14 trạm cộng trạm đo nhân dân và của tỉnh. Mạng lưới trạm khí tượng thủy văn mỏng nên việc theo dõi diễn biến mưa ở lưu vực lớn khó khăn.

Để khắc phục, chúng tôi cũng đã đầu tư hệ thống cảnh báo thông qua các dự án ODA của Bộ Tài Nguyên và Môi trường quản lý; Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh cũng được nâng cấp, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cũng được xây dựng cơ sở mới để kiểm soát thông tin liên lạc.

Đối với những đợt mưa lũ diễn biến phức tạp, chúng tôi và các chủ hồ, đập phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh thường xuyên rà soát xây dựng kịch bản, kế hoạch điều tiết, bám theo diễn biến của mưa lũ, cứ 15 phút cập nhật thông tin một lần để có thể xử lý những tình huống kịp thời. Đồng thời, xin ý kiến của lãnh đạo tỉnh, Bộ NN&PTNT phân tích các mô hình, phần mềm dự báo, trao đổi với những người có kinh nghiệm về vấn đề vận hành.

Thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện việc triển khai áp dụng các quy chế bão, áp thấp nhiệt đới đúng quy định; phối hợp với các cơ quan truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng; thực hiện chiến lược giảm nhẹ thiên tai của tỉnh từ nay đến 2020; đề nghị Chính phủ, Bộ NN&PTNT tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, bổ sung mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; hoàn thiện hệ thống cảnh báo; lắp đặt các hệ thống quan trắc ở các khu vực hồ chứa, vùng hạ du… Chúng tôi cũng đang chạy thử nghiệm trang mạng xã hội facebook đưa thông tin mưa lũ đến người dân, hiện đang chờ UBND tỉnh quyết định trước khi cho chạy chính thức.

Được biết, hiện Chính phủ Nhật Bản tài trợ dự án “Vận hành hồ chứa trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin quản lý thiên tai toàn diện cho Thừa Thiên Huế?

Dự án này đã được Bộ trưởng Bộ NN&PTNT phê duyệt tại Quyết định số 2160/QĐ-BNN-HTQT ngày 30/5/2017, được thực hiện tại Thừa Thiên Huế và TP. Hà Nội trong thời gian 36 tháng (từ năm 2017-2020) gồm 6 hợp phần, với tổng vốn trên 18 triệu USD.

Mục tiêu cụ thể là thiết lập hệ thống vận hành và quản lý đối với 3 đập lớn đang hoạt động (Bình Điền, Hương Điền và Tả Trạch) kết hợp với việc phòng, chống thiên tai tại lưu vực trên sông Hương; thiết lập mạng lưới thông tin phòng, chống thiên tai toàn diện và các biện pháp dự báo, cảnh báo khẩn cấp thích hợp trên sông Hương; hoàn chỉnh quy trình vận hành hồ chứa trên lưu vực sông Hương, tạo công cụ hỗ trợ ra quyết định cho các cơ quan quản lý.

Về thông tin đề xuất thành lập nhóm xử lý tình huống, ông cho biết cụ thể về những hoạt động và cơ chế của nhóm này?

Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT&TKCN có đề nghị với các tỉnh thành lập các tổ tư vấn hoặc chọn các đơn vị tư vấn để giúp công tác vận hành tốt hơn. Đối với Thừa Thiên Huế, hồ chứa và các sông ngắn và dốc, thời gian truyền lũ rất nhanh và lưới trạm khí tượng lại thưa nên việc vận hành dựa vào đơn vị tư vấn ở xa thì khả năng không đáp ứng được. Do vậy, việc lựa chọn đơn vị tư vấn gặp khó khăn.

Chúng tôi đã xin ý kiến của tỉnh và các đơn vị liên quan, đang đề xuất trong thời gian tới sẽ hình thành các nhóm xử lý khẩn cấp, phân tích, hỗ trợ ra quyết định, tham mưu cho UBND tỉnh và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh trong tình huống lũ khẩn cấp, lũ lớn. Theo đó, liên kết với Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Công ty TNHH NN MTV Quản lý-Khai thác công trình thủy lợi tỉnh để phối hợp phân tích giai đoạn, tình huống, tình thế đã hình thành. Ngoài ra, có thể mời một số chuyên gia cùng trao đổi, các chủ đập, chủ hồ cũng tham gia, và tranh thủ ý kiến chỉ đạo của cấp trên, trao đổi bằng cách trực tuyến; trên cơ sở đó đưa ra các tình huống kịch bản.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

HẢI TRIỀU - LÊ THỌ (Thực hiện)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính

Tăng hiểu biết cho người dân, nhất là đối tượng người yếu thế, người già, phụ nữ, các đối tượng chính sách, người dân vùng sâu, vùng xa… về tài chính không chỉ tăng khả năng tiếp cận tín dụng giúp họ độc lập trong phát triển kinh tế, mà còn giảm thiểu được những rủi ro tài chính, nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính.

Giảm thiểu nguy cơ mất an toàn trong tiếp cận thông tin tài chính
Return to top