ClockThứ Ba, 05/04/2016 06:03

Chia sẻ tình thương, nâng bước em đến trường

TTH - Phong trào “Nâng bước em đến trường” của Đoàn KT-QP 92 đã có sự lan tỏa và nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các cơ quan, đơn vị

Trở lại Khu Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) A So, thuộc huyện miền núi A Lưới, chúng tôi đến thăm gia đình chị Ra Pát Thị Nhên, dân tộc Tà Ôi, ở thôn A Ror, xã A Đớt, một trong những hộ gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Căn nhà cấp 4 được hỗ trợ xây dựng theo Chương trình 135 của Chính phủ nằm nép mình phía cuối thôn là nơi tá túc của ba mẹ con chị Nhên. Tài sản trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc giường đã cũ rách, chiếc bàn xiêu vẹo và mấy thứ đồ dùng gia dụng đã hoen màu thời gian.

Đại tá Nguyễn Trọng Phương, Chính ủy Đoàn KT-QP 92 (Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế) trao xe đạp cho cháu Trần Văn Hưng, Học sinh lớp 10 thuộc xã A Đớt. 

Hoàn cảnh gia đình chị Ra Pát Thị Nhên thuộc diện đặc biệt khó khăn. Chồng chị mắc bệnh tiểu đường biến chứng đã gần 10 năm. Gia sản, tiền của trong gia đình cứ thế ra đi theo mỗi lần đưa chồng vào nhập viện điều trị, thuốc thang. Nhưng rồi bệnh tình của anh mỗi lúc một nặng thêm. Đầu năm 2015, anh bỏ mẹ con chị ra đi. Tâm sự với chúng tôi mà lòng chị nghẹn đắng. Nước mắt cứ chực tuôn chảy trên khóe mắt vốn đã hằn lên những nếp nhăn của thời gian và sự khó khăn, cực nhọc. Chị Nhên kể: Biết hoàn cảnh gia đình tôi, các anh bộ đội Đoàn KT-QP 92, nhất là “bác Phương Chính ủy” đã nhận đỡ đầu, hỗ trợ, giúp đỡ các cháu tiền mua sách vở, giấy bút và tặng một chiếc xe đạp để hai cháu tiếp tục đến trường học cái chữ mà không phải bỏ học giữa chừng. Mẹ con tui biết ơn bộ đội Đoàn KT-QP 92 nhiều lắm...”!

Chia tay gia đình chị Nhên, chúng tôi đến Trường mầm non A Đớt để tìm hiểu về phong trào “Nâng bước em đến trường” mà Đoàn KT-QP 92 triển khai. Trao đổi với Ban giám hiệu nhà trường, chúng tôi được biết, học sinh ở đây đa số là con em đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, có 4 cháu có hoàn cảnh gia đình diện đặc biệt khó khăn, trong đó có cháu Viên Thị Khánh Lân, con gái anh Viên Văn Miên, dân tộc Tà Ôi, ở thôn A Ror, xã A Đớt. Biết được hoàn cảnh của gia đình cháu Lân, Chi bộ Ban Hành chính, Đoàn KT-QP 92 đã nhận đỡ đầu bằng việc mỗi cán bộ, đảng viên quyên góp, hỗ trợ tiền ăn bán trú 308.000 đồng/tháng; tiền học phí 150.000 đồng và sinh hoạt phí 285.000/năm. Vào dịp đầu năm học mới, cơ quan còn trích quỹ mua cặp, sách vở, bút... tặng cháu đi học.

Phong trào “Nâng bước em đến trường” của Đoàn KT-QP 92 đã có sự lan tỏa và nhận được sự quan tâm hưởng ứng của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, nhờ đó đã giúp các gia đình thuộc diện hộ nghèo vơi bớt khó khăn trong việc nuôi con ăn học. Trong thời gian tới, trường sẽ tiếp tục khảo sát hoàn cảnh gia đình các cháu trong độ tuổi để đề nghị Đoàn KT-QP 92 và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn nhận đỡ đầu hỗ trợ các cháu cả vật chất và tinh thần. Tất cả vì tương lai con trẻ...” - cô Cái Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ

Được biết, phong trào đỡ đầu các học sinh nghèo vượt khó, vươn lên trong học tập trên địa bàn 5 xã vùng dự án là một trong những bước cụ thể hóa nội dung mô hình “Chi bộ và đảng viên đỡ đầu hộ nghèo” mà Đảng ủy Đoàn KT-QP 92 phát động từ năm 2013. Theo đó, Đảng ủy Đoàn KT-QP 92 đã chỉ đạo chi bộ các cơ quan, đội sản xuất phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiến hành khảo sát địa bàn, xác định đối tượng để xây dựng kế hoạch nhận “đỡ đầu” cụ thể. Các chi bộ và từng cán bộ, đảng viên đăng ký nội dung, phương thức, thời gian nhận đỡ đầu một học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, sát với yêu cầu nhiệm vụ đơn vị.

Từ khi triển khai phong trào “Nâng bước em đến trường” đến nay, Đảng bộ Đoàn KT-QP 92 đã có 4/6 chi bộ và 3 cán bộ, đảng viên nhận đỡ đầu 4 học sinh là con các gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn (1 cháu học lớp 10; 1 cháu học lớp 6; 2 cháu học mầm non). Riêng đồng chí Chính ủy Đoàn và 2 đảng viên của Chi bộ Ban Hành chính đã quyên góp tiền mua thêm một chiếc xe đạp, cặp, sách vở, bút tặng cháu Trần Văn Hưng, thôn A Ror, xã A Đớt... Ngoài ra, Đồn biên phòng Cửa khẩu A Đớt cũng nhận đỡ đầu 2 cháu của Trường mầm non A Đớt và Trường Tiểu học A Đớt. Riêng cô Cái Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường mầm non A Đớt, mỗi tháng trích lương của mình để ủng hộ cho 2 cháu trong trường, mỗi suất trị giá 150.000 đồng.

Đại tá Nguyễn Trọng Phương, Chính ủy Đoàn KT-QP 92 cho biết thêm, thời gian tới, Đảng ủy, Chỉ huy Đoàn sẽ phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban ngành đoàn thể địa phương, nhà trường và các đơn vị đứng chân trên địa bàn tiếp tục rà soát kỹ hoàn cảnh từng hộ gia đình và các cháu trong độ tuổi đến trường. Trên cơ sở đó, tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy, chi bộ đăng ký nhận đỡ đầu những trường hợp học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cho đến khi các em vào đại học, cao đẳng. Tuy giá trị về vật chất không lớn, nhưng việc làm của mỗi cán bộ, đảng viên là sự sẻ chia, giúp đỡ những học sinh có hoàn cảnh kém may mắn được đến trường học cái chữ. Đây cũng là nét nhân văn, một nghĩa cử để chia sẻ tình thương, nâng bước em đến trường, góp phần tô thắm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong lòng Nhân dân nơi miền biên viễn.

Bài, ảnh: LÊ XUÂN LIỆU

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đọng lại là niềm vui và tình thương

Đó là trải lòng của nữ bác sĩ đa khoa (BSĐK) Nguyễn Thị Nga, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hương Xuân, Nam Đông sau hơn 30 năm khoác trên mình chiếc áo blouse trắng.

Đọng lại là niềm vui và tình thương
Tình thân ở HTX Tình thương

Không chỉ là nơi gia công, sản xuất các mặt hàng thủ công, Hợp tác xã (HTX) Tình thương (Phong Điền) đã trở thành mái nhà thứ hai ấm áp của nhiều lao động là người mù, người khiếm thị và người khuyết tật.

Tình thân ở HTX Tình thương
Return to top