ClockThứ Bảy, 18/05/2019 19:21

Chiếc ghế cạnh bảo tàng

TTH - Nắng đổ vàng hun nóng những ngôi biệt thự kiểu Pháp dọc bờ sông Hương. Những hàng cây muối, long não xanh và xanh hơn nữa như để làm dịu bớt màu chói chang của mặt trời.

Chỉ là chiếc ghế đá màu xám như thường thấy ở sân ga, dọc bờ sông dưới những tán cây xanh hay trên lối đi bộ trong những công viên thành phố. Nó là chiếc ghế với những đốm hoa đá liu xíu như ai vừa hái trong khu vườn thảo mộc rắc lên lớp thời gian đông cứng. Dông dài cũng chỉ là chiếc ghế nghỉ chân trên con đường thăm thẳm, hành trình kiếm tìm mỏi mệt của đời người.

Mùa hè Huế không đợi đến tháng năm.

Nắng đổ vàng hun nóng những ngôi biệt thự kiểu Pháp dọc bờ sông Hương. Những hàng cây muối, long não xanh và xanh hơn nữa như để làm dịu bớt màu chói chang của mặt trời.

Thành phố bên bờ sông này dịu dàng, mềm mại biết bao!

Nếu hôm ấy ta bước qua khu vườn cạnh bờ sông, dưới bóng hàng cọ mùa xuân rất xanh, khu vườn công viên với cây ngô đồng trổ bông mê mải và những tán long não nghiêng đầu trăm năm cũ thì em đã chỉ cho anh chiếc ghế. Màu trầm của nó như sự nhẫn nhịn của người hiểu chuyện. Mặc mưa hay nắng xuân hạ -  thu đông nó vẫn ở đó, như những bức tượng trong bảo tàng kia, im lặng.

Thành phố đang mùa lễ hội. Em xa lạ với sự rộn ràng của phố. Thành phố này cũng xa lạ với sự rộn ràng của màu sắc âm thanh và những náo nhiệt như cơn sốt chuyển mùa. Dòng sông ở đó. Mềm và thơm uốn quanh, thật may mắn vì nó luôn ở đó, êm đềm trôi chảy làm dịu những cơn khát.

Anh nói đến mùa xuân sẽ về. Em không đợi hay mỗi ngày em vẫn ngóng, chỉ có dòng sông mới biết. Sông như mặt gương trong, soi thấu những long lanh trên mắt, những hao gầy của làn da, những âm thầm sóng cuộn trong im lặng. Ở đây, trên chiếc ghế này, chỉ nghiêng đầu là chúng ta gặp sông. Những hàng cây không là ngăn cách, chúng ở đó để nhắc ta rằng, đôi khi, chúng ta luôn phải vượt qua dù một hành lang, một hàng cây hay những giờ bay để tìm và gặp.

Dưới chân em là cỏ hoa mùa hạ. Em nhắc cho anh nhớ mùi rau thơm ngò quế trong những khu vườn Huế. Bông bí, bông bầu, mướp ngọt, lá dứa thơm những mùi hương thiệt Huế cho những bữa cơm chay. Và sen. Thật lạ, gió đưa mùi sen từ Thành Nội qua đây hay nước sông Hương chưng cất hương thơm qua đủ bốn mùa... Ngẩng đầu là tán lá xanh sẫm bóng ướt sau cơn mưa rào dưới ánh trăng. Em hẹn hò với bóng đêm, ở đây, như một nghi lễ. Trăng nguyên sơ ngang qua mái ngói bảo tàng. Những pho tượng đứng im. Màu trăng. Màu trắng.

Có tiếng anh vọng về từ xa ngái. Em giữ một chỗ ngồi thật yên bên góc ghế, một góc Huế trầm buồn với màu đêm tím lặng. Ánh sáng từ những ngọn đèn vạch những màu vàng lạc lõng trên cỏ. Như chúng ta gượng một nụ cười nhưng nỗi đau còn đó.

Chỉ vài chục bước chân là tới bờ sông. Nhưng em dừng lại đây, bên mép ghế. Khoảng cách chúng ta là một chỗ ngồi mà tay không chạm tới. Ngoài kia thành phố đang mùa lễ hội. Khu vườn bảo tàng ngập tràn ánh sáng và gió, những ngọn gió tràn qua...

BẠCH DIỆP

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Di chuyển hàng ngàn hiện vật về nơi mới

Hàng chục ngàn hiện vật với rất nhiều chất liệu, kích thước thuộc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế đang được đóng gói một cách cẩn thận chuẩn bị cho việc dời về địa chỉ mới ở số 268 Điện Biên Phủ, TP. Huế.

Di chuyển hàng ngàn hiện vật về nơi mới
Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

“Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Nhà lãnh đạo chiến lược, người chỉ đạo thực tiễn xuất sắc của cách mạng Việt Nam” là nội dung trưng bày chuyên đề do Bảo tàng Lịch sử phối hợp với Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và Phòng giáo dục - Đào tạo huyện Quảng Điền tổ chức tại Trường THCS Ngô Thế Lân sáng 14/3.

Giới thiệu hơn 100 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Du xuân ở bảo tàng

Ngoài các điểm du xuân vui nhộn, trang trí đẹp mắt, những năm gần đây một trong những điểm đến vào dịp Tết Nguyên đán được nhiều người tìm tới đó chính là bảo tàng. Bảo tàng vì thế cũng mở cửa xuyên Tết để phục vụ nhu cầu thưởng lãm nghệ thuật của công chúng.

Du xuân ở bảo tàng
Gửi gắm hiện vật quý cho bảo tàng

Rất nhiều hiện vật trong số hàng chục hiện vật vừa được Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế tiếp nhận từ người tặng được các chuyên đánh giá vô cùng quý hiếm. Những hiện vật ấy là di sản văn hóa gắn liền với vùng đất, con người, đời sống văn hóa, thời kỳ kháng chiến chống quân xâm lược và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của quân và dân Thừa Thiên Huế.

Gửi gắm hiện vật quý cho bảo tàng
Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai: Nghĩ về một bảo tàng

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là vùng nước lợ tầm cỡ thế giới, rộng nhất Đông Nam Á, có giá trị đặc biệt về tài nguyên sinh học và bao điều thú vị về lịch sử, văn hóa... Nó được xem như “viên ngọc sinh học quý” mà tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất Cố đô. Với những gì đang hiển hiện, nên chăng cần xây dựng một không gian trưng bày, hay bảo tàng cho hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai?

Hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai Nghĩ về một bảo tàng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top