ClockChủ Nhật, 19/12/2021 16:35

Chiếc răng đau

Có cả say dễ thươngNắng về bến sông Trai

Bà Lủi ngồi bên mé ruộng trệu trạo nhai cơm. Hạt cơm khô cong queo, lăn đi lăn lại trong khoang miệng. Cơm nấu bằng gạo ruộng từ sáng sớm, để đến trưa thì nguội ngắt. Hồi hàm răng chưa đau, bà nuốt cái vèo là hết cà mèn cơm. Ăn xong còn tranh thủ trải tấm ni - lông lên vạt cỏ ngã lưng cho đỡ mỏi. Chiều còn trở dậy làm đồng. Bữa nay mấy cái răng trở chứng, nghe nhưng nhức. Cơm nuốt chẳng trôi. Bà nghĩ, giá mà sáng nay nhồi cơm làm cơm nắm thì khỏe rồi.

Ngày trước, mỗi lần mang cơm đi ruộng, người quê bà thường nhồi cơm thật nhuyễn. Cơm nóng múc vào miếng mo cau, rồi nhồi đi nhồi lại cho hạt cơm nhuyễn ra, dính vào nhau dẻo kẹo. Đến trưa ăn cơm, dùng dao cắt thành từng lát. Cơm chấm với muối vừng, thơm ngát hương cau. Giờ chẳng còn ai làm cơm mo cau bới ra ruộng. Mà bây giờ, kiếm tàu mo cau chắc chẳng có.

Bà Lủi đậy cà mèn cơm cất vào giỏ. Răng đau quá nuốt không vô. Trưa nay khỏi ngủ. Dễ gì ngủ xuống với cái răng trong miệng. Bà uống ngụm nước chè xanh đựng trong cái chai đã đục ngầu. Nước chè xanh đập thêm miếng gừng nên thơm ngát. Bà xách giỏ đi một vòng lên đồi kiếm vài ngọn lá cây đỏ đọt. Tối về, nấu chén nước ngậm không biết mấy chiếc răng có đỡ nhức.

Ở quê bà, người ta hay ngậm nước nấu từ cây đỏ đọt để chữa nhức răng. Hồi bà còn bé xíu, mỗi lần đau răng, mạ bà thường vội vã chạy ra đồi Âm Hồn hái nắm lá đỏ đọt về sắc lấy nước. Nước nấu đậm đặc, vừa đắng, vừa chát. Ngậm trong miệng, lưỡi như muốn quéo lại, tê dại. Răng có đau nhức cũng chẳng cảm thấy được. Ở làng không có tiệm thuốc. Muốn mua thuốc phải qua bên kia sông. Cả đời bà Lủi chẳng biết nha sĩ là gì. Mỗi khi có răng đau, bà cứ chịu đựng. Chịu đựng mãi rồi cũng quen.

Giống như bà chịu đựng cuộc hôn nhân của mình. Chồng bà, một gã đàn ông ham mê rượu và cờ bạc. Nhớ cái hồi bà dành dụm được ít tiền để đúc lại cái nền nhà. Tiền bà giấu kỹ trong rương gỗ kê dưới đáy giường. Hôm biết ông Hùng mang tất cả tiền nướng vào sòng bạc, lần đầu tiên trong đời bà cầm gậy đuổi theo ông quanh xóm. Chịu đựng nhau mà sống từng ngày, nhưng bà chưa bao giờ nghĩ đến chuyện ly hôn. Ở đây vợ chồng người ta cũng đánh nhau suốt ngày, nhưng chẳng thấy ai ly hôn. Giống bà vậy.

Nắng trưa gay gắt. Bà Lủi len vào vạt tràm trên đồi mới thấy dịu mát đôi chút. Nhưng chỗ ẩm ướt thì muỗi nhiều. Đám muỗi bay ràn ràn, va cả vào mặt bà. Chúng cắn lên tay, lên cổ, lên mặt. Những nốt đỏ tròn vo hiện đầy trên da thịt. Những buổi trưa không ngủ, bà Lủi thường đi vòng quanh hái rau rừng. Rau má, rau riều, rau tàu bay xanh ngắt. Mấy ngày trước có mưa nên đám rau non xèo. Cái thời này, rau rừng vậy mà đắt đỏ.

“Nghỉ trưa đi bà ơi. Già rồi còn làm muốn lở núi, ai chịu nổi”. Lão Mấn thả trâu bên vạt tràm, ngồi nhẩn nha dưới gốc ươi nói với vào. “Dào, có ai cho mình đồng mô. Kiếm được đồng nào hay đồng đấy”. “Thế đám con đi làm ngoài phố, nó chẳng gửi đồng nào về hử”. “Có mà xin thêm”.

Ở làng này, chỉ có lão Mấn là còn trâu. Quanh năm suốt tháng ông đều theo chân trâu. Sáng đánh trâu ra đồng, chiều lại dắt trâu về chuồng. Quanh đi quẩn lại nhiêu đó việc mà hết tháng hết năm. Hồi xưa ông Mấn không giữ trâu mà thả trong núi. Một tháng đôi ba lần mang theo cơm gạo vào núi thăm trâu. Trâu tự kết bầy kết bạn, ăn ở trong núi, rồi sinh con đẻ cái trong núi. Đến lúc bán trâu, thì vào núi dẫn trâu về. Người làng đều nuôi trâu kiểu vậy. Có người vào rừng, chẳng còn nhận ra trâu mình. Rồi trâu nhập đàn với trâu hoang, tìm mãi không thấy. Năm đó trâu ông Mấn bị người ta nhận nhầm, phải kéo nhau ra tòa kiện tụng. Lúc bắt đầu kiện, con trâu bạc nhà ông chỉ mới lớn, đến khi kiện xong thì con của nó đã lớn gần bằng trâu mẹ. Từ đó trở đi, dân làng chẳng còn ai vào núi thả trâu.

Người làng bảo số ông Mấn khổ. Ngày mưa ngày nắng chỉ biết cặm cụi theo đuôi trâu. Tết nhất cũng không nghỉ. Nếu không thả trâu ra đồng, ông cũng cặm cụi đi cắt cỏ về cho trâu. Khi người làng xúng xính mặc áo đẹp sang nhà nhau chúc tết đầu năm, ông Mấn gánh gánh cỏ oằn trên vai nhanh chân bước ngoài đồng về. Làm việc quen rồi, không nghỉ được.

“Thời bây giờ ai còn ngậm lá đỏ đót chữa đau răng bà ơi. Bây giờ đau răng, đi nha sĩ một cái là hết liền hà. Bà xem mấy cái răng tui vừa trồng nè, ăn ngon cơm hẳn. Thứ gì nhai cũng được hết. Ngày trước con Miên cứ kêu tui đi trồng răng mà tui không chịu. Ai già mà chẳng rụng răng, trồng làm chi. Giờ nghĩ lại, biết vậy đi trồng răng từ hồi xửa hồi xưa là sướng rồi. Đâu phải trệu trạo nhai cơm”. Ông Mấn nói khi thấy mấy đọt cây “thuốc giấu” trong chiếc giỏ cói của bà Lủi. “Ui chao, tốn tiền lắm. Tiền bạc lấy đâu ra”. Bà Lủi nói mà giương mắt ngó xa xa trên đồi. Vạt keo nhà bà đã đến lúc thu hoạch. Hay đợt này bà cũng chơi sang. Lấy ra ít tiền bán keo rồi về phố tân trang lại hàm răng. Chứ bà mới hơn sáu mươi tuổi, mà răng cỏ không còn, nhìn hom hem hẳn.

Con gái bà Lủi nhảy chồm chồm lên khi nghe mẹ bảo đi trồng răng. “Già rồi, trồng răng làm chi nữa mạ ơi. Phí cả tiền”. “Nhưng mà răng mạ rụng gần hết, không trồng lấy gì mà nhai cơm”. “Thì xưa giờ mạ ăn răng thì chừ ăn rứa là được rồi”. Vừa nói dứt câu, con Liên đã dẫn xe ra ngõ. Ông chồng thì trợn mắt càu nhàu, già rồi ai mà chẳng rụng răng. Trồng làm chi cho nhọc. Ông Hùng nói khi loạng choạng bước vào cửa.

Bà Lủi ngồi bên hè giặt bộ áo quần vừa đi ruộng về. Vệt sình dính lên lai quần đã bạc màu, vò mãi chẳng ra. Tự dưng bà thấy tủi thân dễ sợ. Trong cái nhà này, dường như chẳng ai quan tâm bà. Chồng bà, cả hai đứa con của bà nữa. Bà đau răng, cơm nuốt không được, vậy mà chẳng thấy ai hỏi han một tiếng. Không biết đến lúc bà ốm liệt giường, có ai để ý bưng cho bà tô cháo. Giá mà hồi đó, bà cũng nhuộm răng đen như mạ bà, chắc giờ chẳng phải chịu cảnh răng đau nhức và rụng gần hết. Hồi nhỏ, ngồi nghe mạ kể cách nhuộm răng mà rùng mình. Cực ghê. Không biết hồi đó mà bà cũng chịu cực, thì giờ có phải hết chịu khổ vì cái răng đau? Nói thì nói vậy, chứ thời bà có ai còn nhuộm răng đen.

Con Liên bảo, dạo này cái răng của nó bị mẻ một miếng mà khó chịu ghê. Chắc phải đi nha sĩ bọc lại cái răng. Mà lương tháng này lỡ tiêu hết. Nó hỏi xin tiền bà Lủi làm răng. “Mạ mới bán vạt keo đó, thiếu gì tiền”. Nó nói với bà như thể chuyện đương nhiên. Hàm răng bà rụng gần hết, kêu nó chở đi làm thì giãy nảy. Mà nó mẻ cái răng chút xíu cũng than thở suốt ngày. Bà bỏ vào buồng nằm. Cơm tối cũng không thèm nấu. Trong bóng chiều nhập nhoạng, chỉ có tiếng muỗi vo ve bay đầy nhà.

Mấy bữa nay cái răng đau đã hết nhức. Bỗng dưng chiều nay nghe con gái nhắc chuyện làm răng, bà lại thấy cái răng bỗng ê ẩm trong vòm miệng. Chỗ  tiền ấy, bà định để sang năm thay lại cái mái nhà. Cái tủ thờ bị mối mọt đục ruỗng sắp sập đến nơi, bà cũng định mua cái mới. Ông bà ngồi ở đó, tối ngày nghe mọt kêu trẹo trẹo, chắc cũng không an giấc. Rồi còn mua giống cây để trồng lại vạt keo mới. Càng nghĩ, bà càng nghe mấy chiếc răng nhưng nhức. Không hiểu sao cơn đau trong miệng vậy mà chạy thẳng vào tim, cứ ê ẩm mãi.

TÚ LINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”

TIN MỚI

Return to top