ClockThứ Sáu, 28/05/2010 06:48

Chiếc ti vi ngày bé

TTH - Hồi tôi còn bé, không phải nhà nào cũng có tivi như bây giờ. Cả xóm tôi, chỉ có duy nhất nhà chú Hóa có tivi. Đêm đêm, mọi nguời đều tập trung ở nhà chú Hóa để tìm những phút giây thư giãn cuối ngày.

Nhà chú Hóa nhỏ, xóm tôi lại đông, thế nên chiếc tivi bao giờ cũng được đem ra để ở ngoài mái hiên. Ngay từ buổi chiều, o Lê (vợ chú Hóa) đã lau chùi mái hiên sạch sẽ để “phục vụ” bà con láng giềng. 

Sau khi ăn tối xong, mọi người í ới gọi nhau đi xem tivi. Đám trẻ con chúng tôi mong chờ nhất là giây phút này. Cả ngày bù đầu vào sách vở, chúng tôi chỉ mong buổi tối mau đến để được gặp nhau, bày trò chơi. Trong lúc chờ đợi đến giờ chiếu phim, người lớn thì tâm sự, bàn chuyện công việc. Riêng lũ trẻ chúng tôi rủ nhau ra đồng chơi trò đánh trận giả. 

Mặc dù đã được tắm rửa sạch sẽ, chúng tôi vẫn không ngại ngần lăn tròn trên những đống rơm cao ngất ngưỡng. Chúng tôi còn rủ nhau đi đánh trận thi với tụi trẻ con xóm khác. Tiếng la hét, cười đùa ầm ĩ cả một khoảng không gian làng quê bình yên.

Ham chơi là thế nhưng chỉ cần đúng giờ có phim là chúng tôi “3 chân 4 cẳng” chạy về xem. Ngày xưa, được xem một bộ phim hay không dễ. Vì vậy, bất kể là phim gì mọi người cũng xem một cách say mê. Ai cũng im lặng dõi theo từng chi tiết. Đến những đoạn phim cảm động, người lớn sụt sùi, lũ trẻ con chúng tôi cũng òa khóc theo…

Tôi còn nhớ như in những ngày mùa đông lạnh giá. Buổi chiều, sau giờ học, lũ trẻ con chúng tôi đội mưa đi nhổ sắn về rồi hì hụi mài làm bánh. Tất cả được chúng tôi chuẩn bị để buổi tối mọi người vừa xem tivi vừa thưởng thức những chiếc bánh nóng hổi. Có khi chúng tôi còn xin bố mẹ tiền, góp lại, làm bánh lọc, bánh ram ít, nấu chè… 

Cuộc sống dần dần thay đổi. Nhà nào rồi cũng có tivi. Tiếng í ới gọi nhau đi xem tivi mỗi đêm thưa thớt dần. Chú Hóa thôi không đem tivi ra mái hiên nữa. Buổi tối, sau giờ cơm, ai cũng lặng lẽ trước chiếc tivi của nhà mình. Lũ trẻ con chúng tôi không hiểu người lớn nghĩ gì. Có thể, họ cho rằng mua tivi rất tiện, đỡ phải đi xem nhờ nhà hàng xóm. Riêng chúng tôi thì buồn lắm. Từ ngày bố mẹ mua tivi, chúng tôi không có cơ hội gặp nhau, hò hét cùng nhau, nấu ăn cùng nhau nữa. Buổi tối, đứa nào cũng buồn thiu ngồi chờ tới giờ chiếu phim. Mà phim dường như cũng không còn hấp dẫn và hay như trước!

Thời gian trôi qua, tất cả chỉ còn là ký ức đẹp. Chúng tôi lớn lên, mỗi đứa mỗi đường. Đứa đi lập nghiệp ở đất khách, đứa đi lấy chồng xa… Thế nhưng, mỗi khi có dịp ngồi lại cùng nhau, chúng tôi lại nhắc nhau nhớ về thuở ngây thơ ấy. Mỗi lần nhớ lại, mắt đứa nào cũng nhìn xa xăm, luyến tiếc. Rồi chúng tôi lại xa nhau. Mỗi buổi tối, tôi thường lang thang ra đồng, nghe như tiếng cười rộn rã vẫn còn vang vọng đâu đây…

Tâm Vũ
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10

Tiếp nối thành công 9 năm, Ban dự án Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu tiếp tục phối hợp với các tổ chức, cá nhân, Hội đoàn, cộng đồng kiều bào, các nhà trí thức, khoa học và bạn bè quốc tế tổ chức trực tiếp và trực tuyến Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu - Lễ Giỗ Tổ và vinh danh con cháu Vua Hùng toàn cầu 2024 với chủ đề “Hoà bình - Di nguyện của tổ tiên”.

Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu lần thứ 10
Đưa sách đến với cộng đồng

Những năm qua, bên cạnh công tác phục vụ tại chỗ cũng như tổ chức các sự kiện về văn hóa đọc, Thư viện Tổng hợp Thừa Thiên Huế còn triển khai việc đưa sách, báo về phục vụ tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, các đồn biên phòng, trại giam… với mong muốn đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ sách, báo của người dân.

Đưa sách đến với cộng đồng
Return to top