ClockThứ Hai, 12/10/2015 10:49

Chiếm đoạt tài khoản facebook lừa lấy tiền tỷ

TTH - Những ngày gần đây, dư luận ở Huế xôn xao trước việc Công an tỉnh bắt giữ 2 đối tượng Trần Long Hạc (22 tuổi, trú tại phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) cùng Võ Thị Tuyết Nhi (20 tuổi, trú phường 1, thị xã Quảng Trị) khi có hành vi sử dụng mạng internet để lừa đảo hàng trăm người, chiếm đoạt tài sản gần 1 tỷ đồng.
Cơ quan công an đọc lệnh bắt khẩn cấp đối với Trần Long Hạc (bìa trái)

“Hack” facebook người Việt ở nước ngoài

Dù đã hoạt động trong thời gian khá dài, lừa đảo hàng trăm người sử dụng facebook, song hành vi của 2 đối tượng này không qua mặt được các trinh sát thuộc Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm Công nghệ cao (PCTP CNC), Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) Công an tỉnh. Đầu tháng 5/2015, qua theo dõi, lực lượng PCTP CNC phát hiện Hạc và Nhi sử dụng đường truyền internet FPT để lừa đảo bà Nguyễn Thị Y.A. (trú ở TP Huế) gần 30 triệu đồng. Ngay sau đó, Phòng PC46 Công an tỉnh đã xác lập chuyên án mang bí số 515N và bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an đã từng bước bóc gỡ, làm rõ thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng.
Theo hồ sơ cơ quan điều tra, tháng 7/2013, Nhi thi đỗ vào Khoa Sử, Trường đại học Khoa học Huế. Tình cờ “lang thang” trên mạng xã hội, Nhi quen biết Hạc vốn làm nghề lái xe rồi kết thân và yêu. Sau một thời gian sống chung ở đường Xuân Diệu (TP Huế), cặp tình nhân này chuyển về ở trọ tại số 1/9 Lê Hồng Phong, TP Huế. Thời gian gần đây, Hạc chuyển sang học nghề tại Trường trung cấp Âu Lạc. Muốn kiếm một số tiền lớn để thỏa sức ăn chơi và đưa người yêu đi du lịch đó đây, Hạc lập ra trang web “bloganhviet.weebly.com” có chức năng kết nối và chia sẻ các thông tin cá nhân như facebook. Cụ thể, Hạc tung ảnh của các em lứa tuổi học sinh, sinh viên lên mạng rồi nhờ người sử dụng facebook bấm “like” (thích). Khi người khác bấm “like”, lập tức xuất hiện một thanh công cụ buộc người dùng phải đăng ký và nhập mật khẩu. Người like vô tình không biết rằng đây là “cái bẫy” được Hạc giăng ra để dụ dỗ rồi đánh cắp tài khoản mật khẩu của họ.
Sau khi có tài khoản đánh cắp, Hạc nghiên cứu kỹ các hoạt động trên mạng của từng cá nhân, rồi gửi tin nhắn đến bạn bè, người thân chủ tài khoản nhờ mua hộ thẻ cào điện thoại. Tiếp đến, Hạc sử dụng 8 tài khoản Bảo Kim và 1 tài khoản VTC với địa chỉ truy cập “hyyunhuynh1012@hotmail.com” để nhận thẻ cào rồi sử dụng thẻ ATM các ngân hàng Agribank, Sacombank, BIDV, Vietinbank rút tiền. Để tránh bị phát hiện, Hạc và Nhi thay nhau sử dụng các tài khoản mail, thư điện tử để đánh cắp tài khoản facebook và dùng nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau rút tiền.
Một điều tra viên Đội Cảnh sát PCTP CNC cho biết, các tài khoản facebook mà Hạc đánh cắp phần lớn là tài khoản cá nhân của những người Việt đang sinh sống ở nước ngoài, sau đó sử dụng tài khoản này để gửi tin nhắn cho bạn bè, người thân chủ nhân tài khoản đang ở Việt Nam để… lừa đảo. Tính đến thời điểm bị bắt, các đối tượng đã “hack” 500 tài khoản facebook cá nhân, lừa đảo gần 1 tỷ đồng, trong đó cơ quan công an đã làm rõ nhiều bị hại ở Huế, Quảng Ngãi, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh... Đáng lưu ý, để xây dựng lòng tin với người bị hại, Hạc còn sử dụng trang web “vianett.com”- một trang web có hiển thị các giao dịch để gửi tin nhắn qua điện thoại di động của nhiều người với nội dung nhờ mua thẻ cào tương tự nhằm lừa đảo.
Đánh vào tâm lý hám lợi
Thượng tá Mai Văn Toàn, Phó phòng PC 46 cho biết, trước sự bùng nổ thông tin như hiện nay, đặc biệt do sự hữu ích của các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Viber... đem lại nên số người sử dụng ngày càng gia tăng. Lợi dụng điều này, bằng các chiêu trò và thủ thuật ma mãnh, nhiều đối tượng tội phạm công nghệ cao đã đánh cắp tài khoản mạng xã hội để thực hiện các hành vi lừa đảo, xuyên tạc, vu khống cá nhân, cơ quan doanh nghiệp. Trong chuyên án này, cơ quan công an xác định Hạc đã sử dụng các tài khoản chiếm dụng được để “vào vai” bạn thân, nói mình đang có con bị tai nạn đang nằm viện rất cần tiền nhưng chưa tới hạn nhận lương rồi hứa sẽ trả lại cao hơn số tiền vay. Có những người thường làm ăn qua facebook thì bị Hạc lừa bằng cách thực hiện các giao dịch có giá trị vài chục triệu đồng. Hoặc hỏi vay mượn tiền rồi nói mình sắp về nước, có cần mua gì để mua bên này (Mỹ) đưa về với giá rẻ… Với chiêu thức này, Hạc cùng người yêu đã lừa trót lọt hàng trăm người, trong đó người mất nhiều nhất lên đến 30 triệu đồng.
Người bị hại thường có tâm lý né nánh sự việc khi phát hiện ra mình bị lừa đảo nên công tác điều tra, thu thập chứng cứ, làm rõ các đối tượng sử dụng internet để lừa đảo của cơ quan công an rất khó khăn. Tuy nhiên, qua các vụ việc trên, cơ quan công an khuyến cáo người sử dụng các trang mạng xã hội nên đề cao cảnh giác, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ có đối tượng lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan công an để có biện pháp giải quyết kịp thời, tránh hậu quả khôn lường về sau.
Hiện, cơ quan điều tra đã khởi tố đôi nhân tình dùng facebook chiếm đoạt tiền tỷ. Đồng thời, tiếp tục mở rộng điều tra vụ án.
Thái Bình
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top