ClockThứ Năm, 14/04/2016 14:16

Chiến đấu với “Hung thần” lòng đất

TTH - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những người lính công binh (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) với nhiệm vụ đặc thù rà phá bom mìn, thu gom vật liệu nổ họ vẫn miệt mài chiến đấu với “thần chết” là bom, mìn còn sót lại trong lòng đất. Những người lính công binh đã đổ biết bao mồ hôi, có khi là xương máu để đổi lấy sự bình yên cho từng tấc đất của quê hương.

Truy tìm “thần chết”

Nghe những người lính công binh tham gia hủy nổ quả bom Nu (trọng lượng 1.000 cân Anh) được phát hiện ngay tại dưới chân giường của một hộ dân ở A Lưới vào năm 2014 kể về công việc của mình, chúng tôi phần nào thấu hiểu được những vất vả, áp lực mà các anh đã trải qua. “Đối với nhiệm vụ rà phá bom, mìn, Ban Công binh luôn có kế hoạch rõ ràng, cụ thể và chi tiết, bởi đó là công việc đặc thù không cho phép có bất cứ sơ suất nào. Việc gì còn có thể sai rồi rút kinh nghiệm, riêng công việc của chúng tôi thì phải bảo đảm chính xác tuyệt đối. Chỉ cần sơ suất một công đoạn dù nhỏ nhất cũng phải trả giá bằng chính tính mạng của bản thân và đồng đội”, trung tá Trần Tuấn Anh, Trưởng ban Công binh chia sẻ.

Lực lượng công binh rà phá và xử lý hủy nổ bom ở xã Hồng Kim (huyện A Lưới)

Trong vô số lần tham gia rà phá, thu gom và xử lý bom mìn, trường hợp “thót tim” mà trung tá Trần Tuấn Anh và đồng đội không thể nào quên đó là khi khởi công xây dựng thủy điện A Lin (ở A Lưới). “Nhận được tin báo phát hiện bom trong quá trình thi công, tôi lập tức lên kế hoạch, cử lực lượng tới hiện trường để xử lý. Nhưng do địa bàn xa, khi đơn vị công binh tới nơi thì quả bom đã “không cánh mà bay”. Xác nhận lại thông tin từ công nhân ở công trường mới “tá hỏa” vì người dân nghe tin có bom đã tới khiêng trộm về để cưa lấy thuốc nổ. Ngay lập tức, đơn vị phối hợp với lực lượng chức năng ở địa phương để truy tìm quả bom. Cũng may khi tìm thấy, người dân chưa kịp cưa, chứ không thì hậu quả thật khó lường”, trung tá Trần Tuấn Anh nhớ lại.

Chia sẻ về nhiệm vụ, đại úy Nguyễn Viết Tình, có thâm niên hơn 20 năm trong công tác rà phá, khắc phục, xử lý bom mìn cho biết, khi đường dây nóng của đơn vị nhận được tin báo có bom, mìn là Đội Công binh cơ động tức tốc có mặt. Đối với bom đạn còn sót lại sau chiến tranh thì rất phức tạp, không biết nổ lúc nào nên tuyệt đối không được chậm trễ. “Việc thu gom, xử lý bom, mìn, vật liệu nổ là công việc hết sức nguy hiểm, môi trường làm việc độc hại. Nhưng đã là người lính công binh thì không được phép sợ. Khi làm việc, chúng tôi phải tập trung cao độ, quan trọng nhất là nắm được quy tắc, nhận diện được loại bom, để đưa về trạng thái an toàn, khi đó mới vận chuyển tới địa điểm tập kết để hủy nổ”, đại úy Nguyễn Viết Tình kể.

Cũng có thâm niên hơn 10 năm rà phá bom, mìn, thượng úy Lê Văn Thành Lộc, trợ lý Ban Công binh chia sẻ, khi đối mặt với “hung thần” trong lòng đất, đòi hỏi chúng tôi phải nắm vững chuyên môn và can đảm. Theo thượng úy Lộc, những loại bom to không đáng ngại bằng những bom nhỏ, bởi bom to cần lực tác động mạnh mới nổ, còn bom nhỏ thì cực kỳ nguy hiểm, chỉ cần có một lực tác động nhẹ, hoặc bị xoay chuyển là có thể phát nổ nay lập tức. Vì vậy, để xử lý loại bom này phải hết sức tỉnh táo và đòi hỏi kinh nghiệm, thường thì xử lý hủy nổ ngay tại chỗ.

Hồi sinh cho đất

Là một trong 6 tỉnh có mật độ bom, mìn còn sót lại nhiều nhất, trọng trách khắc phục hậu quả bom, mìn của những người lính công binh càng nặng nề, cam go. Những người lính công binh vẫn đang âm thầm đối mặt với hiểm nguy, săn bom, mìn, vật liệu nổ để hồi sinh cho đất và trả lại cuộc sống yên bình cho người dân.

Lực lượng công binh rà phá và xử lý hủy nổ bom ở xã Hồng Kim (huyện A Lưới)

Thực hiện Chương trình hành động Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010 – 2025 (Chương trình 504), đến nay, lực lượng công binh tỉnh đã làm sạch hơn 16 ngàn ha đất bị ô nhiễm. Khi dự án hoàn thành sẽ giúp đưa vào sử dụng 35.500 ha đất bị ô nhiễm bom, mìn vật liệu nổ để phục vụ cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và sản xuất, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân.

Trung tá Trần Tuấn Anh cho biết: Xác định được tầm quan trọng nhiệm vụ của mình, Ban Công binh đã có nhiều biện pháp thiết thực để tăng tốc độ và triển khai có hiệu quả công tác rà phá, thu gom, xử lý bom, mìn như xây dựng bản đồ vùng ô nhiễm bom, mìn; lập các trung tâm xử lý bom mìn; nhất là bồi dưỡng, nâng cao trình độ rà phá, xử lý bom, mìn cho chiến sĩ công binh. Trong thời gian tới, Ban Công binh sẽ phối hợp với các dự án phi chính phủ để tiếp tục tổ chức các đợt rà phá, thu gom và xử lý bom mìn, vật liệu nổ.

Hiện tại, Việt Nam có hơn 20% diện tích đất đai bị ô nhiễm do bom, mìn; số lượng ước tính khoảng 800 ngàn tấn bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại. Có hơn 100 ngàn nạn nhân do bom, mìn, vật liệu nổ từ sau chiến tranh đến nay, trong đó có hơn 40 ngàn người chết, hơn 60 ngàn người bị thương. Riêng trên địa bàn Thừa Thiên Huế, diện tích đất ô nhiễm bom, mìn, vật liệu nổ gần 173 ngàn ha (chiếm 34,4 % diện tích); 148/152 xã, phường bị ô nhiễm bom, mìn. Trong đó, A Lưới và Phong Điền là hai huyện có diện tích ô nhiễm bom mìn cao nhất.

Bài, ảnh: Thanh Thảo

 

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Liều thuốc bổ” của mạ

Dù một năm về quê rất nhiều lần, nhưng mỗi lần gói ghém đồ đạc để về nhà mẹ con tôi đều bồi hồi, nôn nao khó tả. Chẳng cần gọi như “hò đò” vào mỗi buổi sáng, mới hơn 5 giờ sáng, tôi đang cựa mình để xem giờ thì lanh lảnh bên tai giọng con trai tỉnh rót, chẳng có chút gì ngái ngủ của một đứa trẻ 5 tuổi khi thức dậy sớm. Mấy giờ rồi mẹ, sáng chưa, để con dậy đi về ngoại… Những câu hỏi cứ dồn dập, cùng với hành động bật dậy dứt khoát, đi thẳng vào nhà vệ sinh để đánh răng, rửa mặt của cu cậu càng khiến niềm vui, sự háo hức khi chuẩn bị về quê của tôi được nhân lên.

“Liều thuốc bổ” của mạ
Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương

Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quê hương Thừa Thiên Huế (26/3/1975 - 26/3/2024), chiều 25/3 tại nghĩa trang liệt sĩ huyện, Huyện ủy – HĐND – UBND – UBMTTQVN huyện Phú Vang đã tổ chức đặt vòng hoa, dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

Dâng hương kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng quê hương
Huấn luyện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu

Nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp uỷ, chỉ huy, vai trò tham mưu của cơ quan, đơn vị các cấp, trong hai ngày 4 & 5/3, Trung đoàn 6; Tiểu đoàn Tăng Thiết giáp 3 và Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã Hương Thủy đã tổ chức luyện tập chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) từ thường xuyên lên cao, cao lên toàn bộ.

Huấn luyện chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu
Return to top