ClockChủ Nhật, 21/09/2014 18:08

Chiến dịch lớn đã bắt đầu

TTH - Sáng 20-9, Thừa Thiên Huế phát động chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi-rubella. Đây là chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay, với mục tiêu đề ra 95% - hơn 29 nghìn trẻ từ 1 đến 14 tuổi trên địa bàn được phòng ngừa.

Tiêm phòng vắc xin sởi-rubella tại Trạm Y tế xã Vinh Thái (Phú Vang)

Sẵn sàng vào cuộc

Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay, bệnh sởi - bệnh rubella đều không có thuốc điều trị đặc hiệu. Cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh là tiêm vắc xin. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin phối hợp sởi- rubella là 95%. Nguồn vắc xin sử dụng cho chiến dịch tiêm chủng lần này do Tổ chức Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), UNICEF viện trợ với kinh phí trên 36 triệu USD. Vắc xin do Ấn Độ sản xuất, đã được Tổ chức Y tế thế giới kiểm định, thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam. Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, chiến dịch tiêm vắc xin sởi - rubella được thực hiện ở 1 nghìn xã, phường, thị trấn trong cả nước với khoảng 23 triệu trẻ từ 1-14 tuổi được tiêm phòng. Từ năm 2015, loại vắc xin này sẽ được đưa vào chương trình TCMR thường xuyên.
Phú Vang được chọn làm điểm phát động chiến dịch tiêm phòng vắc xin sởi - rubella ở địa bàn Thừa Thiên Huế và khu vực miền Trung. Sau lễ phát động, khắp nơi trên địa bàn Phú Vang các mẹ, các chị sốt sắng đưa trẻ đến trạm y tế xã, thị trấn để tiêm phòng. Ở xã Vinh Thái trong ngày đầu triển khai chiến dịch, khá đông phụ huynh đưa trẻ vào phòng đợi, lần lượt lấy số, chờ khám và được gọi tên để vào phòng tiêm. Anh Lê Văn Tú, thôn Thanh Lam Bồ (Vinh Thái), cho rằng: Nghe tin từ các anh trong thôn, Trạm y tế thông báo gần một tháng nay về mối nguy hại bệnh truyền nhiễm sởi - rubella nên không ngần ngại đưa cháu đến tiêm phòng dịp này. Chưa nói chuyện miễn phí, được tư vấn nắm rõ về bệnh dịch sởi - rubella, con cháu mình được chỉ định khám, tiêm đúng quy trình là tôi yên tâm”.
 Bác sĩ Nguyễn Thị Thêm, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Vinh Thái (Phú Vang) nói, được sự quan tâm của ban ngành cấp trên, đơn vị đã chuẩn bị tốt về nguồn lực, vật lực để tiêm phòng cho trẻ an toàn, đúng kế hoạch tiến độ của chiến dịch. Dịp này, Vinh Thái có 1.207 trẻ từ 1-14 tuổi tham gia trong 3 đợt tập trung; trong đó, có 354 cháu độ tuổi mầm non; 455 cháu tiểu học và 398 cháu THCS.
PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh cho biết, huyện Phú Vang có hơn 30 nghìn trẻ được tiêm phòng theo phương thức “cuốn chiếu” từng đợt, theo địa bàn xã, phường, thị trấn và không lồng ghép với các hoạt động tiêm chủng khác. Chiến dịch tiêm chủng ở Phú Vang sẽ chấm dứt vào ngày 10-10 -2014; tiếp đến là các huyện, thị, thành phố còn lại triển khai đồng loạt bắt đầu từ 10-10-2014 và kết thúc vào tháng 2-2015. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc như trẻ đau ốm đột xuất, đường sá đi lại khó khăn... các cháu sẽ được tiêm vét vào dịp sau.
Tạo sự an toàn tuyệt đối
Theo PGS.TS Nguyễn Đình Sơn, Thừa Thiên Huế gần đây đã khống chế các bệnh truyền nhiễm. Tuy nhiên, nếu các trẻ không tiêm phòng tốt có thể mắc bệnh thông qua việc lây nhiễm, trong đó có bệnh rubella. Mục tiêu của chiến dịch là phấn đấu đạt tỷ lệ trên 95% trẻ từ 1-14 tuổi được tiêm vắc-xin sởi-rubela, không bỏ sót đối tượng chưa tiêm.
TS Nguyễn Nam Hùng, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên Huế khẳng định, ngành đã chuẩn bị khá kỹ trước khi vào chiến dịch, như rà soát điều tra, tập huấn chuyên môn, công tác hậu cần, trang cấp thiết bị ở cơ sở... Những công việc này đã giao cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, đơn vị đã có kinh nghiệm, làm tốt công tác dự phòng dịch trong những năm qua ở địa phương để trực tiếp theo dõi tiến độ, nếu gặp khó khăn vướng mắc báo cáo cấp trên để kịp thời giải quyết.
TS Hùng cho rằng, với chiến dịch tiêm chủng lớn này, các chuyên gia dịch tễ cũng lo ngại không loại trừ việc xảy ra phản ứng phụ sau tiêm. Do đó, ngành Y tế Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các đơn vị bố trí tổ cấp cứu tại chỗ, tổ cấp cứu cơ động thường trực trong những ngày tiêm chủng, sẵn sàng xử lý khi có trường hợp phản ứng sau tiêm. Ngoài ra, ngành đã chỉ đạo các trung tâm y tế phân công cán bộ chuyên môn để theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ các trạm nhằm bảo đảm cho công tác tiêm chủng diễn ra an toàn, đúng quy định.
Ông Mai Quang Viên, Viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang, thành viên của Ban chỉ đạo Điều hành Tiêm chủng Quốc gia nhận định, Thừa Thiên Huế đã có sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực, vật lực của chiến dịch tiêm chủng mở rộng lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn. Điều này sẽ tạo sự an toàn tuyệt đối trong quá trình tiêm chủng, góp giúp cho trẻ dưới 14 tuổi được tiêm phòng miễn phí và củng cố thêm miễn dịch của vắc xin sởi để phòng ngừa tốt hai bệnh nguy hiểm này.
Bài, ảnh: Văn Minh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola

Sáng 20/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế thông tin đang tiếp nhận điều trị một nam bệnh nhân bị sốt rét tại Khoa Bệnh nhiệt đới. Đây là trường hợp sốt rét ngoại lai thứ hai tại địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay.

Thêm một ca bệnh sốt rét ngoại lai trở về từ Angola
Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung

Từ ngày 16 đến 18/4, Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với đoàn bác sĩ của Bệnh viện Kyoto Katsura (Nhật Bản) tổ chức đợt huấn luyện nâng cao về nội soi tiêu hóa can thiệp cho các bác sĩ tại các Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng, Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện 199 Đà Nẵng và Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Đào tạo nội soi cho bác sĩ 5 bệnh viện khu vực miền Trung
Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia

Ngày 17/4, Trung tâm Huyết học Truyền máu – Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế phối hợp với câu lạc bộ Sinh viên 5 tốt Đại học Huế, Ngân hàng Máu sống Cố đô và các nhà hảo tâm tổ chức chương trình gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho các bệnh nhân Hemophilia.

Gặp mặt, giao lưu và tặng quà cho bệnh nhân Hemophilia
Return to top