ClockThứ Hai, 07/01/2019 05:30
40 NĂM CHIẾN THẮNG BIÊN GIỚI TÂY NAM VÀ XÓA BỎ CHẾ ĐỘ DIỆT CHỦNG PÔN PỐT (7/1/1979-7/1/2019)

Chiến thắng của chính nghĩa và tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng

TTH - Phát huy tinh thần liên minh đoàn kết trong chiến đấu và xây dựng bảo vệ Tổ quốc, 2 nước, 2 dân tộc Việt Nam và Campuchia sẽ cùng nhau cảnh giác, đấu tranh với chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, kích động gây chia rẽ để không ngừng tăng cường hơn nữa quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện, vun đắp hơn nữa cho mối quan hệ này phát triển tốt đẹp, mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

40 năm chiến tranh biên giới Tây Nam: Ký ức những người trong cuộcSắt son tình nghĩa thủy chung Việt Nam- Campuchia

Nhân dân thủ đô Phnôm Pênh tiễn quân tình nguyện Việt Nam về nước. Ảnh: TTXVN

Tội ác của tập đoàn Pôn Pốt

Việt Nam - Campuchia là 2 nước láng giềng gần gũi, có truyền thống đoàn kết hữu nghị lâu đời. Thế nhưng từ tháng 4/1975, sau khi lên nắm quyền, với sự hậu thuẫn của các thế lực phản động nước ngoài, tập đoàn phản động Pôn Pốt - Iêng Xari đã chủ trương phá bỏ mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị này. Chúng ra sức vu khống Việt Nam, kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi; kích động xét lại quan hệ 2 nước, đòi hoạch định lại biên giới Việt Nam - Campuchia, vô cớ coi Việt Nam là kẻ thù số 1 và tiến hành hàng loạt những cuộc xâm lấn biên giới, giết hại dân thường.

Ở trong nước, từ tháng 4/1975 đến cuối 1978, chế độ Pôn Pốt đã thực thi chính sách diệt chủng tàn khốc. Chúng đã giết hại gần 3 triệu người dân Campuchia vô tội, đẩy Campuchia đứng trước thảm họa diệt vong.

Đêm 30/4/1977, lợi dụng lúc quân và dân ta kỷ niệm 2 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tập đoàn Pôn Pốt đã mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới tỉnh An Giang, chính thức bắt đầu cuộc chiến tranh xâm lược biên giới Tây Nam của Việt Nam. Chúng tàn phá các bản làng, trường học, cơ sở sản xuất của ta, bắn pháo vào những nơi đông dân cư ở sát biên giới và vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam. Tính đến ngày 19/5/1977, bọn chúng đã giết hại 222 người và làm 614 người dân Việt Nam bị thương, phá nhiều nhà cửa, tài sản của Nhân dân...

Cùng với lực lượng cách mạng Campuchia, bộ đội Quân đoàn 4 tiến vào giải phóng Phnom Penh ngày 7/1/1979. Ảnh: Bảo tàng Quân đoàn 4

Thực hiện quyền tự vệ chính đáng

Trước hành động xâm lược và tội ác diệt chủng của chúng, thực hiện quyền tự vệ chính đáng của dân tộc, quân và dân Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc buộc phải đứng lên tiến hành các cuộc tiến công, phản công trừng trị tập đoàn phản động Pôn Pốt.

Từ tháng 4/1977, quân đội ta đã sử dụng một trung đoàn (thuộc Sư đoàn 330), một trung đoàn tàu thuyền và 2 tiểu đoàn địa phương An Giang đánh trả, diệt 300 tên, buộc quân Pôn Pốt rút về bên kia biên giới. Tiếp đó, từ tháng 12/1977, ta đã mở đợt phản công trên các hướng Đường 7, Đường 1 và Đường 2, đánh bại kế hoạch đánh chiếm thị xã Tây Ninh của địch.

Từ mùa khô năm 1978, các đơn vị quân đội ta chuyển sang tiến công, đẩy quân Pôn Pốt lùi xa dần biên giới. Với sự giúp đỡ của Việt Nam, ngày 2/12/1978, tại vùng giải phóng thuộc xã Chơng Th’nu, huyện Snuol, tỉnh Kratié (Campuchia), Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia ra mắt nhân dân Campuchia với Cương lĩnh cách mạng 11 điểm.

Với âm mưu và thủ đoạn mới, ngày 23/12/1978, quân Pôn Pốt huy động 10 trong số 19 sư đoàn đang bố trí ở biên giới mở cuộc tiến công trên toàn tuyến biên giới Tây Nam nước ta. Trước hành động xâm lược của quân Pôn Pốt và đáp lời kêu gọi khẩn thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, quân tình nguyện Việt Nam cùng với lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia mở cuộc tổng phản công - tiến công trên toàn tuyến biên giới.

Ngày 26/12/1978, toàn bộ hệ thống phòng thủ vòng ngoài của quân Pôn Pốt bị phá vỡ. Đến ngày 31/12/1978, quân và dân ta đã hoàn thành nhiệm vụ đánh đuổi quân Pôn Pốt, thu hồi toàn bộ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc bị kẻ thù lấn chiếm. Trên tất cả các hướng, quân Pôn Pốt không cản được quân tình nguyện Việt Nam truy kích và tiến sát Thủ đô Phnôm Pênh.

Ngày 6/1/1979, quân tình nguyện Việt Nam và lực lượng vũ trang của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia bắt đầu tổng công kích vào Thủ đô Phnôm Pênh. Sau 2 ngày tổng công kích, ngày 7/1/1979, Thủ đô Phnôm Pênh hoàn toàn được giải phóng. Ngày 8/1/1979, Hội đồng Nhân dân cách mạng Campuchia được thành lập và ra tuyên bố: Xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng của tập toàn Pôn Pốt, thành lập chế độ Cộng hòa Nhân dân Campuchia.

Vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị

Thắng lợi vĩ đại ngày 7/1/1979 là mốc son lịch sử, tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, hữu nghị đặc biệt giữa 2 đất nước Việt Nam - Campuchia. Chiến thắng lịch sử này không chỉ góp phần bảo vệ toàn vẹn độc lập, chủ quyền biên giới quốc gia của Việt Nam, đồng thời còn giúp Nhân dân Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng và bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển. Kể từ đây, quan hệ 2 nước Việt Nam - Campuchia chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ khôi phục, vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa 2 nước dựa trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau vì sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước.

Trần Hữu Thùy Giang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam

Ngày 30/4/1975, ngày Việt Nam hoàn toàn thống nhất là một sự kiện vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới, điều phối viên Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện Quan hệ quốc tế Đại học quốc gia La Plata, Argentina, ông Ezequiel Ramoneda khẳng định.

Học giả Argentina ca ngợi chiến thắng 30 4 1975 của Việt Nam
Lan tỏa sở thích đọc sách đến lực lượng biên phòng

Ngày 20/4, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp với Thư viện tỉnh, Xã đoàn Hương Thọ (TP. Huế) và Trường tiểu học Hương Thọ tổ chức tuyên truyền kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) và hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam cho đoàn viên thanh niên các đơn vị và chiến sĩ mới.

Lan tỏa sở thích đọc sách đến lực lượng biên phòng
Chuyên trang Chiến thắng Điện Biên Phủ ra mắt 5 phiên bản tiếng nước ngoài

Ngày 22/3, chuyên trang đặc biệt Chiến thắng Điện Biên Phủ đã có thêm 5 phiên bản tiếng nước ngoài, bao gồm: tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Tây Ban Nha với hình thức trình bày hiện đại, hấp dẫn, nhằm thông tin chính thống về Chiến thắng Điện Biên Phủ đến với bạn bè quốc tế, nhất là độc giả trẻ.

Chuyên trang Chiến thắng Điện Biên Phủ ra mắt 5 phiên bản tiếng nước ngoài
Return to top