ClockThứ Năm, 04/10/2012 05:27

Chiều chiều ông ngự ra câu…

TTH - Đi dọc bờ sông An Cựu một thời “nắng đục mưa trong”, từ cầu Ga qua cầu Bến Ngự, rồi về đến cầu An Cựu dạo này thấy cả sáng tinh mơ lẫn lúc chiều tà là cảnh tượng nhiều người câu cá. Thêm nhiều người tụ tập đôi bờ, dòng sông An Cựu như lại càng thêm vui. Rồi nữa qua hồ Tịnh Tâm, xuôi về Đập Đá hay dừng lại ở nhiều ao hồ lớn nhỏ ở Huế cũng thấy lắm kẻ say sưa với chiếc cần câu cá. Nó lạ và nhiều tò mò gợi nhớ bởi cũng đã lâu lắm rồi bây giờ mới trở lại bắt gặp ở Huế cảnh tượng “chiều chiều ông ngự ra câu”.

Nói vậy cũng là bởi một thời, câu cá không chỉ là nghề kiếm sống mà còn là thú vui tao nhã của người dân Huế mình. Thiên nhiên hào phóng và rồi cả con người Huế nữa cũng đầy những toan tính tinh tế đã tạo nên cho vùng đất cái thế “tụ thuỷ” đắc địa. Cùng với sông Hương là những con sông đào mà An Cựu là một trong những hình ảnh tiêu biểu. Rồi nữa là cả một hệ thống ao hồ chi chít đặc biệt là ở khu vực Đại Nội. Ngược lên phía trên cao là những khe suối. Đi về các vùng quê ven đô không xa Huế là những cánh đồng với bao con hói, con kênh. Xa hơn nữa là đầm phá mênh mông và bao la. Chưa tính, cũng ở phía ấy là biển khơi. Toàn là những địa điểm buông câu tuyệt vời. Nghề câu cá lắm công phu và với người Huế mình lại càng thêm phong phú và đa dạng sắc thái các ngón nghề câu cá cũng bắt đầu từ đó. Mỗi loại cá một kiểu câu, một thứ mồi. Câu cá mùa nắng khác với mùa lụt. Câu cá ngoài đồng không giống với câu cá trong hồ, trên sông. Đi tìm con cá giữa mênh mông đầm phá không giống với tâm thế một góc ngồi câu. Cái thú của kẻ thả câu đi tìm sự thảnh thơi và thư giãn khác với niềm vui của người mưu sinh bằng cái cần câu cá.

Câu cá đêm, một thú vui tao nhã (Trong ảnh: Câu cá trên sông An Cựu). Ảnh: Quỳnh Chi

Ba bốn mươi năm trước, cá chắc rằng không nhiều bằng Nam Bộ nhưng cũng để lại trong tâm trí bao người một thời “cá nước chim trời” ở vùng núi Ngự, sông Hương. Còn nhớ, dạo mới giải phóng, mỗi lần từ quê lên Huế, tôi cứ mãi ngẩn ngơ khi nhìn từ cầu Trường Tiền xuống dòng Hương Giang, mùa hè trong suốt thấy từng bầy cá mương, cá hanh…và cả những con cá tràu bự chang tung tăng lội. Người ta bảo rằng, cá nhiều thế chỉ cần thả câu xuống là tha hồ giật và thằng nhóc ở quê là tôi bỗng dưng thèm. Cũng chẳng đâu xa, ngay xóm nhỏ của tôi ở vùng ven đô Dạ Lê Thượng, con hói nằm phía trước nhà cũng tha hồ mà câu cá quanh năm với bao thứ cá rô, cá mại, cá diếc… Đặc biệt nhiều là khi mùa lụt về. Lúc đó đồng lúa trở thành đồng cá và đi kèm theo là nghề câu cá, tát cá đồng… Đã có bao người xa Huế, vào ở Sài Gòn hay ở tận bên Mỹ, mỗi lần về thăm quê đã vội tranh thủ rủ bạn bè tóc đã điểm bạc vác cần đi câu cho khuây khoả bao hoài niệm về một thuở điền viên nơi thôn dã.

Chợt nhớ có người bảo rằng, khi dòng sông An Cựu cũng như bao dòng sông và hồ ao ở Huế có nhiều kẻ buông câu cũng đồng nghĩa với bắt đầu có nhiều cá trở lại. Điều này chứng tỏ nước sông ngòi và ao hồ đã ngày càng sạch hơn, ít ô nhiễm hơn và đang có thêm nhiều thức ăn cho cá là các loại động vật, thực vật phù du. Cứ tin là thế. Nó là dấu hiệu vui, cố mà gìn giữ. Để tôi, chiều nay qua phố, đi dọc theo bờ sông An Cựu như bị ai níu bước. Tôi thích câu cá và cũng thích ngắm nhìn ai đó thả câu. Cái thế đợi chờ của kẻ buông câu lộ rõ tính người và ở đó không có chỗ cho sự nôn ngóng và bộp chộp. Nó cũng gợi nhớ lại hình ảnh đầy thi vị, vui thú điền viên với “cái ve, cái chén, cái bầu sau lưng” của ai đó ngày xưa rất Huế.

Đan Duy

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top