ClockThứ Năm, 13/06/2013 11:00

Chiêu lừa mới...

TTH - Ngày 7/6, TAND tỉnh xét xử vụ lừa đảo mà tội phạm sử dụng “kịch bản” khá mới (bị cáo bị xử mức án cao nhất là 7 năm 6 tháng tù). Bất ngờ, những nạn nhân lại xin giảm án cho các bị cáo với lý do “cũng vì tham, tôi mới bị lừa”...

“Kịch bản”

Trần Đức Bình, Trịnh Văn Lý, Lê Văn Lâm và Đỗ Xuân Bảy đều quê ở Thanh Hóa. Đầu tháng 8/2012, Lý, Lâm, Bảy vào Bình Dương tìm việc làm thì gặp Bình. Cả nhóm bàn bạc rủ nhau ra Thừa Thiên Huế lừa bán sừng tê giác giả. Bình mua 2 con trăn, 6 cái sừng động vật (sừng trâu), 2 miếng mật trăn, 3 kg xương động vật. Cả nhóm ra Huế, đến thuê phòng trọ tại thị xã Hương Thủy và thị xã Hương Trà, để thực hiện hành vi lừa đảo. 

Lý mang 1 con trăn đến nhà anh H (huyện Phú Lộc), xưng là người dân tộc, nhờ anh H bán giúp con trăn với giá 2,5 triệu đồng. Anh H nói “không biết bán”, nhưng Lý vẫn ngồi nói chuyện để làm quen. Khoảng 20 phút sau, Bình chạy xe mô tô đến nhà anh H giả vờ hỏi mua trăn, các xương động vật thú rừng. Anh H nói “có người dân tộc đến bán trăn”. Bình xem con trăn, rồi thỏa thuận với Lý mua với giá 2,5 triệu đồng. Bình trả tiền cho Lý và đưa cho anh H số điện thoại và nói “nếu có ai bán các xương, hàng động vật thú rừng thì điện thoại cho Đức (tên giả của Bình) đến mua”. Bình chở con trăn về lại phòng trọ ở thị xã Hương Thủy (Lý về sau). Lý cho anh H. 200 ngàn đồng. Số tiền còn lại, Lý mang về giao cho Bình.

Cách một thời gian ngắn, các bị cáo lại 2 lần sử dụng chiêu thức này (lần sau số lượng hàng và mặt hàng nhiều hơn lần trước, tiền công trả cho anh H cũng nhiều hơn), càng khiến anh H tin vào việc mua bán động vật rừng là thật. Lúc này, bọn chúng mới “ra tay”. Lâm đi xe khách mang theo 1 sừng động vật (giả sừng tê giác) đến nhà anh H. Khi đến nhà, Lâm nói với anh H “Sừng tê giác, nhờ anh bán giá 330 triệu đồng”.

Bi kịch

Anh H tưởng sừng tê giác thật, điện thoại cho Bình (giả tên là Đức) đến mua. Bình đến giả vờ xem hàng rồi thỏa thuận với anh H mua cái sừng với giá 330 triệu đồng. Khi mua bán, Lâm nói sẽ cho anh H 10 triệu đồng, Bình cho anh H 5 triệu đồng. Để tạo lòng tin, Bình đặt cọc cho anh H 38 triệu đồng và nói “số tiền còn lại về nhà lấy, hai ngày sau đưa đến giao đủ tiền, lấy hàng”. Lâm đòi anh H đưa tiền đặt cọc 200 triệu đồng. Bình bảo anh H đi vay mượn 162 triệu đồng, để giao đủ số tiền 200 triệu đồng cho Lâm. Anh H lấy tiền của mình và tiền đặt cọc của Bình tổng cộng 200 triệu đồng, đưa cho Lâm. Hai ngày sau, anh H điện thoại đến số máy của Bình, nhưng Bình khóa máy không trả lời. Anh H biết mình bị lừa nên làm đơn gửi Công an huyện Phú Lộc. Với “kịch bản” như nêu trên, bọn Bình nhắm vào ông S (ở thị xã Hương Thủy). Ông S nhẹ dạ chuẩn bị đưa 50 triệu đồng, thì những kẻ lừa đảo bị công an tóm gọn.

Dù ở tận Thanh Hóa và ai cũng nghèo khổ nhưng vợ các bị cáo vẫn cố gắng đem theo đứa con nhỏ nhất, lếch thếch vào Huế để có mặt tại phiên tòa xét xử chồng. Một chị trong bộ áo quần cũ mèm, tay chân thô ráp vì làm ruộng làm vườn lóng ngóng với mấy món đồ rẻ tiền, không biết làm cách gì để “tiếp tế” cho chồng. Chị nói như phân bua: “Ở quê, nhà chúng tôi ai cũng khổ cả. Không biết mấy anh đó (ý nói các bị cáo) nghĩ sao mà làm vậy, chứ lừa lấy tiền của người ta rồi, cũng có đưa được tiền đó về nuôi vợ nuôi con đâu. Đã đến nước này, nhưng dù sao cũng là chồng mình, là cha các con mình, đâu có bỏ được. Vợ con đã khổ, càng khổ hơn”! Mấy người vợ cùng cảnh ngộ im lặng!

Có lẽ, ai cũng hiểu bi kịch mà người thân các bị cáo phải gánh khi có người chồng, người con, người cha bị đi tù. Gánh nặng mưu sinh càng nặng hơn trên vai người “ở ngoài”, vì phải nuôi gia đình, lại phải lo “tiếp tế” cho người ở tù. Nhưng tất cả không nặng bằng nỗi đau tinh thần, là vết thương dài lâu trong cuộc sống của họ. Không biết các bị cáo nghĩ gì, nhưng đứng sau vành móng ngựa, người thì thiểu não, kẻ ủ rũ lén nhìn ra khoảng sân, nơi mấy đứa trẻ (con các bị cáo) tầm bằng tuổi nhau, bé xíu, đang núp nắng trong bóng râm từ những tán bàng, vô tư cười đùa. Lớn hơn chút nữa, liệu bọn trẻ có còn được vô tư như thế!

Người bị hại trong vụ án nhìn những đứa trẻ, những người phụ nữ lếch thếch đang rối bời. Giọng nói của ông S có điều gì đó chua xót: “Xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Cũng bởi lòng tham của những người như tôi nên họ mới lừa được. Chứ giá như...”

Giá như, người bị hại không... tham, thì phạm vi hoạt động của loại tội phạm sẽ bị thu hẹp lại đáng kể. Nhiều số phận, gia đình và xã hội bớt đi những bi kịch. Trước ngày phiên tòa diễn ra, ông Bùi Quốc Hiệp, Phó Chánh án TAND tỉnh đề nghị tác giả bài viết này, thông tin trên báo để cảnh tỉnh chung.

Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Return to top