ClockThứ Sáu, 01/02/2013 11:29

Chiếu sáng để tạo thêm không gian văn hóa cho Huế

TTH - Du khách đến Huế ít ai bỏ qua cơ hội đến thăm cầu Trường Tiền vào buổi tối, để chụp những tấm hình kỷ niệm bên chiếc cầu lộng lẫy trong ánh điện ngũ sắc lung linh, diệu ảo bởi hệ thống chiếu sáng mỹ thuật đã được lắp đặt từ Festival Huế 2002. Nhiều người cũng tìm đến quảng trường Ngọ Môn, vừa để tận hưởng không khí trong lành, tĩnh mịch của đêm Thành Nội, vừa để ngắm biểu tượng của Cố đô rực rỡ trong ánh đèn vàng vương giả và huyền hoặc. Nhưng chỉ chừng đó thôi thì chưa đủ, bởi lẽ nhiều du khách vẫn phàn nàn: “Không biết đi chơi ở đâu khi đêm về trên phố Huế?”.

Những địa chỉ du khách không thể bỏ qua

Nhu cầu về những địa điểm vui chơi, giải trí về đêm của du khách và người dân Huế là có thật. Để đáp ứng nhu cầu đó, ngoài việc tổ chức các phố đêm, các khu vui chơi giải trí, cần có những không gian văn hóa về đêm được chiếu sáng mỹ thuật để thu hút du khách, đồng thời có những dịch vụ đi kèm để đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn, ăn uống, vui chơi, giải trí… của du khách. Nhiều thành phố du lịch ở nước ngoài đã làm rất tốt điều này để thu hút và “giữ chân” du khách.

Chẳng hạn như Thượng Hải (Trung Quốc). Với phương châm “Chiếu sáng đẹp hơn để thu tiền nhiều hơn”, cả thành phố với dân số hơn 23 triệu người này đã trở thành “quảng trường ánh sáng” mỗi khi đêm về. Sông Hoàng Phố chảy qua giữa lòng thành phố đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong các hoạt động du lịch về đêm ở Thượng Hải. Phần lớn những hoạt động du lịch sôi nổi và ấn tượng nhất vào ban đêm ở Thượng Hải đều dựa theo trục: phố Nam Kinh ở bờ Tây - sông Hoàng Phố - Phố Đông ở bờ đông, với tháp truyền hình Đông Phương Minh Châu là tâm điểm. Tất cả các công trình kiến trúc và không gian đô thị trên trục này đều được chiếu sáng mỹ thuật, rất thẩm mỹ, sáng tạo và giàu tính văn hóa. Chính quyền thành phố Thượng Hải đã đầu tư lắp đặt hệ thống ánh sáng mỹ thuật cho các hoa viên, tượng đài, tòa nhà công cộng... ở hai bên bờ sông Hoàng Phố và hỗ trợ chi phí lắp đặt hệ thống ánh sáng này cho tất cả các tòa nhà cao tầng nằm dọc hai bờ sông Hoàng Phố trong phạm vi 1 km tính từ bờ sông. Chính quyền cũng hỗ trợ 80% kinh phí chi trả tiền điện để chủ nhân các tòa nhà này bật hệ thống chiếu sáng hàng đêm, phục vụ cho các chuyến du thuyền chở du khách đi ngắm cảnh Thượng Hải về đêm. Và họ thu lại tiền từ việc bán vé ngắm cảnh phố đêm Thượng Hải bằng du thuyền cho du khách. Và dường như không du khách nào bỏ qua các tour ngắm cảnh Thượng Hải ban đêm trên những du thuyền này, cũng như sử dụng các dịch vụ đi kèm các tour này mỗi khi họ đặt chân đến Thượng Hải.

Trong khi đó, Thủ đô Bruxelles của vương quốc Bỉ lại chọn quảng trường Grande Place ở trung tâm thành phố làm “không gian văn hóa” để thu hút du khách. Quảng trường này hình thành từ sự kết nối của những tòa nhà, vốn là trụ sở của các phường hội nghề nghiệp ở Bruxelles xưa, với kiến trúc tiêu biểu nhất Bruxelles là tòa thị chính thành phố, một trong những kiến trúc đẹp nhất của vương quốc Bỉ và của châu Âu. Tất cả đều được chiếu sáng rực rỡ khi đêm về nhằm thu hút du khách đến tham quan, mua sắm và thụ hưởng “cuộc sống về đêm” ở một nơi được coi là cổ kính nhất trong lòng “thủ đô của châu Âu”. Có bốn lý do khiến du khách thích đến quảng trường Grande Place mỗi khi đêm về: Thứ nhất là để tham gia các phiên chợ đêm chuyên bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ do các phường hội thủ công của Bruxelles sản xuất; thứ hai là để chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật và tôn giáo ở phòng trưng bày nghệ thuật nằm ngay phía sau thánh đường trung tâm, mở cửa đến 24 giờ hàng đêm; thứ ba là để thưởng thức các món đặc sản của Bruxelles như món mul (con trai) hấp bơ, món khoai tây chiên kiểu Bỉ và uống những cốc chocolate nóng, đặc sản của vương quốc Bỉ; và cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, là để chiêm ngưỡng hai pho tượng lừng danh thế giới: Manneken Pis (Chú bé đứng đái) và Jeanneken Pis (Cô bé ngồi đái), hai biểu tượng đáng yêu của Bruxelles, tọa lạc bên cạnh quảng trường Grande Place.

 Nhiều thành phố khác như Paris (Pháp), New York (Mỹ), Berlin (Đức), London (Anh), Hong Kong, Singapore... đều đầu tư thích đáng cho việc chiếu sáng đô thị, tạo ra những không gian văn hóa về đêm để thu hút và phục vụ du khách.

Đắt nhưng xắt ra miếng

Huế hiện tại chỉ có cầu Trường Tiền được chiếu sáng nghệ thuật nhưng “đêm đỏ, đêm tắt”. Quảng trường Kỳ Đài - Ngọ Môn thì chỉ đơn giản ở mức “chiếu sáng”, thiếu mất tính mỹ thuật và văn hóa, nhưng cũng ít khi bật đèn cho đầy đủ vì chi phí “nhà đèn” cao quá...

Chiếu sáng tốt, chiếu sáng đẹp, thực ra không phải là tốn kém như nhiều người nghĩ. “Đắt nhưng xắt ra miếng”, bởi lẽ một thành phố được quy hoạch chiếu sáng tốt giải quyết tốt bài toán ánh sáng đô thị về đêm, tạo thuận lợi cho người dân và tăng thêm điểm đến cho du khách, đồng thời sẽ hạn chế những lãng phí do chiếu sáng kém hiệu quả như: có nhiều bảng hiệu quảng cáo chói lòa, kệch cỡm nhưng đỏ đèn suốt đêm; nhiều cột spot light chiếu thẳng lên trời một cách vô lý, hay những kiểu “chiếu sáng hạ tầng” theo lối cũ, tiêu tốn nhiều điện năng nhưng hiệu quả chiếu sáng không cao.

Bởi vậy, Huế cần thay đổi “tư duy chiếu sáng”, cần có thêm nhiều không gian văn hóa được chiếu sáng mỹ thuật, mà trục chính vẫn là những khoảng không gian tuyệt vời ở hai bờ sông Hương và những công trình kiến trúc nổi tiếng của Cố đô như quảng trường Ngọ Môn - Kỳ Đài, Quốc Tử Giám - Di Luân Đường; 10 cửa vô Thành Nội, tượng đài Quang Trung, những tuyến đường bao quanh Hoàng Thành Huế... Chính quyền thành phố nên mở thêm các công viên dọc hai bờ sông Hương và tổ chức các cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài, đặc biệt là những mẫu tượng đài liên quan đến huyền thoại, nhân vật và văn vật nổi tiếng của Huế, để lựa chọn những tác phẩm đẹp nhất, đưa vào trang trí trong các công viên này với hệ thống chiếu sáng nghệ thuật và hiệu quả để tạo thêm điểm nhấn cho những “không gian văn hóa về đêm” này.

Chính quyền cũng nên cho phép và khuyến khích người dân và các doanh nghiệp mở những quầy bán hàng lưu niệm, bán đồ ăn thức uống lưu động tại những nơi này mỗi khi đêm về để phục vụ nhu cầu ăn uống và mua sắm của du khách. Những quầy hàng lưu động này được phép hoạt động cho đến 1 giờ sáng và sẽ dọn dẹp vệ sinh và trả lại mặt bằng sạch sẽ, tinh tươm như cũ trước khi trời sáng. Các cơ quan chức năng của thành phố nên phối hợp với các cơ sở kinh doanh ẩm thực và các nhà nghiên cứu ẩm thực để lựa chọn và đề xuất một danh mục các món ăn và thức uống đặc trưng của Huế, gọn nhẹ, hợp tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn khi nấu nướng và chế biến, để đưa vào phục vụ ở những “không gian văn hóa về đêm” này.

Có như vậy thì Huế mới bớt đi những mảng tối khi đêm về và có thêm nhiều điểm sáng, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, để thu hút đến Huế và “níu giữ” du khách ở lại với Huế lâu hơn.

Trần Đức Anh Sơn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Sáng 24/4, tại điểm cầu Thừa Thiên Huế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã tham dự buổi họp trực tuyến với Chính phủ về sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (ATGT) quý I, nhiệm vụ quý II năm 2024. UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chủ trì hội nghị.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

TIN MỚI

Return to top