ClockThứ Năm, 13/09/2012 06:03

Chiêu thức găm hàng

TTH - Câu chuyện rộ lên gần đây khi xăng dầu liên tục tăng giá là việc các cửa hàng kinh doanh găm hàng không bán trong những thời điểm nhất định. Lý do được nêu ra thường được nói thật, nói thẳng theo kiểu “hết xăng” hay “mất điện”. Đi xe máy trên đường bỗng dưng tắt máy, nhìn cái kim xăng gác về số không, vào cửa hàng thấy những tấm bảng “chình ình” ra như thế thì cũng đành chịu chứ sao bây giờ. Ngay cả trong trường hợp có hàng mà chủ nhân bảo rằng không bán thì cũng chịu, huống chi là nêu lý do rất cụ thể như thế. Chuyện kinh doanh buôn bán theo kiểu tiền trao cháo múc mà.

Điều có thể xăm soi là tình trạng găm hàng làm giá trong lĩnh vực kinh doanh vốn được xem là độc quyền và nhạy cảm này. Bởi lẽ, cứ một vài ngày sau khi xuất hiện các tấm biển “hết xăng” hay “mất điện” kia là giá xăng dầu lại tăng. Tính từ đầu năm đến giờ, cũng đã 6 lần giá nhiên liệu này tăng. Làm kinh doanh, ai lại dại dột đi bán rẻ để rồi mua đắt. Khổ cho người tiêu dùng, hết gạo có thể chạy quanh chứ hết xăng dầu thì chỉ có cách duy nhất là vào cây xăng mà đổ. Cái khó là ở chỗ đó.

Suy cho cùng, găm hàng không bán cũng là dạng thức đầu cơ. Mà “đầu cơ” theo cách hiểu thông thường là việc nắm giữ, thu gom các loại hàng hoá, tài sản rồi bán nhằm thu lợi khi có biến động giá tăng lên. Vậy nên, đã có ý kiến cũng rất xác đáng, rằng không phải bao giờ cũng ghép tội đầu cơ, vì đây chỉ là hình thức kinh doanh đơn thuần, mà trong kinh doanh thì phải biết nắm bắt cơ hội để sinh lời. Luật Hình sự năm 1999 cũng quy định hành vi đầu cơ chỉ hình thành tội danh khi lợi dụng tình hình khan hiếm hoặc tạo ra sự khan hiếm giả tạo trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh để mua vét hàng hoá có số lượng lớn nhằm thu lợi bất chính, gây hậu quả nghiêm trọng...

Cũng chính sự nhập nhằng, thiếu rõ ràng kia trong nhận thức mà khi có dư luận về hiện tượng găm hàng, nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra Nhà nước cũng đã đến tận nơi kiểm tra. Vậy nhưng, hầu hết các trường hợp kết luận được đưa ra vẫn là điều có thể đoán được, cây xăng không thể nhập hàng hoặc cúp điện “thật”. Câu chuyện xăng dầu vẫn lùng nhùng, giá cả lên xuống nhập nhằng. Mỗi khi doanh nghiệp kêu lỗ thì tình trạng găm hàng, ngừng bán lập tức xảy ra trên diện rộng. Ngay cả việc minh bạch lỗ lãi, giá nhập khẩu hàng của các doanh nghiệp đầu mối... vẫn tù mù như ma trận.

Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có công văn yêu cầu Bộ Công thương chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng, nghỉ bán hàng không có lý do chính đáng trong kinh doanh xăng dầu. Phó Thủ tướng giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan tổng hợp tình hình vi phạm (nhất là trong hai lần tăng giá gần đây), làm rõ nguyên nhân, bất cập trong công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; kiến nghị với Thủ tướng những giải pháp hiệu quả để kiên quyết ngăn chặn, không để tái diễn phức tạp.

Giải pháp hiệu quả nhất giải quyết tình trạng đầu cơ găm giá, bên cạnh việc trao quyền chủ động cho các các doanh nghiệp, lâu dài phải tính đến là xoá bỏ sự độc quyền trong kinh doanh xăng dầu. Có sự cạnh tranh quyết liệt, sự đầu cơ găm hàng cũng đồng nghĩa với sự chấp nhận rủi ro thì đố có doanh nghiệp nào dám “chơi” dài dài như trong thời gian qua khi mà “chơi dao sẽ có ngày đứt tay”.

Đình Nam

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top