ClockChủ Nhật, 18/04/2021 11:46

Chim sẽ bay về…

Ngược xuôi đôi ngảĐiện lại bật sáng

Thuận nằm vật xuống lớp tro tàn còn chưa kịp nguội, bất lực nhìn ngọn lửa vẫn đang liếm dần từng mét rừng phòng hộ. Nhìn từng cây gỗ bị cháy đen, lòng Thuận rực như than đỏ. Màu áo kiểm lâm bám đầy khói bụi nồng lên mùi gỗ cháy. Cổ họng Thuận khô rát đến mức không thể nào tiết ra nước bọt. Ai đó dúi cho Thuận chai nước. Thuận vẩy vài giọt nước lên mặt mình. Cảm tưởng như nước sôi lèo xèo trên da thịt. Giá mà trời đổ xuống một cơn mưa…

Thảm thực bì dày quá, thời tiết nắng nóng và gió Lào thổi mạnh khiến công tác chữa cháy càng khó khăn hơn. Không có giải pháp nào tốt hơn là phát đường băng, khoanh vùng đám cháy để lửa không lan sang các khu vực khác. Dấu chân in trên tro bụi còn hằn rõ nỗi đau của cây. Những lúc tưởng chừng như kiệt sức Thuận lại nhớ về mình khi còn là cậu bé 10 tuổi, hoảng sợ và nhem nhuốc bước ra từ trận cháy rừng.

Năm đó đói lắm, hạn hán kéo dài, ruộng đồng khô hạn mất mùa triền miên. Hàng ngày, Thuận cùng với lũ bạn hàng xóm rủ nhau luồn tít mãi rừng sâu tìm hái rau đắng cẩy. Một lần cùng tụi bạn vào rừng, Thuận bắt gặp tổ ong vò vẽ rất to. Như mọi lần, cả bọn liền đốt rơm tạo khói dọa đàn ong bay xa. Chẳng may lửa rơi xuống lớp lá mục phía dưới tạo thành đám cháy. Lửa lan nhanh tới mức tụi Thuận không cách nào dập nổi. Cả làng mất một ngày một đêm dốc sức mới cứu được rừng. Cả bọn bị bắt đứng quay mặt vào rừng. Người lớn nhặt những cành cây cháy nham nhở trên rừng vụt mạnh. Roi của rừng rất đau, Thuận không dám khóc. Nhưng chiều hôm đó lúc đứng trước sự tàn lụi của rừng, nhìn đống tro tàn gió thổi bay mù mịt Thuận bật khóc hu hu. Lần đầu tiên trong đời Thuận cảm nhận được nỗi đau đớn đè lên lồng ngực.

Quê Thuận ở Phú Thọ. Đó là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, mở mắt ra nhìn đâu cũng thấy rừng. Đến bát cơm đưa lên miệng còn thơm mùi củi của rừng. Rừng cọ thân thuộc lắm. Lúc nào cũng chở che cho những phận người bé nhỏ dưới tán cây xanh mát của mình. Trong ký ức của Thuận, vui nhất vẫn là những ngày theo bố ra rừng chặt lá cọ lợp nhà. Ngày ấy quê Thuận dĩ nhiên toàn nhà lá. Lớn lên một chút, Thuận phụ bà làm nón lá mang bán lấy tiền. Bà dạy Thuận mọi thứ, từ cách chọn lá cọ non vừa độ làm nón mới đẹp mới bền, đến cách chuốt nan tre để nón tròn đều, cách xếp lá không xô lệch, cách chằm nón bằng những sợi cước dẻo dai. Từng đường khâu trên nón phải đều tăm tắp. Nón đan xong xếp thành chồng, chờ đến phiên chợ hai bà cháu gồng gánh mang đi bán lấy tiền đóng học cho mấy anh em Thuận. Trong đồi cọ bà chừa lại vài cây không chặt lá để đến mùa quả hái xuống ỏm ăn. Cọ ỏm là một trong những món ăn đặc sản quê hương Thuận, vừa bùi vừa béo.

Hồi mới chuyển vào đây công tác, đêm nào Thuận cũng mơ thấy rừng cọ quê mình. Đêm nằm ở cánh rừng biên giới nghe tiếng lá lao xao thân thuộc như từ trong thơ ấu của mình. Cũng có khi thân thuộc như máu thịt. Bởi ông nội Thuận là liệt sĩ chống Mỹ đã hy sinh đâu đó trên dải đất miền Trung, dọc dãy Trường Sơn hùng vĩ này. Thỉnh thoảng Thuận điện về nhà, mẹ kể dạo này bà hay đòi ra rừng nhặt củi. Mọi người gặng hỏi thì bà bảo: “Ra rừng cho đỡ nhớ ông và thằng Thuận”. Cũng lâu rồi Thuận chưa được về nhà…

***

Theo dự báo thời tiết Hà Tĩnh sẽ có mưa. Nhưng ở nơi này nhìn lên bầu trời chỉ thấy một màu đỏ rực và những đụn khói đen sì. Người đốt rác vô tình gây ra trận cháy rừng chắc chẳng bao giờ lường trước được hậu quả này. Gần 70 ha rừng phòng hộ bị cháy với vài chục ngàn cây thông, keo, bạch đàn bị thiêu rụi. Thuận bỗng nhiên nhớ đến hình ảnh mẹ sụt sùi quệt nước mắt đi chân đất trên đống tro tàn còn chưa kịp nguội. Sau trận cháy rừng mẹ mất trắng số tràm trồng gần đến ngày thu hoạch. Mẹ tính sau này bán đi mua cái xe đạp mới cho bố đi phụ hồ, đóng tiền học cho các con. Mua một con bò nhỏ về nuôi to để cày bừa. Số tiền còn lại sẽ đầu tư ngược lại vào rừng. Mua cây giống, phân trồng phủ xanh những chỗ đất còn hoang hóa. Biết bao nhiêu khoản đều trông chờ cả vào rừng. Trên đôi tay của mẹ vẫn còn nguyên vết chai cứng vì cầm cuốc bổ từng hố cây trên mảnh đất “chó ăn đá gà ăn sỏi”. Chỉ những ai đã từng dùng cả thanh xuân để khai hoang trên mảnh đất khô cằn như bố mẹ Thuận mới hiểu thấu được nỗi mất mát khi rừng bị cháy. Tối ấy Thuận nằm xoa bàn chân phồng rộp của mẹ nước mắt không ngừng chảy.

Đói quá. Chân tay Thuận bủn rủn nhận từ tay chị Thục xuất cơm. “Vất vả rồi, ăn cơm thôi em. Hôm nay có canh chua đấy”. Thuận không quen biết chị từ trước. Dù mới gặp nhưng lại thấy gần gũi như đã biết nhau từ rất lâu rồi. Nghe mọi người kể, chị là chủ nhà hàng quán cơm trong thị trấn. Thương các chiến sĩ công an, bộ đội, kiểm lâm và người dân đang căng mình chữa cháy trong thời tiết khắc nghiệt, chị cùng người thân đã nấu nhiều xuất cơm phát miễn phí để tiếp sức cho cho mọi người bớt phần nào đói mệt. Nhìn suất cơm tử tế như nấu cho chính người thân khiến Thuận bùi ngùi. Những người dân vì rừng mà đến đây nhiều lắm. Từ những thanh niên tình nguyện cầm dao leo rừng phát đường băng. Đến vài cụ già mang theo bánh mì, nước lọc, quạt giấy đứng chờ tiếp tế. Họ giống Thuận, không thể sống thiếu rừng. Rừng là lá phổi xanh. Là lá chắn gió Lào khắc nghiệt. Rừng bao bọc thôn xóm, làng xã, những quần thể người sinh sống suốt bao đời. Người ta coi rừng như ngôi nhà chung. Mà nhà cháy thì ai ngồi yên? Mỗi người mỗi chân mỗi tay phải góp sức mà cứu lấy rừng.

Sau khi phát các đường băng, lửa đã dần được khống chế. Nhưng thời tiết khô nóng nên có nhiều điểm cháy trở lại. Cũng có khi vừa dập xong chỗ này thì lại có tin chỗ khác rừng đã ngập trong biển lửa. Thuận chạy nhanh về phía rừng vừa mới phát lửa. Đây là khu vực rừng có nhiều cây bụi, lớp thực bì dày dễ bén lửa. Bỗng nhiên anh nghe thấy nhiều tiếng chim kêu hoảng loạn. Đó là tiếng chim con gọi mẹ trong cơn nguy hiểm. Thuận dùng máy thổi lửa rồi nhào vào bụi cây phía trước. Một tổ chim bé nhỏ nằm nép trong tán lá suýt chút nữa đã bị thiêu rụi. Lũ chim non nháo nhác há chiếc miệng đỏ hỏn ra kêu. Thuận lấy chiếc mũ cối đang đội trên đầu, ngửa ra, khẽ khàng đặt tổ chim vào đó. Thuận dốc những giọt nước cuối cùng trong chai cho những chú chim. Mẹ của chúng giờ này có thể đang chấp chới, hoảng loạn trong biển lửa. Cũng có thể vì khoảng rừng bị cháy quá rộng nên nó bị mất dấu đường về. Thuận nhớ tới hình ảnh những chú chim non nằm chết đói trong tổ mà ai đó đăng trên facebook với lời kêu gọi “đừng bẫy chim mùa sinh sản”.

Thuận lại nhớ tuổi thơ cùng chúng bạn luồn rừng đi tìm tổ chim. Cả tuổi thơ của Thuận gắn bó với rừng. Cũng chẳng khác gì những chú chim non tha thiết với khoảng trời màu xanh lao xao cây lá. Tụi Thuận từng bắt chiếc loài chim làm tổ trên cây. Cái tổ được kết bằng cành hóp đan vào nhau bện chặt. Những buổi trưa, để mặc lũ bò luồn đầu vào bụi sim, mua tìm cỏ, Thuận leo lên chiếc tổ của mình đánh một giấc ngon lành. Trong giấc mơ, cậu bé Thuận mơ thấy mình bay qua những cánh rừng nghe từng tán cây kể chuyện. Giấc mơ ấy Thuận cũng từng gặp lại ở đây. Mỗi thân cây là một linh hồn. Cây kể về lòng đất bao la, về bom đạn chiến tranh, về những người lính đã ngã xuống cả hai bên chiến tuyến.

Trời bỗng nhiên đổ mưa sau những tháng ngày nắng nóng kéo dài. Cơn mưa vàng nặng hạt trút xuống cánh rừng như một phép màu. Những tiếng kêu cứu đã thấu đến trời xanh. Xung quanh Thuận tiếng reo hò lẫn trong tiếng mưa đang trút ào ào trên cành lá. Lũ chim non há mồm đón từng hạt mưa mát lành rơi xuống. Thuận cũng ngửa cổ để mưa tràn trề trên khuôn mặt mình, thịt da mình. Những ngọn lửa lụi dần, vậy là hàng trăm hecta rừng được cứu. Thuận ôm lũ chim non vào lòng, mắt nhìn xa xôi về khoảng xanh phía trước. Anh tin rằng cánh rừng rồi sẽ hồi sinh, chim mẹ rồi cũng sẽ bay về…

BÙI MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top